Hội bỉm sữa chia sẻ cách phòng chống và điều trị "dịch nôn" ở trẻ em

Các bậc cha mẹ không nên hoang mang lo lắng, hãy bình tĩnh xử lý khi con mình ôn ói, kèm tiêu chảy.

Nhiều trẻ nôn ói nhập viện
Mới đây, 1 bà mẹ có tên L.N (Hà Nội) đã chia sẻ hình ảnh trong bệnh viện cùng lời than thở: "Hết Covid-19 rồi, thì giờ lại đến dịch nôn trớ, đau bụng thậm chí là đi ngoài. Chẳng biết bảo vệ con kiểu gì bây giờ... Đang mùa dịch mà mẹ nào cho con đi học rồi thì bị lắm. Mình cứ nghĩ dịch nó ở đâu đâu mà đêm qua choáng quá vào viện trẻ con bị như thế nhiều lắm".

Hội bỉm sữa chia sẻ cách phòng chống và điều trị dịch nôn ở trẻ em-1
Bài đăng của chị L.N nhận được nhiều quan tâm của hội bỉm sữa.

Ngay dưới bài đăng của chị L.N, hội chị em bỉm sữa đua nhau vào bình luận. Phần lớn mọi người đều tỏ ra hoang mang trước thông tin xuất hiện dịch nôn ở trẻ. Người thì kể chuyện con em mình cũng bị mắc bệnh này hoặc lo lắng vì lướt mạng xã hội các mẹ đăng nhiều quá, kẻ thì tag người nhà, người quen vào để "cảnh báo". Tài khoản có tên D.A bình luận: "Bé nhà tới cũng bị, nôn với sốt mấy hôm nay mà chẳng hiểu vì sao", Một tài khoản khác có tên H.D cũng chia sẻ: "Lớp con mình 20 bạn bị cùng lúc. Ban đầu kiện nhà trường về việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau đó mới biết đang dịch"...

Không riêng gì chị N, chị Nguyễn Hằng (30 tuổi, nhân viên văn phòng Hà Nội) cũng kể lại: "Con mình vừa tròn 11 tháng. Tuần trước 2 vợ chồng mình thức trắng đêm để dọn bãi nôn của con. Từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng con ói 4 lần. Bé nôn thốc nôn tháo. Sau đó con mệt lả thiếp đi, mình cho bé ti mẹ thì nằm được tí con lại nôn. Vợ chồng mình định cho bé đi viện ngay trong đêm nhưng vì đã quá khuya nên đành đợi đến khi trời sáng".

Khi trên mạng xã hội các chị em đua nhau cảnh báo về dịch nôn ở trẻ, chị Thanh Huyền (Hà Nội, có con 17 tháng tuổi) đã rất lo lắng và thường xuyên "niệm thần chú" để bệnh tránh xa con mình ra. Nhưng rất không may, con trai chị lại quay vào ô... nhiễm bệnh. Thế là cả nhà lại dắt díu nhau vào bệnh viện Hồng Ngọc. Đến bệnh viện chị bất ngờ vì bệnh nhân trẻ em nhập viện với tình trạng giống con chị khá đông. Mỗi bé đều có cấp độ mắc bệnh khác nhau. Nhưng đều chung về biểu hiện bệnh.

Hội bỉm sữa chia sẻ cách phòng chống và điều trị dịch nôn ở trẻ em-2
Dù ngày đêm cầu mong bệnh tránh xa con mình ra, nhưng cuối cùng bé trai nhà chị Huyền cũng nhiễm bệnh.

Triệu chứng của dịch nôn

Hầu hết trẻ em mắc bệnh đều có triệu chứng nôn ói khoảng 1-2 ngày đầu. Các bé nôn rất nhiều, ăn bao nhiêu nôn bấy nhiêu. Thậm chí uống nước thôi cũng khiến con bị nôn trớ.

Chị Thanh Huyền kể: "Buổi sáng hôm đó con vẫn chơi ngoan bình thường, nhưng đến chiều khi ăn xong được 1 lúc thì con có biểu hiện nôn. Ở lớp cô giáo cho ăn cháo xong con nôn 2 lần. Trên đường bố đón về cũng nôn. Từ lúc đó đến 8 giờ tối là bé ăn gì cũng nôn, kể cả uống nước. Thế là mình tức tốc cho bé đi viện. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán con bị rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ cho con mình siêu âm thêm ổ bụng để cả nhà yên tâm".

Hội bỉm sữa chia sẻ cách phòng chống và điều trị dịch nôn ở trẻ em-3
Vì không yên tâm nên chị Huyền đã đưa con đi bệnh viện để các bác sĩ chẩn đoán và chữa trị.

Cũng giống biểu hiện của bé nhà chị Thanh Huyền, con trai Nhật Minh nhà mẹ bỉm sữa Nguyễn Hằng cũng vậy. Tuy nhiên, sau khoảng 1-2 ngày ngừng nôn, bé còn bị đi ngoài ở dạng lỏng. Con đi ngoài ra phân vàng nhưng có hạt màu trắng, nhầy, đi phân sống. Bé mệt mỏi, uể oải do nôn quá nhiều. Mắt hốc hác, da tái nhợt. May mắn, dù ốm nhưng con không quấy khóc.

Cách điều trị nôn ói, tiêu chảy ở trẻ em

Chị L.N cho biết, khi bé nhập viện, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng cẩn thận và chủ yếu chỉ định điều trị triệu chứng là chính.

"Bác sĩ cho con uống thuốc chống nôn, giảm kích thích ruột và dạ dày. Đồng thời uống điện giải để bù nước và uống thêm men tiêu hóa. Bác sĩ có dặn thêm, nếu con về nhà vẫn có biểu hiện sốt cao, ly bì, có dấu hiệu mất nhiều nước thì cần cho con quay trở lại bệnh viện ngay để điều trị kịp thời. Nhưng cũng may mắn, con mình sau hơn 1 ngày ở viện thì bé đã khỏe lại" - mẹ bỉm sữa L.N cho hay.

Cùng quan điểm trên, chị Thanh Huyền cho biết: "Nếu các mẹ có con bắt đầu nôn thì việc cần làm là bình tĩnh theo dõi con. Không cho con ăn quá nhiều, không uống sữa công thức hay các sản phẩm từ sữa. Nếu con nôn nhiều thì chỉ bổ sung cho con nước, nước điện giải hoặc nước cháo, dừa để tránh việc trẻ bị mất nước. Trẻ sẽ nôn trong vòng 12-24 giờ. Với những bé nào không chịu uống và bị mất nước quá nhiều, con có dấu hiệu mệt lờ đờ mẹ nên cho vào viện để được truyền nước.

Ngoài ra bác sĩ cũng kê thêm kẽm và men tiêu hóa để tăng cường đề kháng ở trẻ. Các mẹ cũng có thể mua để bổ sung cho con. Bé nhà mình qua sáng ngày hôm sau đã hết nôn và có thể ăn uống được bình thường; nhưng bụng con yếu nên mình chỉ cho ăn cháo yến mạch loãng nấu với nước xương gà chứ chưa cho ăn thịt".

Hội bỉm sữa chia sẻ cách phòng chống và điều trị dịch nôn ở trẻ em-4
Mẹ bỉm sữa thận trọng khi cho con ăn ngay khi vừa khỏi bệnh.

Cũng rơi vào trường hợp giống 2 người mẹ trên, nhưng chị Nguyễn Hằng lại có cách xử lý khác. Đầu tiên chị bình tĩnh xem xét tình trạng bệnh của con. Chị quyết định không đi bệnh viện mà tự chữa cho con tại nhà. Bởi tham khảo mạng xã hội, mẹ bỉm sữa biết được các bệnh viện nhi và khoa nhi đang rất đông bệnh nhân như vậy. Chị sợ con nhập viện có thể bị nặng hơn do lây nhiễm chéo.

Tiếp đến mẹ bỉm sữa này cũng chữa trị cho con theo cách mà nhiều chị em mách nhau trên mạng xã hội. Đó là tập trung điều trị triệu chứng của bé.

"Mình không cho con đi bệnh viện mà tư vấn các bác sĩ từ xa. Sau đó mình được kê đơn mua men tiêu hóa Enterogemina, điện giải oresol, thuốc cầm tiêu chảy, bổ sung thêm kẽm cho con. Liều lượng và cách dùng mình đều theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ còn căn dặn mình, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định liều lượng và cân nặng; cho trẻ uống nhiều nước; uống Oresol pha theo hướng dẫn.

Ngoài ra, vì bụng dạ con còn yếu nên mình kiêng đồ tanh, sống cho bé. Bữa ăn của con được chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày và mình thường xuyên cho con uống nước" - chị Hằng chia sẻ kinh nghiệm.

Hội bỉm sữa chia sẻ cách phòng chống và điều trị dịch nôn ở trẻ em-5
Mặc dù ốm nhưng bé Nhật Minh nhà chị Hằng vẫn rất ngoan, tự chơi mà không hề quấy mẹ.

Cách phòng tránh hiện tượng nôn ói, tiêu chảy ở trẻ

Theo PGS Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi trung ương, nguyên nhân thường gặp nhất gây nôn và đau bụng ở trẻ em là viêm dạ dày – ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, Covid-19. Viêm dạ dày ruột có thể xảy ra khi trẻ ăn thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn...

Chính vì vậy để phòng bệnh, các phụ huynh cần đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, đảm bảo chất dinh dưỡng, nên ăn chín uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, để lâu trong tủ lạnh, sử dụng thực phẩm rõ ràng, đúng cách, hạn chế thức ăn đường phố…giữ vệ sinh thân thể vào môi trường xung quanh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Thêm vào đó, cha mẹ nên bổ sung đầy đủ vitamin và các chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng ở trẻ. Các bé cần được tiêm phòng đầy đủ theo tháng tuổi.

Đặc biệt, bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên hoang mang, lo lắng. Khi con mắc bệnh, việc phụ huynh nên làm là trấn an, vỗ về và cho trẻ nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Không sử dụng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.

Mẹ bỉm sữa chia sẻ cách điều trị và phòng tránh dịch nôn ở trẻ

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/hoi-bim-sua-chia-se-cach-phong-chong-va-dieu-tri-dich-non-o-tre-em-2220221951774743.htm

dịch bệnh

Nuôi con


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.