Dù không như bao em bé khác nhưng bố mẹ vẫn yêu những điều chưa hoàn hảo của con

"Khi ai đó hỏi về con, mẹ không ngần ngại khi thừa nhận rằng con trai mẹ là một em bé chậm phát triển", người mẹ có con trai mắc hội chứng Down trải lòng.

Là bố mẹ ai cũng mong con mình sẽ có cuộc sống thật suôn sẻ, may mắn, thế nhưng với nhiều gia đình để có được điều đó thì họ đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt với những gia đình có con mắc hội chứng Down, bố mẹ cần phải kiên nhẫn và đồng hành cùng con suốt cả một chặng đường dài. 

Sinh con ra, mỗi người cha, người mẹ đều ấp ủ những kỳ vọng vào con vì vậy không dễ dàng chấp nhận sự thật khi biết con bị Down. Đây là một cú sốc tinh thần nặng nề, đặc biệt là với các bà mẹ, họ thường mang trong mình cảm xúc tiêu cực như oán giận số phận, sợ hãi cuộc sống, xấu hổ, thậm chí là ghét bỏ và từ chối chính đứa con bé bỏng của mình.

Nhưng có những người cha, người mẹ luôn dành cho con tình yêu thương bao la, như câu chuyện của những em bé dưới đây.  

Nếu con thật sự chậm phát triển, mẹ có buồn không?

Sẽ chẳng thể nào trả lời là không khi phải đối diện với việc con không thể bình thường như bao em bé khác. Được bác sĩ chẩn đoán con mắc bệnh ở tuần thai thứ 16 nhưng chị Thảo (30 tuổi, Yên Bái) nhất quyết không bỏ con. 

Hiện tại, bé Minh Tâm đã đến với gia đình chị Thảo được 7 năm. Đó đều là quãng thời gian bà mẹ trẻ cảm thấy hạnh phúc. Bé không đi trị liệu, con được sống trong sự thương yêu, bao bọc và giúp đỡ của ông bà nội và mẹ (bố bé đi làm xa). 

Để chăm sóc con, chị Thảo đã nghỉ việc và làm bán hàng online ở nhà. Khi mẹ làm việc, nấu cơm thì Minh Tâm sẽ chơi cùng ông bà. Mỗi năm chị cũng sẽ cố gắng cho con đi chơi xa 1- 2 lần để con được tiếp xúc với nhiều người giúp con không nhút nhát, rụt rè. Con được khám phá nhiều thứ hơn. 

Dù không như bao em bé khác nhưng bố mẹ vẫn yêu những điều chưa hoàn hảo của con-1Dù không như bao em bé khác nhưng bố mẹ vẫn yêu những điều chưa hoàn hảo của con-2

Khi ai đó hỏi chị Thảo về con trai, bà mẹ trẻ không ngần ngại khi thừa nhận rằng con trai mẹ là một em bé "chậm phát triển". Đa số mọi người sẽ nói là "khổ thân" hoặc thở dài khi nhìn con. Nhưng với chị Thảo, con luôn là niềm tự hào, là nguồn sống. 

"Mẹ luôn hãnh diện vì được làm mẹ của Minh Tâm. Đến bây giờ dù đã 7 tuổi nhưng con vẫn chưa thể nói được. Nhưng con hiểu hết mọi thứ và tự nghĩ ra những hành động để diễn tả nói với mọi người. Mỗi lần stress công việc, bế tắc trong cuộc sống chỉ cần mở ảnh của Minh Tâm ra ngắm. Tự khắc miệng mẹ mỉm cười, rồi tất thảy khó khăn trước mắt đều trở thành chuyện nhỏ với mẹ.

Cho dù con là một đứa trẻ không bình thường, con chậm chạp và thi thoảng cục tính vì chưa nói được thì mẹ vẫn yêu con thật nhiều. Nếu được chọn lại một lần nữa mẹ vẫn sẽ chọn được làm mẹ của Minh Tâm", chị Thảo tự hào.

Dù con có như thế nào cũng xứng đáng được hạnh phúc

Cô bé Diệp Thảo (4 tuổi, sống tại TP. HCM) mắc hội chứng Down, bệnh tim phổi từ lúc bẩm sinh. Nhìn con thiệt thòi, không may mắn như những em bé khác, anh Khương vô cùng đau lòng. Nhưng dù con có ra sao, trong hình hài như thế nào thì với ông bố trẻ, con là món quà mà ông trời đã ban cho. Anh luôn quyết tâm và cố gắng để chăm sóc và nuôi dạy bé, mong con không phải chịu thiệt thòi và có cuộc sống tốt đẹp như bao bạn khác.

"Dẫu bé có bị bệnh thì vẫn là con của mình, và mình muốn làm hết sức cho các con vì mình yêu các bé rất nhiều. Nếu ai hỏi bản thân có vất vả không thì mình không thể phủ nhận điều đó. Thực sự chăm sóc một em bé bị bệnh khó khăn hơn rất nhiều. Đặc biệt là những ngày trái gió trở trời, thời tiết thay đổi khắc nghiệt nên về đêm bé thường bị khó thở. Những lúc ấy con không ngủ được nên bố sẽ bế con cả đêm. Vất vả nhưng mình thấy xứng đáng mỗi khi nhìn thấy con nở nụ cười. 

Mình biết có rất nhiều trường hợp của các ông bố, bà mẹ khác cũng như vậy. Mình muốn nhắn nhủ rằng mọi người hãy cố lên, hãy luôn ở bên chăm sóc vì con rất cần mình. Nếu có thể, hãy dành nhiều thời gian hơn nữa cho bé", anh Khương nhắn nhủ.

Dù không như bao em bé khác nhưng bố mẹ vẫn yêu những điều chưa hoàn hảo của con-3Dù không như bao em bé khác nhưng bố mẹ vẫn yêu những điều chưa hoàn hảo của con-4

Dù là đàn ông nhưng ông bố 40 tuổi vẫn phụ trách hết việc chăm sóc, dọn dẹp, cơm nước, xúc từng thìa cơm cho con gái. Vừa ăn 2 bố con vừa trò chuyện, cười đùa. Nhìn những hình ảnh anh Khương đăng tải về con khiến nhiều người không khỏi xúc động. Cô bé Diệp Thảo dù mắc bệnh nhưng rất hồn nhiên, yêu đời, nụ cười luôn nở trên môi.

Chia sẻ về động lực cố gắng, anh Khương tâm sự vì đó là tình yêu của một người bố. Con cần bố mẹ đồng hành trong cuộc sống, hơn nữa con lại là một đứa trẻ đặc biệt. Dù chặng đường phía trước còn nhiều chông gai nhưng là cha mẹ, chỉ cần mong con luôn khoẻ mạnh và hạnh phúc. 

Tập yêu những điều chưa hoàn hảo của con

Trẻ nhỏ bị bệnh Down cũng có những nhu cầu sinh lý và tâm lý như bao đứa trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, các em cần được chăm sóc đặc biệt hơn rất nhiều. Khi mắc hội chứng Down, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chỉ số IQ thấp hơn rất nhiều so với trẻ bình thường. 

Một thanh niên 20 tuổi mắc bệnh Down chỉ có thể phát triển về kỹ năng xã hội tương đương với một em bé lên 7 tuổi. Vì vậy, những đứa trẻ này có thể phát triển về hình thể nhưng tâm hồn, cách ứng xử gần giống một đứa trẻ. Đó là sự trở ngại trong quá trình phát triển của các em, đặc biệt là khi đến tuổi lao động, lập gia đình.

Sinh con ra, mỗi người cha, người mẹ đều ấp ủ những kỳ vọng vào con vì vậy không dễ dàng chấp nhận sự thật khi biết con bị Down. Thế nhưng, vượt qua mặc cảm, các em bé cũng cần được yêu thương, chăm sóc. Sự đồng hành của gia đình chính là điều tốt đẹp nhất dành cho các con. 

Để có thêm tinh thần và sự kiên nhẫn trên con đường đồng hành cùng con, bố mẹ có thể trò chuyện, tham gia các hội nhóm, diễn đàn cùng với các gia đình có cùng hoàn cảnh để dễ dàng vượt qua những khó khăn, mặc cảm.

Cha mẹ cũng nên dành thời gian để tìm hiểu các thông tin liên quan đến bệnh, việc nắm rõ các kiến thức chăm sóc trẻ sẽ giúp gia đình bớt đi lo lắng. Cha mẹ cũng nên cho con học tại trường học chuyên biệt với thầy cô giáo có chuyên môn và phương pháp giáo dục đặc biệt. Môi trường học tập, giao lưu cùng bạn bè cũng giúp trẻ hòa nhập và học hỏi thêm nhiều kỹ năng bổ ích.

Bản thân cha mẹ cần chấp nhận thực tế về bệnh tật của con, lạc quan và quan trọng hơn cả nếu bạn yêu thương và quan tâm chăm sóc con, trẻ có thể tiến bộ và tự mình làm chủ được cuộc sống của bản thân sau này.

Theo PNVN

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/du-khong-nhu-bao-em-be-khac-nhung-bo-me-van-yeu-nhung-dieu-chua-hoan-hao-cua-con-20230420095149653.htm

hội chứng Down


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.