Mẹ la mắng thế nào con gái 4 tuổi cũng không chịu chào người lớn, chỉ nhờ làm những điều này mà cô bé thay đổi hoàn toàn

Muốn con ngoan, bố mẹ cần có phương pháp giáo dục khéo léo.

Gian nan dạy con chào hỏi  

Tình huống một đứa trẻ không chịu chào người lớn có lẽ đã quá quen thuộc trong cuộc sống thường ngày. Gặp bác hàng xóm, cô bé 4 tuổi nhất quyết không chịu mở lời dù cho mẹ có mắng thế nào đi chăng nữa. Trong khi mẹ cô bé luôn miệng ''Mồm đâu con, mất rồi à, chào bác đi chứ; ơ hay con bé này, mẹ nói mà không nghe lời à; con có chào bác ngay không, mẹ cho ăn đòn bây giờ''... Đáp lại là sợ thờ ơ vờ như không nghe thấy của bé gái.

Người hàng xóm chữa ngưỡng bằng cách vội đi ra chỗ khác. Người mẹ vô cùng tức tối, la hét vào mặt con ''trời ơi con không biết mẹ xấu hổ như thế nào à, sao con hư đốn thế'' khiến bé gái sợ hãi, khóc òa lên ở nơi đông người.

Lý do bố mẹ xấu hổ khi con không chịu chào

Lời chào cao hơn mâm cỗ

Chào hỏi là việc đầu tiên nên làm khi gặp người khác. Lời chào thể hiện sự tôn trọng, muốn mở đầu một câu chuyện nào đó. Khi đi cùng con, bố mẹ cũng sẽ ngay lập tức có câu nhắc nhở ''chào bác đi con'' để thể hiện thái độ lịch sự của mình.

Một lời chào hỏi ấm áp và kịp thời sẽ khiến người đối diện cảm thấy được chào đón và tôn trọng, là mở đầu cho những kết nối sâu hơn trong bất kỳ giao tiếp xã hội nào. Chào hỏi là kỹ năng quan trọng sẽ còn theo con trong cuộc sống sau này.

Cho thấy bố mẹ dạy con giỏi

Không chỉ vậy, lời chào còn minh chứng cho việc bố mẹ đã thành công trong việc dạy con cách chào hỏi người lớn. Khi con tỏ ra ướng bướng, không thích chào người khác, phần lớn các ông bố bà mẹ cảm thấy bực mình vì sợ người ngoài sẽ đánh giá cách dạy con, kiểu như ''nhà đấy bố mẹ giỏi thế mà không biết dạy con, mỗi câu chào không nói được''...

Nhiều bố mẹ cũng cảm thấy xấu hổ và mất mặt vì con không nghe lời mình ở chốn đông người. Rõ ràng là đã dạy rất bài bản rồi nhưng lúc nào con thích thì con chào, không thích thì thôi... khiến bố mẹ thường xuyên rơi vào trạng thái khó xử.

Mẹ la mắng thế nào con gái 4 tuổi cũng không chịu chào người lớn, chỉ nhờ làm những điều này mà cô bé thay đổi hoàn toàn-1
Ảnh minh hoạ.

Cách để không khó xử với người đối diện khi con không chịu chào

Giải thích với họ

Chắc chắn lúc này mẹ sẽ cảm thấy khó xử và không thoải mái khi con không muốn chào người khác. Và chính họ cũng sẽ có đôi chút ngượng ngùng. Tuy nhiên, hãy thẳng thắn nói ra lời giải thích, lưu ý tuyệt đối không trách móc và đổ lỗi cho con.

Ví dụ, bố mẹ có thể nói: ''Ôi thật ngại quá, có lẽ hôm nay bé nhà tôi cảm thấy không thoải mái, anh chị đừng để bụng nhé'' và tiếp tục cuộc nói chuyện.

Động viên con mình

Sau khi giải thích với người đối diện rằng có lẽ bé nhà mình đang không thoải mái, mẹ có thể quay ra nói với con: ''Em bé của mẹ hôm nay hơi khó chịu nên không muốn làm theo lời mẹ nói phải không nhỉ, không sao đâu, đợi con cảm thấy tốt hơn thì mình sẽ chào cô chú nhé''. Khi mẹ nói như vậy, chắc chắn con sẽ cảm thấy được mẹ bảo vệ, dễ dàng chia sẻ với mẹ hơn.

Mẹ la mắng thế nào con gái 4 tuổi cũng không chịu chào người lớn, chỉ nhờ làm những điều này mà cô bé thay đổi hoàn toàn-2
Ảnh minh hoạ.

Tại sao trẻ em không thích chào hỏi người lớn?

Do tính cách hướng nội

Tính cách được chia theo 2 hướng: hướng nội và hướng ngoại. Trẻ không thích chào hỏi, nguyên nhân có thể do bởi tính cách hướng nội, không thích tiếp xúc với người lạ. Tuy nhiên, bạn cần chú ý rằng, hướng nội chỉ là đặc điểm tính cách chứ không phải khuyết điểm. Những đứa trẻ hướng nội thường không thích nói nhiều, có phần nhút nhát, ý thức đề phòng người lạ cao nhưng lại là người có tinh thần trách nhiệm cao, tế nhị và chu đáo. Việc ép buộc một đứa trẻ hướng nội phải chào hỏi rất dễ phá bỏ ranh giới an toàn trong bản năng của chúng.

Trẻ có cảm giác sợ hãi, đang tự bảo vệ chính mình

Nhiều bố mẹ cảm thấy khó hiểu, khi trẻ còn nhỏ có thể dễ dàng cho người lạ bế, tại sao bây giờ lại sợ hãi và nhút nhát đến vậy. Lý giải cho điều này là do sự nhận thức của trẻ đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, có thể phân biệt được đâu là người lạ và người quen.

Từ 2 đến 6 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu cảnh giác với người lạ, đây là phản xạ bình thường để tự bảo vệ mình của mỗi người. Thông qua điều này, trẻ sẽ dần học cách phân biệt và tin tưởng người khác.

Người lớn thường thích những đứa trẻ hoạt bát, vui vẻ nên khi thấy những đứa trẻ nhút nhát như vậy sẽ nhận xét một cách tiêu cực: ''Đứa trẻ này không biết nói à?'', ''Thằng bé này hư quá''. Những câu nói tiêu cực này sẽ khiến trẻ cảm thấy buồn, để lại cái bóng tâm lý đối với những trẻ nhạy cảm.

Người lớn có thể thoải mái chào hỏi người lạ họ vô tình gặp, nhưng điều đó không nghiễm nhiên có nghĩa là trẻ em cũng vậy. Kể cả con biết rằng đó là những người tốt mà bố mẹ quý mến, thì từ góc độ non nớt của một em bé, con có thể chưa cảm thấy đủ an toàn để giao tiếp. Thế nào thì mới đủ an toàn? Điều đó phụ thuộc vào tình huống và tính khí của từng em bé. Chúng ta nên nhìn nhận và tôn trọng thay vì phủ nhận cảm giác của con.

Vì chưa hiểu ý nghĩa của lời chào

Với người lớn, lời chào là một phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp. Nhưng với một em bé mới sống vài năm ở trên đời và còn đang học hỏi rất nhiều về kỹ năng xã hội thì chưa hẳn. Hiểu biết về lễ nghĩa phải được bồi đắp từ từ, và nếu ở thời điểm nào đó, trẻ chưa thực hiện được thì bố mẹ cũng đừng quá lo lắng.

Mẹ la mắng thế nào con gái 4 tuổi cũng không chịu chào người lớn, chỉ nhờ làm những điều này mà cô bé thay đổi hoàn toàn-3
Ảnh minh hoạ.

Bố mẹ nên làm gì khi con không chịu chào hỏi

Theo các chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ chào hay không chào hỏi mọi người, đó là điều bình thường. Các nhà tâm lý cho rằng những đứa trẻ biết chủ động nói lời chào hỏi sẽ dễ gây thiện cảm với mọi người hơn và sẽ dễ thích nghi với xã hội sớm hơn. Cũng nhờ thế, khả năng thành công sẽ đến sớm hơn với những trẻ em này.

Tuy nhiên, một số trẻ có tính cách nhút nhát, ngại ngùng khi đối diện với người lạ nên thường tỏ ra né tránh, không chào hỏi dù được nhắc nhở. Với những bé như vậy, cha mẹ không nên trách mắng con hay tỏ ra thất vọng, bởi cha mẹ càng phản ứng tiêu cực, con sẽ càng tự ti. Đừng vội vàng gán cho con cái mác không lễ phép trong tình huống này!

Không được gán mác cho trẻ

Đừng tự ý gán mác "bất lịch sự" cho con và đừng nói với con rằng "không chào hỏi là thô lỗ", "mọi người sẽ không thích con nếu con không chào", "mẹ sẽ không cho con kẹo nếu con không biết chào khi gặp người lớn"…

Đôi khi cha mẹ thấy, việc gán mác con không có gì là sai, không ảnh hưởng gì tới tâm lý của trẻ. Nhưng những lời đe dọa hay gán mác nói trên lại khiến trẻ càng trở nên chống đối và nếu có phải làm theo ý bố mẹ, chúng cũng chỉ làm một cách miễn cưỡng.

Dạy con phép lịch sự là quá trình bố mẹ dạy cách tương tác giữa các cá nhân chứ không phải là dùng biện pháp ép buộc hay đe dọa. Cha mẹ dạy con với thái độ bình tĩnh và nhẹ nhàng, trẻ sẽ thấm và thuận theo hơn là đe dọa hay trách mắng.

Nói với con tầm quan trọng của lời chào

Với những bé ở độ tuổi mầm non, cha mẹ nên giảng giải một cách đơn giản cho con về tầm quan trọng của lời chào. Hãy nói cho con biết, chào hỏi là một hành vi tốt, nên làm và là một hành động giúp tăng cường kết nối mọi người với nhau.

Hãy để trẻ hiểu cảm xúc mà lời nói và hành động chúng ta mang lại cho người khác. Khi con chào hỏi mọi người, con sẽ khiến cho mọi người vui vẻ và giúp cho con cùng người đó có cảm tình và thân thiện với nhau hơn.

Mẹ la mắng thế nào con gái 4 tuổi cũng không chịu chào người lớn, chỉ nhờ làm những điều này mà cô bé thay đổi hoàn toàn-4
Ảnh minh hoạ.

Bố mẹ làm gương cho con cái

Bố mẹ là những người thầy đầu tiên của con cái, trẻ cần thời gian để quan sát và bắt chước người lớn. Mỗi khi ra ngoài gặp người quen, bố mẹ nên làm gương, chỉ cho trẻ cách tiếp xúc với mọi người, từng cử chỉ chào hỏi sẽ được chúng ghi nhớ trong âm thầm.

Trẻ càng thấy bố mẹ chào hỏi nhiều, chúng cũng sẽ phần nào ấn tượng về điều này và dần bắt chước theo.

Đưa trẻ đi chơi nhiều hơn

Ngoài những điều ở trên, bố mẹ cũng phải tạo cơ hội để cho con cái tiếp xúc với người lạ nhiều hơn. Ví dụ, bố mẹ có thể đưa trẻ đến buổi họp mặt gia đình hoặc lúc tụ tập bạn bè của mình.

Thông qua việc giao tiếp với mọi người, trẻ sẽ dần bớt căng thẳng và dạn dĩ hơn trong việc tiếp xúc với người lạ, lúc này việc chào hỏi sẽ trở thành chuyện rất thoải mái.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/me-la-mang-the-nao-con-gai-4-tuoi-cung-khong-chiu-chao-nguoi-lon-chi-nho-lam-nhung-dieu-nay-ma-co-be-thay-doi-hoan-toan-222022315182026944.htm

Nuôi Dạy Con


Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.