"Tại sao trẻ càng lớn càng ít nói chuyện với cha mẹ?" – Dấu hiệu khẩn cấp nhưng nhiều người tưởng là điều đương nhiên

Khi trẻ lớn lên, lời nói giữa trẻ và cha mẹ trở nên ít hơn, thậm chí là ngượng ngùng đến khó mở lời.

Nhiều phụ huynh than phiền con càng lớn càng ít nói chuyện với cha mẹ, không còn gần gũi sẻ chia mọi điều như trước nữa. Nhất là khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, dường như cuộc nói chuyện luôn tồn tại nhiều xung đột, không thể nói quá 3 câu. 

Tình trạng này diễn ra rất phổ biến, đến nỗi nhiều phụ huynh cho rằng đó là điều đương nhiên. Họ không quan tâm đến thay đổi này của trẻ vì chỉ nghĩ đơn giản đó là dấu hiệu của "đứa trẻ đã lớn", xong thực tế không hoàn toàn như vậy.

Theo các nhà tâm lý học, khi đứa trẻ lớn lên và không còn gì để nói với cha mẹ là một điều vô cùng đáng tiếc. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến sự thiếu thấu hiểu nhau, lâu dần dẫn đến xung đột và trở nên không hạnh phúc. 

Do đó, trẻ ngày càng ít nói chuyện với cha mẹ thực chất là một dấu hiệu không tốt. Cha mẹ không nên coi nhẹ mà cho rằng đó là điều bình thường. Bởi khi trẻ thực sự không còn gì để nói với cha mẹ sẽ rắc rối hơn khi đôi bên hòa thuận với nhau trong sự ngượng ngùng. 

Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể khiến trẻ trò chuyện nhiều hơn, gần gũi hơn? Cha mẹ có thể tham khảo những nguyên tắc dưới đây.

Nguyên tắc 1: Bắt đầu cuộc trò chuyện một cách bình tĩnh

Khi nói đến việc truyền đạt những vấn đề quan trọng đến trẻ, điều khó nhất là sự bắt đầu. Nếu khởi đầu không tốt, trẻ sẽ không muốn nghe và bác bỏ tất cả những lời nói của cha mẹ. 

Vì thế, các bậc cha mẹ nên bắt đầu cuộc trò chuyện một cách bình tĩnh nhất, mặc dù có thể đang nóng giận, bực bội. Khi khởi đầu câu chuyện, cha mẹ đừng nên chỉ trích, phán xét con. 

Chẳng hạn cha mẹ cần tránh những câu như: "Điểm số của con khiến cha mẹ thất vọng", "Con thấy bảng điểm cô giáo gửi về chưa? Mẹ muốn nói chuyện với con?",… Đây đều là những mở đầu mất bình tĩnh, không kiểm soát được cảm xúc. Nếu cha mẹ bắt đầu câu chuyện như trên sẽ khiến trẻ khó chịu, lo sợ, thậm chí là bực bội. Như vậy rất khó giao tiếp hiệu quả. 

Tại sao trẻ càng lớn càng ít nói chuyện với cha mẹ? – Dấu hiệu khẩn cấp nhưng nhiều người tưởng là điều đương nhiên-1
Điều đầu tiên khi bắt đầu cuộc trò chuyện với trẻ là giữ bình tĩnh. (Ảnh minh họa)

Nguyên tắc 2: Đồng cảm với con

Khi trẻ phạm sai lầm, có phải các bậc phụ huynh luôn tồn tại hàng loạt suy nghĩ: "Con chưa ngoan, con lười biếng", "Con đã nói dối",… Tuy nhiên, đó chỉ là sự phán xét chủ quan. Nếu cha mẹ không trò chuyện với trẻ sẽ không hiểu nguyên nhân dẫn đến việc trẻ mắc lỗi. 

Cha mẹ cần có sự đồng cảm với con. Trong trường hợp con mắc lỗi, cha mẹ có thể nhẹ nhàng tâm sự: "Cha/mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe con nói lên sự thật. Không phải che giấu cảm xúc sẽ tốt hơn rất nhiều. Con hãy dũng cảm đối mặt nhé!" hay "Mẹ biết con mới bị điểm kém, chúng ta có thể cùng nhau tìm giải pháp".

Nguyên tắc 3: Đặt câu hỏi để thu thập thông tin

Chẳng hạn khi trẻ bị điểm kém hay nói dối, các bậc phụ huynh đều nóng lòng muốn biết nguyên nhân và giúp con rút kinh nghiệm. Nhưng điều này không mang lại hiệu quả cao. Bởi sau khi mắc lỗi, trẻ thường cảm thấy xấu hổ, tự xây một bức tường cao ngăn cách với cha mẹ. Vì vậy, dù cha mẹ nói gì với trẻ lúc này cũng đều vô nghĩa. 

Cách tốt hơn để giao tiếp trong tình cảnh này là cố gắng duy trì sự trung lập. Trước tiên, cha mẹ nên thu thập thông tin và nhìn vào thực tế khách quan để hiểu vấn đề. 

Tại sao trẻ càng lớn càng ít nói chuyện với cha mẹ? – Dấu hiệu khẩn cấp nhưng nhiều người tưởng là điều đương nhiên-2
Ảnh minh họa.

Cha mẹ có thể nhẹ nhàng hỏi han con bằng những câu như: "Con nhận thấy điểm số của mình bắt đầu sa sút từ khi nào?", "Theo con, đâu là nguyên nhân chính khiến điểm bị tụt giảm?", "Con có đang gặp khó khăn không?", "Con nghĩ cha mẹ sẽ phản ứng ra sao khi thấy kết quả thi của con?",…

Chỉ khi cha mẹ hiểu được cảm xúc của trẻ, trẻ mới coi cha mẹ là người bạn đồng hành và sẵn sàng mở lòng. 

Nguyên tắc 4: Lặp lại những gì con đã nói

Để giúp cuộc trò chuyện trở nên cởi mở, gần gũi, cha mẹ nên lặp lại những gì đã nghe được từ trẻ. Việc lặp lại là một kiểu bày tỏ sự tán thành của cha mẹ đối với những gì trẻ nói. Đồng thời, điều này cũng khích lệ trẻ lắng nghe, phản hồi, đưa ra yêu cầu dành cho cha mẹ. 

Để lặp lại những gì trẻ nói, cha mẹ có thể tiếp nối câu chuyện theo ý khẳng định, đặt câu hỏi từ những điều trẻ kể. 

Nguyên tắc 5: Thiết lập giao tiếp một cách tự do, bình đẳng

Cha mẹ phải luôn hiểu rằng con cái là những cá thể độc lập. Trẻ không phải là phụ kiện của cha mẹ và phải làm theo lời cha mẹ. Vì vậy, khi thường xuyên giao tiếp với con cái, cha mẹ nên tạo bầu không khí đối thoại tự do, bình đẳng, không để trẻ cảm thấy quá áp lực.

Hãy khuyến khích trẻ yêu cầu sự giúp đỡ và trò chuyện khi trẻ xảy ra vấn đề. Cuộc đối thoại sẽ trở nên cởi mở và thoải mái hơn rất nhiều.

Theo Tổ Quốc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://toquoc.vn/cach-de-cha-me-co-the-tro-chuyen-voi-con-nhieu-hon-2023012611400749.htm

tuổi dậy thì

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.