Dạy con ứng xử văn minh khi nhận lì xì để trẻ vui, người lớn hài lòng, Tết thêm ý nghĩa

Được nhận tiền mừng tuổi luôn là niềm vui thích của các em nhỏ dịp năm mới, nhưng trẻ vốn ngây thơ, cách hành xử khi nhận lì xì đôi khi chưa đúng mực khiến người lớn không hài lòng và kém vui. Để hạn chế điều đó thì việc hướng dẫn trẻ nhận lì xì đúng cách là rất cần thiết.

Lì xì ngày Tết là truyền thống tốt đẹp của người Việt mỗi dịp đầu xuân năm mới, nhưng xung quanh phong tục này, nhất là với trẻ nhỏ vẫn thường xảy ra những câu chuyện bi hài làm phụ huynh đôi khi phải ngại ngùng xấu hổ. Chính vì vậy, mỗi dịp Tết nguyên đán về, không ít bố mẹ dù bận rộn đến đâu cũng phải tranh thủ dạy con cách ứng xử văn minh khi nhận lì xì để người cho người nhận đều vui và không ảnh hưởng đến ý nghĩa thực sự của nó. 

Dạy con ứng xử văn minh khi nhận lì xì để trẻ vui, người lớn hài lòng, Tết thêm ý nghĩa-1

Vậy nên dạy trẻ điều gì xung quanh việc nhận lì xì để trẻ hiểu và có hành động đúng mực trong ngày Tết? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp điều đó.


1. Dạy trẻ hiểu ý nghĩa thực sự của phong tục lì xì ngày Tết

Lì xì ngày Tết được bắt nguồn từ câu chuyện cổ tích ông Bụt tặng trẻ một phong bao chứa các đồng xu mừng tuổi vào ngày đầu năm, với mong muốn xua đi những điều xấu và ngăn quỷ dữ đến quấy rối khi ông Táo đã về chầu trời. Phong bao lì xì này sẽ được đặt ở dưới gối của trẻ, ánh sáng của đồng tiền Phật sẽ làm chói mắt những tên quỷ dữ muốn đến làm hại trẻ nhỏ, bỏ chạy và không còn dám bén mảng đến nữa. Về sau, các gia đình thường tặng trẻ những phong bao lì xì đựng tiền như thế, để bảo vệ trẻ khỏi những tên quỷ dữ, cũng như cầu chúc cho trẻ một năm mới bình an.

Dạy con ứng xử văn minh khi nhận lì xì để trẻ vui, người lớn hài lòng, Tết thêm ý nghĩa-2

Như vậy, bố mẹ cần phân tích để trẻ hiểu tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa tinh thần chứ không mang nặng ý nghĩa về vật chất, thể hiện tình cảm yêu mến của người lớn dành cho trẻ, với mong muốn bé luôn khỏe mạnh, chơi vui, học giỏi. Còn mừng tuổi cho những người lớn tuổi hơn sẽ mang ý nghĩa cầu chúc nhiều sức khỏe, sống lâu vui vẻ bên con cháu. Việc bản thân được người cho/tặng nhớ đến và chúc phúc đã là một niềm vui còn việc trong phong bao lì xì chứa số tiền bao nhiêu là tùy điều kiện mỗi người chứ không quá quan trọng và trẻ không nên kỳ vọng về số tiền mà mình nhận được.

 

2. Dạy trẻ cách chào hỏi và nói những câu chúc Tết đơn giản, ý nghĩa
 

Khi khách đến nhà hoặc cả nhà đi chúc Tết, trẻ cần phải chào hỏi lễ phép và biết chúc Tết những người khách. Ba mẹ có thể dạy trước cho bé những câu chúc đơn giản và ý nghĩa, dễ nhớ và phù hợp với hầu hết mọi người. Ví dụ: Cháu chúc ông/bà/cô/chú/anh/chị năm mới mạnh khỏe và may mắn, phát tài phát lộc, vạn sự như ý…. 

Bên cạnh đó, ba mẹ hãy giúp bé hiểu khi nhận được những lời chúc Tết của bé mọi người sẽ cảm thấy rất vui vẻ. Với các câu chúc này, trẻ sẽ giúp niềm vui ngày Tết được lan tỏa, tất cả mọi người đều phấn khởi, hạnh phúc.

Dạy con ứng xử văn minh khi nhận lì xì để trẻ vui, người lớn hài lòng, Tết thêm ý nghĩa-3

3. Dạy trẻ cách nhận và nói lời cảm ơn khi nhận lì xì
 

Ba mẹ cần dặn dò con thật cẩn thận tuyệt đối thấy khách đến nhà không được chạy tới với vẻ chờ đợi càng không được đòi khi khách chưa lì xì. Khi cầm lì xì phải đưa hai tay đón nhận và cúi đầu nói lời lời cám ơn một cách trân trọng mà không cần ba mẹ nhắc nhở.

Những câu cảm ơn lễ phép của trẻ sẽ khiến tất cả mọi người cảm thấy hài lòng, ngày Tết thêm vui vẻ và ý nghĩa.
 

4. Khi nhận lì xì, không xé ngay trước mặt người tặng hay chê ít
 

Lì xì thường được để trong bao kín thể hiện sự tế nhị, không muốn người nhận có sự so bì, tị nạnh. Thế nhưng nhiều trẻ hiện nay đã hiểu giá trị của các mệnh giá tiền, khi được lì xì thường háo hức mở ra ngay trước mặt người tặng rồi hớn hở khi thấy tiền to hoặc xị mặt ra nếu tiền ít là điều tuyệt đối không nên. Hành động và thái độ đó là bất lịch sự, khiến phụ huynh muối mặt mà người cho cũng kém vui.

Dạy con ứng xử văn minh khi nhận lì xì để trẻ vui, người lớn hài lòng, Tết thêm ý nghĩa-4

Vì thế, cha mẹ nên dạy trẻ kỹ về điều này, tốt nhất hãy chuẩn bị cho cho con vào một chiếc túi nhỏ, nếu được ai lì xì thì cất ngay vào đó rồi lúc khác xem sau. Đặc biệt, khi đã biết được số tiền được cất trong phong bao, trẻ tuyệt đối không được đánh giá ít nhiều.


5. Không đòi tiền lì xì

Được nhận lì xì luôn là điều mà trẻ háo hức mong chờ nhất trong những ngày tết, nên nhiều khi đi chơi hay có khách đến nhà, không ít trẻ chạy ngay ra chờ đợi, thậm chí chưa được thì đánh tiếng đòi lì xì, hoặc thấy ít còn vòi vĩnh thêm nhất là với người thân. 

Cha mẹ nên nói cho con hiểu rằng đó là một hành động bất lịch sự và chưa ngoan trẻ nên tránh.  Thay vào đó trẻ nên giữ thái độ lễ phép, đúng mực ngay cả khi không được nhận lì xì.

Dạy con ứng xử văn minh khi nhận lì xì để trẻ vui, người lớn hài lòng, Tết thêm ý nghĩa-5

6. Giữ phong bao lì xì cẩn thận và không dùng tiền mừng tuổi của con
 

Việc dạy con biết giữ gìn chiếc phong bao lì xì một cách trân trọng và kỹ càng không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với người tặng, mà còn là cách mà cha mẹ chỉ cho con biết cách quý trọng đồng tiền. 

Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không được dùng tiền lì xì của con vừa mới nhận để lì xì lại ngay cho những trẻ khác hoặc “tịch thu” tiền lì xì của con khi bé chưa đồng ý. Cha mẹ có thể nhắc nhở con giữ gìn cẩn thận, hoặc nhẹ nhàng bảo con đưa bố/mẹ giữ hộ chứ không nên ép uổng khiến trẻ ấm ức và phản ứng tiêu cực trong ngày Tết.


7. Dạy trẻ cách quản lý, sử dụng tiền lì xì hợp lý

Trẻ thường rất thích thú và có thể lên vô vàn kế hoạch để sử dụng tiền lì xì của mình, chủ yếu để mua những thứ mình thích mà thiếu tính thiết thực. Vì vậy, bố mẹ có thể chia sẻ với con một vài bí quyết để sử dụng hợp lý số tiền này như một người lớn thực sự để tránh bé sử dụng lãng phí. Đây cũng là lúc mà con có thể xây dựng cho mình kỹ năng sống: quản lý tài chính thông minh. 

Dạy con ứng xử văn minh khi nhận lì xì để trẻ vui, người lớn hài lòng, Tết thêm ý nghĩa-6

Thường thì trẻ sẽ có xu hướng dùng toàn bộ số tiền mình thích để tiêu vì sợ bố mẹ thu lại tiền mừng tuổi. Bố mẹ có thể trao đổi rõ ràng rằng trẻ sẽ được toàn quyền sử dụng số tiền lì xì một cách hợp lý. Ví dụ như con có thể dùng một phần tiền để mua món đồ mà con thích và thấy cần phải sử dụng ngay. Số còn lại con có thể dùng để chi cho một số khoản cần nhiều tiền và có thể thực hiện xa hơn như: tiết kiệm để mua một chiếc tủ sách hay trọn bộ sách nước ngoài mà con yêu thích.

Hoặc bố mẹ có thể dạy con tự tay đút tiền vào lợn đất để tiết kiệm dùng cho nhiều khoản chưa có kế hoạch sau này, hoặc mua một món đồ trong gia đình với tư cách là một thành viên trong gia đình.

* Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.

Theo V.K - Vietnamnet


Nuôi Dạy Con

Tết Nguyên Đán


Bạn trai kém 4 tuổi ham mê cờ bạc nhưng tôi không thể chia tay
Bạn trai tôi thường xuyên "đốt tiền" vào những trò cá cược đỏ đen trên mạng, không ít lần tôi phải đi trả nợ thay cho anh ta. Dù tôi đã nhiều lần chia tay nhưng bạn trai liên tục níu kéo, thậm chí dọa dẫm khiến tôi không thể dứt khoát.
Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.