Khi con mất kết nối với cha mẹ

Những lúc khó khăn, thay vì tìm đến người thân để chia sẻ, nhiều bạn trẻ lại tìm đến những người xa lạ trên mạng xã hội. Cũng chỉ vì giữa cha mẹ và con cái không có sự thấu hiểu.

Khi con mất kết nối với cha mẹ-1
Ảnh minh họa

Từ vài năm nay, Mai Quỳnh Anh (25 tuổi, ở Thái Bình) đều tự xoay xở mọi chuyện, từ khó khăn trong tìm việc làm, không thích ứng được với môi trường làm việc mới, hay những lúc hết tiền… 

Cô thà đi vay tiền người ngoài chứ không hỏi bố mẹ mình. Mối quan hệ của cô và bố mẹ nhiều năm nay căng như dây đàn và không ai muốn "xuống nước". Quỳnh Anh chia sẻ, mối quan hệ cha mẹ - con cái mất kết nối kéo dài khiến cô quen với nỗi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. 

"Bố mẹ tôi luôn áp đặt, tự quyết định những vấn đề của con cái mà không quan tâm xem tôi có đồng ý không, có thích không. Những năm học cấp 3, tôi và bố mẹ đã có nhiều xung đột vì tôi muốn học những thứ mình muốn mà không phải những thứ bố mẹ muốn. 

Sự xung đột lên đến đỉnh điểm khi tôi đã đặt nguyện vọng vào trường đại học không theo mong muốn của bố mẹ. Khỏi phải nói, bố mẹ tôi đã giận thế nào. Bố mẹ tôi đã tuyên bố, chỉ đóng học phí cho đủ trách nhiệm, còn những thứ khác, tôi phải tự xoay sở. 

"Đó là cái giá của việc không nghe lời. Và mọi sướng khổ trong cuộc đời con đừng bao giờ kêu ca với bố mẹ!". Lời nói của bố mẹ như găm vào tim tôi. Từ đó, những khó khăn mà tôi phải trải qua, bố mẹ không biết", Quỳnh Anh trải lòng.

Giống như Quỳnh Anh, Hoàng Minh Ngọc (22 tuổi) cũng không coi bố mẹ là điểm tựa tinh thần. Có chuyện buồn gì, nếu không muốn chia sẻ với người thân quen, Ngọc chia sẻ trên mạng xã hội để tìm sự đồng cảm. 

"Từ việc xích mích với bố mẹ năm lớp 10, bức tường ngăn cách giữa tôi và bố mẹ ngày càng dày. Bố mẹ tôi thường xuyên áp đặt, cấm đoán tôi. Bố mẹ cấm đoán tôi trang điểm, cấm tôi đi chơi với bạn… 

Tôi cảm thấy cô đơn vì không được bố mẹ thấu hiểu. Bố mẹ luôn coi thường những ý kiến của tôi, cho rằng tôi chưa đủ trải nghiệm và không hiểu biết nhiều. Chỉ có những điều bố mẹ nói mới đúng và áp đặt tôi phải thực hiện theo. Vì thế, tôi luôn tạo vỏ bọc với bố mẹ. 

Tôi không muốn bố mẹ biết mọi thứ về mình bởi điều đó sẽ mang lại phiền hà cho tôi. Khi buồn vì những chuyện không được như ý, tôi mang những ấm ức đó lên mạng xã hội. Cứ như vậy, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng tăng", Minh Ngọc chia sẻ.

Nhiều cha mẹ thấy khó hiểu khi con không tâm sự hay chia sẻ những điều trong lòng của con với mình. Họ có cảm giác mình đang đứng ngoài lề cuộc đời con. Giải thích về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương (Trung tâm Cá siêu quậy) cho rằng do cha mẹ và con chưa có sự thấu hiểu nhau. 

Đó còn là do một số phụ huynh quan tâm đến mức áp đặt, khiến con cái xa lánh cha mẹ. Điều mà cha mẹ cần thay đổi là lắng nghe con, tôn trọng và để con được bước đi một cách tự tin, được quyết định cuộc đời của con.

Theo PNVN

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/khi-con-mat-ket-noi-voi-cha-me-20240719132640321.htm

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.