Dạy con lập kế hoạch, xác định mục tiêu

Không ít phụ huynh chưa chú trọng tới việc dạy trẻ kỹ năng lập kế hoạch. Thực tế, việc lập kế hoạch sẽ giúp trẻ dễ dàng đạt được các mục tiêu đề ra.

Dạy con lập kế hoạch, xác định mục tiêu-1
Việc rèn cho trẻ kỹ năng lập kế hoạch là rất quan trọng. Ảnh minh họa.

Để giúp trẻ biết lập kế hoạch, phụ huynh cần động viên, khích lệ và hướng dẫn con xác định mục tiêu. Đồng thời, trẻ cũng cần viết ra kế hoạch chi tiết để có thể đạt được mục tiêu một cách dễ dàng hơn.

Kỹ năng tư duy

Chị Nguyễn Hoàng Oanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, bé nhà chị học lớp 5 vẫn còn hay mất tập trung trong lớp. Mỗi ngày, thầy cô và bố mẹ đều phải nhắc con làm bài tập. Con ngồi vào bàn học bài thì nhiều nhưng kết quả đạt được chưa cao, chị rất sốt ruột. Đặc biệt, mỗi khi có bài về nhà, bé không chú ý tới những gì thầy cô đã giao trên lớp.

Thậm chí, con chị Oanh cũng không lên kế hoạch xem sẽ thực hiện những nhiệm vụ nào trước. Chính vì vậy, bé thường xuyên rơi vào tình trạng làm thiếu bài tập về nhà. Hoặc, có những ngày cuối tuần, do mải chơi nên bé sẵn sàng bỏ bê việc học.

Chị Hoàng Oanh chia sẻ, khi thấy con như vậy, gia đình chị cho rằng, điều cần thiết là dạy trẻ có kỹ năng lên kế hoạch trong mọi việc.

“Nếu biết lên kế hoạch và sắp xếp mọi thứ, tôi tin là con mình sẽ hoàn thành mọi công việc cũng như nhiệm vụ hiệu quả, năng suất hơn. Thậm chí, nếu lên kế hoạch cho mọi việc, thì con có thể tự cân bằng giữa việc học và chơi”, nữ phụ huynh cho biết.

Thực tế, đốc thúc con học bài thường là thói quen của phụ huynh. Thế nhưng, chỉ cần rèn luyện cho con kỹ năng tự lên kế hoạch, cha mẹ không cần nhắc nhở, con cũng có thể có thành tích tốt hơn.

Trẻ tự lên kế hoạch học tập sẽ xác định được mục tiêu rõ ràng, có động lực học và làm bài. Khi lập thời gian biểu, bé có thể tự giác, tập trung vào bài vở, ít bị phân tán tư tưởng bởi môi trường bên ngoài. Nhờ đó, chất lượng học tập của trẻ cũng sẽ được nâng cao.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thế Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngay từ khi bé nhà anh còn nhỏ, gia đình đã hướng dẫn con cách lập kế hoạch cho mọi việc. Nhờ kỹ năng này, tới nay, dù mới học lớp 3, nhưng bé nhà anh Hà luôn tự giác lên kế hoạch cho mọi việc, từ học tập cho tới đi chơi. Từ khi biết lập kế hoạch, bé nhà anh Hà luôn hoàn thành mọi thứ đã đề ra một cách đúng hạn và hiệu quả.

Lập kế hoạch là một kỹ năng quan trọng. Bởi, kỹ năng này tạo điều kiện cho khả năng thiết lập các chiến lược, ưu tiên hành động và đạt được mục tiêu.

Lập kế hoạch là một kỹ năng tư duy tổng thể cho nhiều ngành khoa học cũng như các môn học khác. Đây là một kỹ năng quan trọng để hoàn thành các dự án học tập dài hạn.

Lập kế hoạch cũng trở thành một kỹ năng ngày càng quan trọng khi trẻ chuyển sang học ở trình độ cao hơn - nơi mà các em phải tham gia nhiều lớp, hoàn thành hàng loạt bài tập và vượt qua các kỳ thi.

Dạy con lập kế hoạch, xác định mục tiêu-2
Trẻ nên viết chi tiết các mục tiêu đã đề ra. Ảnh minh họa.

Theo TS Nguyễn Trọng Tiến - chuyên gia kỹ năng sống Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng DolphinKids, việc rèn cho trẻ kỹ năng lập kế hoạch là rất quan trọng. Kỹ năng này sẽ giúp trẻ vừa dễ đạt thành công trong học tập, vừa có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Đây là kỹ năng tư duy giúp trẻ phát triển các chiến lược để hoàn thành mục tiêu. Đồng thời, giúp trẻ suy nghĩ các bước cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ trước khi bắt đầu.

Theo chuyên gia này, để giúp trẻ phát triển kỹ năng lập kế hoạch, cha mẹ hãy ngồi cùng con, cung cấp một lịch tổng thể của các sự kiện. Từ đó, giúp trẻ lên kế hoạch trước.

Trẻ có thể trang trí lịch này theo sở thích cá nhân với hình ảnh, đồ họa, hình dán, hoặc hình tượng trưng. Lưu ý rằng, lịch phải bao gồm các sự kiện quan trọng, cuộc họp, trò chơi và thời hạn.

Phụ huynh cũng cần rèn cho con thói quen “Tạo danh sách kiểm tra” với các hoạt động như đi siêu thị, đi dã ngoại… Qua đó, nhằm giúp trẻ suy nghĩ và trao đổi với phụ huynh về các mặt hàng cần thiết cho những hoạt động và sự kiện khác nhau.

Ví dụ, chuẩn bị một danh sách kiểm tra cho việc đi dã ngoại cuối tuần có thể bao gồm: Một ba lô, đèn pin, găng tay, mũ, giầy, chai nước… Những danh sách này có thể được dán trong phòng của trẻ hoặc tại nơi bảng thông tin trong nhà.

Phụ huynh cũng nên để con lập kế hoạch cho một chuyến đi trong ngày hoặc du lịch. Sau đó, giúp trẻ xác định những gì cần thiết cho sự kiện này. Ví dụ, nếu trẻ muốn đi đến sở thú, cha mẹ có thể khuyên con in ra bản đồ vườn thú từ máy tính. Đồng thời, trẻ có thể ưu tiên các con vật mà bé muốn xem khi đến đó.

Phụ huynh cũng hãy rèn cho trẻ việc “Làm bài tập ở nhà” như một phần trong thói quen thông thường của gia đình bằng cách thiết lập thời gian biểu phù hợp. Nếu cần, cha mẹ có thể chia thời gian làm bài của trẻ làm hai khối thời gian (một lần sau giờ học, một lần sau bữa tối). Sau đó, cho trẻ xác định những gì con hy vọng sẽ hoàn thành trong mỗi khối.

Một phương pháp hiệu quả khác là dạy trẻ cách kinh doanh như một doanh nhân. Nếu có thể, cha mẹ nên cùng con “Tạo một kế hoạch kinh doanh” và mở “doanh nghiệp gia đình”. Hãy “khởi động” từ việc khuyến khích con bắt đầu những công việc giúp đỡ gia đình và được trả lương trong mùa Hè, đến việc tìm người thân và hàng xóm để cho trẻ làm việc nhà, hoặc chăm sóc thú nuôi như đưa chó đi dạo hoặc cắt cỏ, trông em bé…

Thậm chí, nếu trẻ có nhu cầu hoặc ý tưởng làm các hoạt động kinh doanh nhỏ, phụ huynh hãy khuyến khích và cùng con lập kế hoạch. Hãy cho trẻ lập danh sách hàng hóa cần mua và lên kế hoạch các vật liệu cần thiết để vận hành.

Đối với “những doanh nghiệp” mà trẻ đang hào hứng, nỗ lực và lao động, điều quan trọng là cha mẹ phải giúp trẻ lên kế hoạch, dành thời gian để cống hiến cho những công việc đó và quyết định cách nào tốt nhất để tiết kiệm hoặc đầu tư thu nhập của mình.

Dạy con lập kế hoạch, xác định mục tiêu-3
Phụ huynh nên để con lập kế hoạch cho một chuyến đi trong ngày hoặc du lịch. Ảnh minh họa.

Tiêu chí xác định mục tiêu

Theo giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một trong những “bước đệm” để trẻ có kỹ năng lập kế hoạch là biết xác định mục tiêu. Trong đó, trẻ cần biết các tiêu chí để xác định mục tiêu.

Bên cạnh việc giúp trẻ tìm hiểu về khái niệm cơ bản thì các cha mẹ cũng cần cho trẻ nắm được những tiêu chí xác định mục tiêu. Cụ thể, trẻ cần xác định những nhu cầu, mong muốn của bản thân. Ngoài ra, mục tiêu cần phải có mốc thời gian, không gian thực hiện rõ ràng. Mục tiêu cũng cần đo lường, đánh giá kết quả đạt được.

Một số tiêu chí khác cần xác định bao gồm: Tính thách thức và vừa khả năng cần được đề ra trong mục tiêu; Những cơ hội để thực hiện mục tiêu, nếu biết chớp cơ hội có thể dễ dàng đạt được; Mục tiêu phải có tính thách thức và vừa tầm.

Để có thể xác định mục tiêu và lập kế hoạch, nữ giáo viên gợi ý, cha mẹ cần dạy con thiết lập mục tiêu “SMART”. Trong đó, S là chữ viết tắt của “Specific”, nghĩa là cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Mục tiêu đặt ra phải cụ thể, dễ hiểu. Thông thường, trẻ thường đặt ra các mục tiêu rất mơ hồ như: Học giỏi hơn, cao hơn… Điều này hạn chế khả năng thành công của trẻ. Thay vì các mục tiêu không rõ ràng, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ đặt mục tiêu một cách cụ thể, dễ hiểu như: Con sẽ ăn nhanh hơn trong 30 phút.

Ngoài ra, mục tiêu cũng cần đo đếm được (Measurable). Để hoàn thành mục tiêu một cách nhanh chóng thì mục tiêu đó phải đo lường được. Ví dụ: Con dành cho 1 tiếng mỗi ngày để học đàn.

Tiếp theo, mục tiêu cần khả thi (Attainable). Cụ thể, mục tiêu đề ra cần phù hợp với khả năng và năng lực của con. Mục tiêu cũng cần có tính thực tế (Relevant). Trẻ cũng cần đảm bảo rằng, mục tiêu này phù hợp với mục tiêu dài hạn của con.

Yếu tố cuối cùng là cần chú ý tới thời gian hoàn thành (Time-bound). Trẻ cần đặt ra thời hạn cụ thể cho từng mục tiêu. Bằng cách này, các con sẽ hoàn thành nhanh hơn và có kỷ luật để đạt được tiến độ công việc đúng hạn.

“Điều quan trọng là trẻ cần hiểu rõ bản thân mình phải có những kiến thức, kỹ năng, thông tin gì để có thể hoàn thành mục tiêu một cách xuất sắc nhất. Tuy nhiên, thực tế, đường đi đến đích nếu bước một mình thì rất khó để thành công. Do đó, trẻ cần những người “bạn cùng thuyền”. Theo đó, con hãy lên danh sách những người mà có thể phối hợp, giúp đỡ trong quá trình thực hiện mục tiêu. Để rõ ràng hơn thì cần xác định người đó thực sự có thể giúp con những gì”, giáo viên Mai Chi gợi ý.

Để đạt được kỹ năng lập kế hoạch, trẻ cũng cần biết cách xây dựng và hoàn thành những gì đã đề ra trên giấy. Trước hết, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ liệt kê danh sách các việc cần làm để đạt được mục tiêu đề ra. Nếu trẻ xây dựng một danh sách rõ ràng, thì con đường đến mục tiêu sẽ càng gần hơn.

Khi trẻ đã có danh sách các việc cần làm cụ thể, cha mẹ cần biến điều đó thành kế hoạch và để con hoàn thành. Kế hoạch sẽ được dựa trên những điều mà con đã xây dựng ở những bước trước đó.

Thực tế, kế hoạch càng cẩn thận và chi tiết thì khả năng đạt được mục tiêu càng cao hơn. Cha mẹ cũng cần để trẻ hiểu rõ công việc nào quan trọng hơn để ưu tiên thực hiện nó trước.

Theo giáo viên Mai Chi, trẻ sẽ dễ dàng thành công hơn nếu cha mẹ luôn đồng hành. Vì vậy, các cha mẹ cần động viên, khích lệ để trẻ có thể đạt được kỹ năng lập kế hoạch một cách nhanh chóng.

Theo Giáo dục thời đại

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giaoducthoidai.vn/day-con-lap-ke-hoach-xac-dinh-muc-tieu-post670315.html

Nuôi Dạy Con


Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.