Khi nào nên nói với con chuyện ly hôn và nói thế nào? Đây là cách giải quyết từ chuyên gia, cha mẹ nên học hỏi

Cha mẹ nghĩ rằng trái tim non nớt của con nhỏ sẽ không hiểu những vấn đề phức tạp giữa người lớn, do đó ngần ngại nói với con chuyện ly hôn. Điều này có thực sự tốt?

Trên một chương trình truyền hình, một bà mẹ đã từng bày tỏ quan điểm như vậy về chủ đề "cha mẹ ly hôn", cô ấy cho rằng chuyện cha mẹ ly hôn thực sự không phải là vấn đề gì to tát, nhưng nếu hai người nói dối con trẻ thì con sẽ là người khó chịu nhất!

Đối với những cặp đôi đã có con, đa phần chính những đứa trẻ có thể là những cá nhân lo lắng nhất về việc ly hôn nhưng chúng cũng là đối tượng ít có khả năng giải quyết vấn đề này nhất.Trong một cuộc hôn nhân đổ vỡ, có người nói: “Đứa con là sinh mệnh của tôi, để đứa trẻ có một gia đình trọn vẹn, tôi có thể chịu đựng được bất kể chồng tôi ở nhà hay ra ngoài ngoại tình", người khác lại nói: “Tôi không thể chịu được nữa. Lý do duy nhất tôi ly hôn là vì con cái". 

Khi cuộc hôn nhân không thể duy trì, người lớn không biết nói thế nào cho đúng với con cái về việc “ly hôn” để giảm thiểu thiệt hại cho chúng và bảo vệ lợi ích của trẻ ở mức cao nhất. Vì vậy, họ giả vờ duy trì mối quan hệ vợ chồng bình thường trước mặt con cái, nhưng ngay cả khi họ có thể kiềm chế được mâu thuẫn với nhau thì sự thờ ơ vô tình, oán hận và cãi vã vẫn sẽ mang lại bóng tối tâm lý lớn cho trẻ. Cuối cùng, khi không thể che đậy, một số trẻ có tâm lý kém hơn rất dễ bị suy sụp trực tiếp...

Khi nào nên nói với con chuyện ly hôn và nói thế nào? Đây là cách giải quyết từ chuyên gia, cha mẹ nên học hỏi-1

Ly hôn ban đầu không phải là một sự kiện lớn, nhưng sự giấu diếm của cha mẹ càng làm tăng thêm tính nghiêm trọng của sự kiện. Vì vậy, thay vì giả vờ duy trì mối quan hệ vợ chồng bình thường trước mặt con, các chuyên gia khuyên:

① Giao tiếp với trẻ như thể chúng là người lớn. Đừng tạo ra sự bí ẩn về “ly hôn” cho trẻ và đừng để trẻ cảm thấy rằng cha mẹ chúng đã ly hôn nghĩa là bầu trời như sụp đổ.

② Hãy để bọn trẻ học cách đối mặt với “cuộc ly hôn” và đừng cố tình che giấu nó.

③ Sau khi ly hôn, cố gắng duy trì quan hệ vợ chồng yêu thương, không hạ thấp lẫn nhau, tạo không khí, tình cảm gia đình bình thường cho con cái, để con cái cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ. 

Hôm nay chúng ta sẽ bàn về cách cha mẹ nói với con cái về chuyện ly hôn với trẻ 0 - 6 tuổi.

Khi tình cảm vợ chồng không thể tiếp tục, sau vô số cuộc đấu tranh, cuối cùng một số cặp vợ chồng sẽ lựa chọn ly hôn. Dưới góc độ tâm lý học và phân tâm học, đâu là cách cha mẹ có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của việc ly hôn đối với con cái?  Phó giáo sư Zhong Jie của Trường Tâm lý và Khoa học Nhận thức, Đại học Bắc Kinh đã có những chia sẻ hữu ích.

Bài đăng đầy đủ của Phó giáo sư Zhong Jie:

Trước hết, một cặp vợ chồng khi phải đối mặt với việc ly hôn, nếu cả hai bên đều cân nhắc đầy đủ về tác động của việc ly hôn đối với con cái của họ, liên tục tìm kiếm nhiều thông tin khác nhau để tìm sự trợ giúp cho việc này thì đây là điều rất tốt. Những người vợ, người chồng như vậy rất đáng để được trân trọng, ít nhất là đáng để có được lời chúc phúc từ phía bên kia, bởi vì ngay cả sau ly hôn, hai người vẫn có thể là bạn bè nên tác động tiêu cực đến đứa trẻ là rất ít.

Có thể nói, tác động của ly hôn đối với con cái ở mỗi trẻ là khác nhau, phụ thuộc vào sự trưởng thành về tinh thần của cha mẹ, quá trình hình thành tính cách ban đầu của trẻ và thậm chí là ảnh hưởng lẫn nhau của cả hai.

Trẻ 0 - 3 tuổi 

Khi nào nên nói với con chuyện ly hôn và nói thế nào? Đây là cách giải quyết từ chuyên gia, cha mẹ nên học hỏi-2

Theo ý kiến của các nhà tâm lý học phát triển và phân tâm học, trẻ em ở độ tuổi này là giai đoạn quan trọng nhất để hình thành nhân cách.

Là một chuyên gia đã nhiều năm làm công tác tâm lý học lâm sàng, tôi đặc biệt khuyên các bậc cha mẹ không nên ly hôn trong giai đoạn này. Trẻ em trong giai đoạn này cần nhất sự đồng hành của gia đình và sự ổn định của cha mẹ!

Tốt nhất, cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đứa trẻ được sinh ra: với tư cách là cha mẹ, cả hai có sẵn sàng dùng cuộc sống gia đình ổn định lâu dài để nuôi dưỡng đứa trẻ hay không? Nếu tình cảm vợ chồng cực kỳ bất ổn, tốt nhất nên xử lý chuyện chăn gối trước, đợi đến khi tình cảm vợ chồng đi vào thời kỳ ổn định rồi mới có con. Các nhà tâm lý học phát triển hoặc các chuyên gia tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản sẽ không đồng tình với quan điểm phổ biến: chỉ cần một đứa trẻ ra đời là tình cảm vợ chồng sẽ ổn định, đừng sinh con ra chỉ để “ổn định tình cảm vợ chồng”.

Nếu hai vợ chồng không tính đến những điều này và bắt đầu chuẩn bị ly hôn sau khi đứa trẻ ra đời, thì tôi phải nói rằng đây là một bất hạnh lớn cho đứa trẻ này! Thời điểm này là lúc trẻ cần được quan tâm và chăm sóc của cha mẹ nhất, con sẽ phải đối mặt với tâm lý bị bỏ rơi rất lớn, sự chăm sóc dịu dàng và ăn uống không ổn định. Hãy tưởng tượng rằng người mẹ trong giai đoạn này có thể vô cùng xúc động và chán nản. Đối mặt với một người mẹ trầm cảm trong thời thơ ấu có lẽ là một bất hạnh lớn trong cuộc đời của đứa trẻ.

Nếu trong thời gian con từ 0 - 3 tuổi mà vợ chồng ly hôn vì bất cứ lý do gì thì tôi đề nghị như sau:

Khi nào nên nói với con chuyện ly hôn và nói thế nào? Đây là cách giải quyết từ chuyên gia, cha mẹ nên học hỏi-3

Đầu tiên, trừ khi thực sự cần thiết, tốt nhất là để đứa trẻ theo mẹ, vì những tác động bất lợi nghiêm trọng của việc tách mẹ - con sớm đối với sự hình thành tính cách của đứa trẻ đã đạt được sự đồng thuận trong lĩnh vực phân tâm học. Đồng thời, xin lưu ý người cha: Bạn có thể không còn cam kết trong hôn nhân, nhưng cam kết của bạn với con bạn sẽ tiếp tục tồn tại, cho đến khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, bạn phải duy trì trách nhiệm và cam kết của mình với tư cách là một người cha đối với đứa trẻ.

Nếu đứa trẻ không may gặp phải một người bố vô trách nhiệm thì đó là nỗi bất hạnh, nhưng suy nghĩ một cách tích cực, ly hôn được người đàn ông này là phúc lớn của người mẹ bởi người phụ nữ này quãng đời còn lại sẽ không bị một người đàn ông như vậy tù túng. Lúc này, các bà mẹ cần chủ động tự giúp mình, chăm chút lại bản thân, tham gia các hoạt động tư vấn tâm lý đồng đội hoặc các hoạt động tương trợ cho bà mẹ đơn thân, được hỗ trợ và tích cực tìm kiếm những nguồn lực có lợi trong cuộc sống để nuôi dưỡng con cái.

Nếu lúc này, nếu mẹ là người bỏ đi một cách vô trách nhiệm và người cha phải gánh vác nhiệm vụ nuôi dạy con cái một mình thì tôi đề nghị người cha hãy xem qua bộ phim cảm động “Hạnh phúc vẫn sẽ đến gõ cửa”.

Dù là mẹ đơn thân hay ông bố đơn thân chăm con lúc này, họ đều là những ông bố bà mẹ đáng kính và có trách nhiệm. Cha mẹ có trách nhiệm như vậy, tôi tin rằng họ sẽ gặp được tình yêu đích thực trong tương lai!

Về phía trẻ, điều trẻ cần nhất lúc này là tâm lý ổn định.

Khi trẻ dần biết nói, trẻ bắt đầu nhận ra rằng mình thiếu một người quan trọng trong cuộc đời: bố (hoặc mẹ). Lúc này, dù người chăm sóc trẻ là ai cũng gặp phải vấn đề này, phải nói với trẻ ai là cha, ai là mẹ; cha/mẹ đã đi đâu; giúp trẻ hình thành quan niệm lành mạnh về tâm lý của cha mẹ. Hãy nhớ rằng: đây là một nhiệm vụ quan trọng đối với người chăm sóc.

Lúc này, khi nói với trẻ, hãy nhớ tránh nói những điều như sau:

- "Bố (hoặc mẹ) không muốn cả hai chúng ta!"

- "Bố (mẹ) đã chết rồi, vì vậy không được phép hỏi về người đó trước mặt bố (mẹ) nữa!"

- "Bố (mẹ) đã đi xa và không bao giờ trở lại!"

- "Bố (mẹ) không còn yêu con nữa nên sẽ không đến gặp con đâu!"

Xin hãy nhớ rằng: thời điểm này không phải là lúc để người chăm sóc trút giận; đây là lúc để trẻ hình thành sự tự nhận thức về bản thân, vì quan niệm về cha mẹ (cha mẹ tôi là người như thế nào?) là sự tự nhận thức quan trọng của trẻ. 

Vậy lúc này, chúng ta nên nói gì với trẻ?

Cách đây vài năm, tôi gặp một cậu bé 3 tuổi mà bố mẹ không may ly hôn khi cậu mới 1 tuổi. Đây là một đứa trẻ rất dễ thương, sống với ông bà ngoại và mẹ, trừ tình yêu thương của cha, em đã có được tất cả tình yêu thương của gia đình. Khi đến gặp tôi, mẹ cậu bé nói với tôi rằng chị không biết làm thế nào để nói với với con chuyện bố mẹ đã ly hôn, chị nghĩ rằng trái tim non nớt của con trai sẽ không hiểu những vấn đề phức tạp giữa người lớn.

Khi nào nên nói với con chuyện ly hôn và nói thế nào? Đây là cách giải quyết từ chuyên gia, cha mẹ nên học hỏi-4

Tuy nhiên, khi tôi làm quen với đứa trẻ này, cậu bé đột nhiên hỏi tôi: “Tại sao bố cháu không ở với mẹ và cháu?”. Khi tôi đang cảm thấy kích động trong lòng, tôi quyết định nói sự thật với cậu bé bằng những lời mà cậu bé có thể hiểu được:

"Cháu có biết Sói đỏ, Sói xám và Khôi Khôi (các nhân vật trong phim hoạt hình Cừu vui vẻ và sói xám) không?"

"Cháu biết! Cháu thích chúng!" Đứa trẻ ngây ngô trả lời.

"Đôi khi, trong gia đình, Sói Đỏ và sói Xám sẽ sống xa nhau vì chúng không còn yêu nhau. Lúc này, Khôi Khôi thường sẽ sống với mẹ là sói Đỏ, còn bố là Sói Xám sẽ rời khỏi nhà. Tuy nhiên, dù Sói Xám và Sói Đỏkhông còn yêu nhau nữa, cả hai đều rất yêu Khôi Khôi, họ chia tay nhau chỉ vì họ không còn yêu nhau, và họ không còn yêu nhau không phải vì Khôi Khôi mà là giữa những người trưởng thành với nhau. Đôi khi cuộc sống là như vậy. Hãy nhớ rằng: Dù Sói Xám không còn yêu Sói Đỏ nữa, cả hai đều rất yêu Khôi Khôi, sự chia tay của họ không liên quan gì đến Khôi Khôi".

Khi tôi tiếp tục lặp lại câu cuối cùng, đứa trẻ hiểu ra, và nó nói với tôi: "Cháu biết rồi! Cảm ơn bác!" Trước sự ngạc nhiên của tôi, cậu bé hôn mạnh vào má tôi vài cái! Tôi cảm thấy rằng một trong những nghi ngờ của cậu bé dường như đã được loại bỏ, và con rất hạnh phúc!

Vì vậy, nếu một đứa trẻ trước 3 tuổi hỏi một câu hỏi tương tự, bạn nên nói với nó sự thật ly hôn bằng những từ mà trẻ có thể hiểu được, nhưng hãy nhớ rằng trẻ phải hiểu hai điểm: Thứ nhất, cha mẹ không còn yêu nhau khi cha mẹ ly hôn nhưng cha mẹ yêu thương con cái. Thứ hai, việc cha mẹ ly hôn không phải lỗi của con cái, đó là vấn đề riêng của cha mẹ và không liên quan gì đến con cái!

Trẻ có được hai thông tin trên sẽ bớt “mặc cảm” hơn rất nhiều (vì trẻ thường sẽ tự động nghĩ rằng việc chia tay cha mẹ là do lỗi của mình), đồng thời cũng hình thành tâm lý quan niệm về mối quan hệ của cha mẹ: ngay cả khi cha mẹ xa nhau, cả hai đều thương mình!

Trong giai đoạn quan trọng của thời kỳ đầu hình thành khái niệm cốt lõi về bản thân, trẻ sẽ vô hình chung "cấy ghép" khái niệm quan trọng về "tình yêu" vào trái tim mình, điều này sẽ trở thành nền tảng quan trọng để thiết lập một cuộc hôn nhân lành mạnh trong tương lai.

Trẻ 4 - 6 tuổi

Trẻ em từ 4 - 6 tuổi đã hình thành khái niệm cốt lõi tương đối ổn định về bản thân. Trong giai đoạn này, nhiệm vụ quan trọng của trẻ là phát triển sự chú ý và nhận biết với cha mẹ.

Lúc này, nếu cha mẹ ly hôn, cần lưu ý những điểm sau:

Khi nào nên nói với con chuyện ly hôn và nói thế nào? Đây là cách giải quyết từ chuyên gia, cha mẹ nên học hỏi-5

Rõ ràng, trước tiên chúng ta phải sử dụng một ngôn ngữ mà đứa trẻ có thể hiểu được để xác nhận những vấn đề nói trên với đứa trẻ.

Thứ nhất, cha mẹ không còn yêu nhau khi ly hôn, nhưng cả cha và mẹ đều yêu thương con cái. Thứ hai, việc cha mẹ ly hôn không phải lỗi của con cái, đó là vấn đề riêng của cha mẹ và không liên quan gì đến con cái!

Trong giai đoạn này, đứa trẻ cần có thời gian ổn định sau khi cha mẹ ly hôn, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn bạn đời sau này của đứa trẻ.

Lúc này, con trai cần làm một số việc nam tính đều đặn với cha và trau dồi bản lĩnh đàn ông. Nếu là người mẹ nuôi con, mẹ cần cho phép trẻ và người cha dành thời gian ở một mình. Nếu cha ruột của đứa trẻ không thể thực hiện nghĩa vụ làm cha của mình vào thời điểm này, thì tốt nhất nên tìm một “người cha” thay thế tốt cho đứa trẻ, người có thể thể hiện hình ảnh người đàn ông trong gia đình. Trong giai đoạn này, các bà mẹ cũng cần phát triển tâm lý lành mạnh đúng cách với các bé trai. Ví dụ, vào thời điểm này, cậu bé cần ngủ trong phòng riêng biệt với mẹ để đảm bảo rằng sự phát triển tâm lý và sức khỏe giới tính của cậu bé sẽ không gặp vấn đề lớn.

Nếu con gái sống với mẹ đơn thân thì lúc này con gái cũng cần dành thời gian ổn định cho bố. Bởi vì một cô gái cần biết một "người khác giới" sớm trong cuộc đời mình và dần dần hình thành khái niệm tâm lý về "người khác giới", con cũng sẽ hình thành nhận thức nội tâm của mình về hôn nhân tương lai khi tương tác với mẹ và "cha" (hoặc những nhân vật tương tự) và bản dạng giới của mình.

Thực tế, trong giai đoạn đầu đời của trẻ, không thể thiếu tình thương của cả cha và mẹ.

Lúc này, các ông bố bà mẹ đơn thân phải nhớ không nên chỉ trích người khác giới một cách hùng hổ trước mặt con cái, chẳng hạn như: “Đàn ông đúng là không ra gì!” hay “Đàn bà là thảm họa!

Đối với sự phát triển bình thường của tâm lý - sức khỏe giới tính trẻ em, những ông bố hay bà mẹ đơn thân cần cẩn thận, không nuôi dưỡng trẻ một cách vô thức quan điểm cực đoan về người khác giới. Bởi vì các nhà phân tâm học đã tìm thấy trên lâm sàng rằng những bậc cha mẹ đã làm điều này hoặc nói những lời tương tự với con cái của họ trong một thời gian dài sẽ lo lắng rất nhiều về hôn nhân tương lai của con cái họ! Tâm lý học gọi hiện tượng này là “sự lặp lại cưỡng bức” của gia đình.

Kết luận

Trong một cuộc hôn nhân bất hạnh, con cái không nên là nạn nhân. Vì vậy, khi cha mẹ ly hôn, họ nên làm gương cho con cái, nói cho chúng biết người lớn xử lý một mối quan hệ như thế nào là đúng đắn, chứ không nên thể hiện tình cảm ngụy tạo và hậu thuẫn cho những kẻ không ra gì. Việc thiết lập một cái nhìn đúng đắn về hôn nhân cho đứa trẻ sẽ không cho phép cuộc sống hôn nhân sau này của đứa trẻ đi vào con đường của cha mẹ.

Theo Hoàng Lan - Vietnamnet


Ly hôn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.