Dạy con thời 4.0: 'Sai một ly' hậu quả khôn lường

Theo chuyên gia, không nhất thiết phải là những trận đòn roi, chỉ cần một lời nói, buộc tội của phụ huynh khi chưa tìm hiểu kỹ sự việc cũng có tính sát thương rất lớn với trẻ.

Giáo dục con cái đúng cách luôn là điều khiến các bậc cha mẹ thời hiện đại băn khoăn. Trên hành trình trưởng thành, trẻ đôi lúc không vâng lời khiến cha mẹ đau đầu, thế nhưng theo các chuyên gia, việc đánh mắng các con ở thời hiện đại không còn tác dụng, thậm chí còn gây tác dụng ngược.

Điển hình, vụ việc nữ sinh lớp 9 tại Nghệ An tự tử đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. 

Trước lúc nữ sinh có hành vi dại dột, hai mẹ con đã có cuộc trò chuyện riêng. Người mẹ hỏi con gái về nguồn gốc số tiền trong cặp sách do trong lúc kiểm tra đồ dùng cá nhân, chị phát hiện số tiền hơn 400 nghìn đồng. Người con gái nhất quyết không chịu nói. Vì quá tức giận, chị có đánh con vài cái. Sau khi chị đi làm, con gái chị đã có hành vi dại dột.

Từ những sự việc tương tự, nhiều phụ huynh cùng chung nỗi lo lắng, nếu không mắng, khi con mắc lỗi bố mẹ phải làm gì để dạy con và kiềm chế được cảm xúc của mình.

Có hai con ở tuổi vị thành niên, chị Trần Thu Liễu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thừa nhận trong quá trình nuôi dưỡng và dạy bảo con cái việc trách, mắng là điều khó có thể tránh khỏi.

Dạy con thời 4.0: Sai một ly hậu quả khôn lường-1

Đặc biệt là khi bố mẹ gặp những áp lực cuộc sống, áp lực công việc và kỳ vọng quá lớn ở con. Bản thân việc mắng con cũng là muốn con cái thay đổi và tốt hơn.

Thế nhưng, người mẹ hai con này cũng thừa nhận nhiều phụ huynh không kiềm chế được cảm xúc, quá nóng giận. Lúc đó, những điều họ dành cho con không còn là lời trách mắng thông thường mà trở thành xúc phạm, gây tổn thương tâm lý nặng nề cho con.

Hiện nay, không ít những bạn trẻ bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ chính những lời đánh mắng của bố mẹ. Hành động tưởng chừng bình thường đã tạo nên vô vàn những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.

Chia sẻ về điều này, Thạc sĩ Hà Thái Hương - Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cho biết học sinh ở bậc THCS có những đặc thù riêng về tâm lý lứa tuổi. Bố mẹ dạy con cần dựa vào đặc trưng tâm lý lứa tuổi, dạy một học sinh lớp 9 khác với quát mắng một đứa trẻ ở bậc mầm non.

“Tuổi mới lớn, các em bắt đầu có những bí mật riêng tư, muốn bố mẹ phải tôn trọng những riêng tư ấy. Nếu con luôn muốn giữ bí mật, chưa sẵn sàng chia sẻ, đó có thể do sự kiểm soát con quá đà của phụ huynh.

Khi không thể kiểm soát con, cha mẹ quát mắng thậm chí dùng đòn roi là phương pháp giáo dục được nhiều phụ huynh lựa chọn nhất. Nó thể hiện bất lực trong cách dạy con.

Khi phụ huynh sử dụng bạo lực hay mắng con sẽ khiến đứa trẻ trở nên thiếu tự tin vào bản thân, dễ cáu giận, có xu hướng sống bạo lực. Cũng có những trường hợp trẻ bị tổn thương tâm lý, cảm thấy mình không được tôn trọng sẽ dẫn đến trầm cảm”.

Lời khuyên của chuyên gia Hà Thái Hương, khi con mắc lỗi, đầu tiên bố mẹ phải giữ bình tĩnh, không đánh mắng con trong lúc đang nóng giận. 

Bởi lẽ, khi nóng giận phụ huynh khó kiểm soát được cảm xúc, lúc ấy có thể nói những lời tổn thương tâm lý đứa trẻ mặc dù không cố ý. Đôi khi chưa cần đánh, chỉ cần những lời buộc tội, mắng mỏ khi chưa tìm hiểu kỹ sự việc cũng có tính sát thương rất lớn.

Bố mẹ khi giữ được bình tĩnh hãy ngồi lại nói chuyện với con để tìm hiểu tại sao con có những hành động đó, phân tích cho con hiểu cặn kẽ vấn đề, biết đâu cũng có thể bố mẹ đang hiểu lầm con. Đây là cách bố mẹ chia sẻ cùng con, để con nói lên cảm xúc, suy nghĩ của mình từ đó giúp con nhìn nhận đúng sai.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Lê Thị Loan - nguyên Phó Khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), cho rằng khi con mắc lỗi bố mẹ hãy cùng con ngồi xuống, bình tĩnh xử lý và lắng nghe con. 

Việc lắng nghe không chỉ giúp bố mẹ, con cái hiểu nhau. Người lớn còn có thể định hướng giải quyết vấn đề, để trẻ cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của bố mẹ.

"Điều này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn dùng cách giáo dục đánh mắng nặng nề với con, nhất là với những trẻ ở tuổi mới lớn. Với con cái, dù ở tuổi nào, bố mẹ vẫn phải dùng sự kiên nhẫn và tình yêu thương để khiến chúng thay đổi", chuyên gia này cho biết.

TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội: Trong môi trường học đường cần mô hình bác sĩ tâm lý.

Trước đây, chúng ta mới chỉ quan tâm dạy chữ, bây giờ là dạy người. Phát triển tiềm năng của cá nhân, làm tối đa hóa hiệu suất hoạt động, sức khỏe tinh thần là rất quan trọng, vì vậy, cần phải có những người chăm sóc sức khỏe tinh thần trong trường học.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể học hỏi mô hình các nước. Có những vị trí mang tính phòng ngừa như tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội học đường, nhưng có thể 15% em gặp khó khăn hơn về tâm lý, cần đội ngũ chuyên gia tâm lý trị liệu chuyên sâu. Còn những em rơi vào rối nhiễu tâm lý học học đường, trở thành bệnh, quá lo âu, gặp sang chấn tâm lý… sẽ phải có đội ngũ như bác sĩ tâm lý.

Chúng ta có thể xây một hệ thống phù hợp cho vấn đề này, có thể là giáo viên kiêm nhiệm, giải quyết được 80% trường hợp mang tính phòng ngừa. Với hoạt động cấp cao hơn Sở, Phòng GD-ĐT cần tập hợp một đội ngũ chuyên gia tâm lý, để khi có bất kỳ việc gì xảy ra, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, giáo viên cần can thiệp ngay.

Qua can thiệp ban đầu, nếu vẫn còn sang chấn tâm lý không thể cân bằng, lúc đó phải chuyển đến chuyên gia tâm lý học lâm sàng, bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần ở bệnh viện để được hỗ trợ tối đa.

Chúng ta cũng cần phải nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. Tôi nghĩ rằng một trong những nguyên tắc của những người làm nghề liên quan đến con người, như bác sĩ, giáo viên... phải tự biết chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính mình.

Nếu sức khỏe tinh thần của bạn không tốt, đang chịu chứng bệnh nào đó, bạn không thể làm tốt công việc, lại còn gây ra nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh nghề nghiệp.

 

Theo VNN

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/day-con-thoi-4-0-sai-mot-ly-hau-qua-khon-luong-2136660.html

phụ huynh


Bạn trai kém 4 tuổi ham mê cờ bạc nhưng tôi không thể chia tay
Bạn trai tôi thường xuyên "đốt tiền" vào những trò cá cược đỏ đen trên mạng, không ít lần tôi phải đi trả nợ thay cho anh ta. Dù tôi đã nhiều lần chia tay nhưng bạn trai liên tục níu kéo, thậm chí dọa dẫm khiến tôi không thể dứt khoát.
Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.