Khi trẻ tò mò về độ “giàu – nghèo” của gia đình, cha mẹ nên phản ứng thế nào và 2 điều cần tránh

Khi trẻ tò mò về tài chính của gia đình, cha mẹ hãy khéo léo dạy cho con bạn những giá trị chính xác của đồng tiền và đừng để con bạn trở thành nô lệ của tiền bạc.

Trong quá trình nuôi dạy con cái, hầu như trẻ em nào cũng có thời điểm tò mò về tình hình tài chính của gia đình hay của bố mẹ. Những câu hỏi thường được chúng đặt ra là: Mẹ, nhà mình có nhiều tiền không? Gia đình chúng ta có giàu không? Bố ơi, nhà mình không có tiền à?...

Khi trẻ tò mò về độ giàu – nghèo” của gia đình, cha mẹ nên phản ứng thế nào và 2 điều  cần tránh-1

Gặp tình huống này, mỗi phụ huynh sẽ có những phản ứng và cách giải đáp rất khác nhau. Câu trả lời của họ nếu không phù hợp cho trẻ có thể sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến cách nhìn nhận về tiền bạc vả cả thái độ sống, giá trị sống của bé. Do vậy, cha mẹ cần hết sức thận trọng khi con trẻ tiếp cận vấn đề này.

Làm thế nào để cha mẹ trả lời và thiết lập một cái nhìn đúng đắn về tiền bạc cho con cái?

1. Nói sự thật và thiết lập cảm giác an toàn cho con

Tò mò kiểu này là một trạng thái tâm lý bình thường của trẻ, và theo các chuyên gia về trẻ em, câu trả lời đúng đắn nhất cho các bậc cha mẹ là hãy nói cho con cái biết sự thật. Tuy nhiên, hãy chọn cách nói làm sao để trẻ có được cảm giác yên tâm và an toàn.

Ví dụ, nếu điều kiện gia đình không tốt, bạn nói thật nhưng cần tạo cho con cảm giác an toàn nhất định. Chẳng hạn: Dù gia đình mình không giàu lắm nhưng con đừng lo, chúng ta vẫn có thể đảm bảo chi tiêu. Bố mẹ sẽ dành những gì tốt đẹp nhất cho con ....

Khi trẻ tò mò về độ giàu – nghèo” của gia đình, cha mẹ nên phản ứng thế nào và 2 điều  cần tránh-2

2. Nhắc trẻ kiếm tiền không hề dễ dàng

Đối với trẻ gia đình giàu có thì chi phí cho ăn, mặc, ở, đi lại... sẽ cao hơn trẻ bình thường. Khi trẻ hỏi cha mẹ xem gia đình có giàu không, nhiều phụ huynh rất tự tin mà nói với con rằng: nhà mình đầy tiền, nhà mình thừa điều kiện, gia đình ta giàu..... Tuy nhiên, cha mẹ không nên kết thúc câu trả lời ở đó khiến trẻ nảy sinh tâm lý kiêu căng hay coi thường người khác, hưởng thụ mà không biết cố gắng...

Cha mẹ thông minh sẽ nói thêm để trẻ hiểu tiền bạc không phải dễ dàng mà có được và kiếm tiền chính là công việc đầy vất vả, khó khăn mà cha mẹ phải trải qua mỗi ngày. Đối với trẻ em cũng vậy, một số phần thưởng hay thành quả nào đó sẽ chỉ có được sau khi con làm việc thật chăm chỉ và điều này cũng đúng khi con lớn lên. Nếu con muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, con bắt buộc phải cố gắng học tập và làm việc thật nghiêm túc....  Những lời nói khéo léo này sẽ giúp trẻ thiết lập các giá trị đúng đắn.

3. Dạy trẻ quản lý tiền sớm

Ngày nay, không ít bậc cha mẹ, để làm cho con cái vui vẻ, họ sẵn sàng cho con tiền tiêu vặt mỗi ngày, hoặc lì xì thêm theo cảm hứng hoặc khi trẻ cần. Một số trẻ biết mình có tiền và nghĩ rằng mình có quyền quản lý tiền, tiêu tiền theo ý thích.

Khi trẻ tò mò về độ giàu – nghèo” của gia đình, cha mẹ nên phản ứng thế nào và 2 điều  cần tránh-3

Lúc này, để tránh “làm hỏng” trẻ, cha mẹ phải kịp thời nhắc nhở để con hiểu tiền không thể tiêu một cách ngẫu nhiên, vô tội vạ. Một khi cha mẹ thiếu kiểm soát, để quan niệm tiêu dùng sai lầm trong trẻ hình thành thì sau này lớn lên bước vào cuộc sống tự lập trẻ sẽ gặp nhiều bất lợi.

Do vậy, cha mẹ hãy giúp trẻ hình thành thói quen tiết kiệm tiền và ý thức quản lý tài chính từ nhỏ càng sớm càng tốt, điều này cũng có lợi cho việc hình thành những giá trị sống đúng đắn cho trẻ.

Hai kiểu trả lời cha mẹ nên tránh, dù gia đình có tiền hay không có tiền

Khi con cái hỏi về tiền bạc, cha mẹ không nên lảng tránh hay nói dối trẻ. Việc nói thật về hoàn cảnh gia đình được đề cao, tuy nhiên, các nhà tâm lý học khuyến cáo 2 dạng câu trả lời sau cha mẹ cần tránh nói với con cái dù là gia đình giàu hay nghèo, có tiền hay không có tiền:

Khi trẻ tò mò về độ giàu – nghèo” của gia đình, cha mẹ nên phản ứng thế nào và 2 điều  cần tránh-4

1. Câu trả lời “tội nghiệp”

Với những gia đình có điều kiện kinh tế không tốt lắm, khi trẻ hỏi những câu hỏi này, một số cha mẹ thường sẽ chia sẻ thành thật sự tình hình ở nhà với con mình kèm theo những suy nghĩ, thậm chí cả nước mắt kiểu phải cam chịu và chấp nhận.

Câu trả lời đó dễ khiến trẻ cảm thấy tự ti và cả lo buồn. Tất nhiên điều này có thể khiến trẻ trở nên tiết kiệm hơn, có động lực cố gắng và kiếm tiền để cải thiện vật chất khi lớn lên.

Ngược lại, điều đó cũng khiến trẻ có ham muốn đặc biệt về tiền bạc, nếu không được điều chỉnh kịp thời rất có thể là tiền đề khiến trẻ nảy sinh những tiêu cực trong cuộc sống. Bên cạnh đó, mặc cảm nhà nghèo có thể làm trẻ mất tự tin, sống cúi đầu cam chịu từ nhỏ rất tội nghiệp...

Khi trẻ tò mò về độ giàu – nghèo” của gia đình, cha mẹ nên phản ứng thế nào và 2 điều  cần tránh-5

2. Khoe mẽ sự giàu có

Một số gia đình thực sự giàu có, họ có thể dành những điều tốt nhất cho con cái của họ. Cha mẹ ở các gia đình này thường nói với con rằng: Chỉ cần con ngoan, con muốn gì cũng được, kể cả việc tự tiêu tiền.

Câu trả lời như vậy dù sẽ khiến trẻ có cảm giác hài lòng và an toàn nhưng cũng sẽ có mặt hạn chế lớn. Cụ thể, trẻ sẽ trở nên viển vông hơn, không biết coi trọng đồng tiền, khinh thường người ít tiền...  Cứ như vậy, dần dần trẻ sẽ đánh mất chính mình, gây thiện cảm không tốt với những người xung quanh và gặp bất lợi tron giao tiếp xã hội.

Do vậy, dù gia đình khá giả cũng không phải do con bạn kiếm được, phụ huynh đừng nói với con rằng nhà có quá nhiều tiền và đừng gieo mầm suy nghĩ này cho con.

Theo V.K - Vietnamnet


Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.