Tăng xông vì thói ăn vạ như cơm bữa của trẻ, bố mẹ phải làm sao?

Khóc lóc, ăn vạ là một tật xấu đáng ghét ở trẻ nhỏ mà không ít bố mẹ đang phải đối mặt hàng ngày.

Điều này khiến các bậc phụ huynh dễ rơi vào tâm trạng tức giận và mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Hơn nữa, nếu bố mẹ xử lý không khéo trong những tình huống con ăn vạ, rất có thể khiến tâm lý trẻ bị tổn thương hoặc phát triển theo chiều hướng tiêu cực hơn.

Vậy khi trẻ bỗng dưng lăn ra ăn vạ, bố mẹ phải đối phó thế nào mới phù hợp và hiệu quả? Tintuconline mời bạn đọc tham khảo một số chiêu hữu ích qua bài viết dưới đây.

Tăng xông vì thói ăn vạ như cơm bữa của trẻ, bố mẹ phải làm sao?-1

Xác định lý do khiến trẻ ăn vạ

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các sự việc vẫn luôn là một nguyên tắc quan trọng trong giải quyết vấn đề và đối với tình trạng trẻ ăn vạ cũng vậy. Có nắm bắt được lý do thực sự của những cơn ăn vạ, bố mẹ mới có thể giải quyết nhanh chóng hành động xấu này của trẻ. Chẳng hạn như một số lý do điển hình sau:

- Tính cách: Có những bé tính cách mềm mỏng, có bé mạnh mẽ, bé lại "miễn dịch" trước mọi sự, nhưng cũng có bé hay giận dỗi. Tất cả những nét tính cách này đều ảnh hưởng tới cách các bé phản ứng trước sự việc. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là cha mẹ không thể hạn chế cơn ăn vạ vô lối của con.

- Trẻ bị đói, mệt, buồn ngủ, căng thẳng hoặc bị kích động quá mức. Trường hợp này các bé rất dễ lăn ra ăn vạ, đơn giản vì không còn đủ bình tĩnh để diễn đạt ý muốn của mình.

- Các bé không tự xử lý được, ví dụ bị bạn khác lấy mất đồ chơi yêu thích.

- Cảm xúc mạnh mẽ như lo lắng, sợ hãi, xấu hổ và tức giận có thể quá sức chịu đựng đối với trẻ....

Những tuyệt chiêu hiệu quả điều trị thói ăn vạ ở trẻ

Khi trẻ ăn vạ mà dỗ mãi không được, rất nhiều phụ huynh đã nhanh chóng rơi vào tình trạng cáu giận, bực mình rồi quát mắng, thậm chí đánh đòn trẻ. Theo các chuyện gia đây không phải là một cách hành xử khôn ngoan, mà trong trường hợp này việc duy nhất cha mẹ cần làm, đó là bình tĩnh trước những đòi hỏi của trẻ. Từ đó sẽ biết cách xử lý vấn đề sao cho hiệu quả và phù hợp với từng trường hợp. Dưới đây là một số gợi ý:

Tăng xông vì thói ăn vạ như cơm bữa của trẻ, bố mẹ phải làm sao?-2

1. Tạm dừng và tập trung chú ý

Khi thấy trẻ có dấu hiệu bắt đầu ăn vạ, mẹ hãy dừng các hoạt động và tập trung để tìm hiểu chính xác chuyện gì đang xảy ra, nguyên nhân nào khiến bé la hét, khóc lóc. Có thể bé bị đau, bé muốn mẹ chơi cùng hoặc đơn giản là bé đang buồn ngủ quá mà thôi.

2. Phớt lờ trẻ

Phần lớn, lỗi của cha mẹ chính là việc thể hiện sự quan tâm khi con có hành động xấu. Khi trẻ ăn vạ, khóc lóc, cha mẹ thường cố gắng dỗ dành, giải thích, răn đe ngay lập tức. Mọi phản ứng lúc đó đều khiến trẻ nhận ra chúng đang “được quan tâm” và càng tiếp tục.

Thế nên, hãy thử tỏ thái độ phớt lờ hành động ăn vạ của bé. Tốt nhất bạn nên để mặc con khóc, không dỗ dành, không quát mắng. cha mẹ hãy ở gần bé, nhìn bé với nét mặt thản nhiên, tươi cười và nói là con khóc xong thì mình sẽ chơi tiếp. Con sẽ không thể khóc được mãi, trong lúc khóc vẫn tò mò quan sát xung quanh. Lúc đó cha mẹ hãy bày ra trò chơi để đánh lạc hướng và “quên” mất là mình đang ăn vạ.

3. Làm dấu hiệu để trẻ bình tĩnh

Bố mẹ không cần vội quát mắng hay dỗ dành mà hãy nhẹ nhàng ngồi xuống ngang bằng với con hoặc cúi xuống ngang với tầm nhìn của con. Tiếp đến, bố mẹ hãy ra dấu hiệu để giúp con bình tĩnh hơn như mỉm cười, hạ thấp giọng, thao tác chậm rãi hơn. Điều này nhằm thu hút sự chú ý của trẻ, trẻ sẽ bắt tín hiệu và mẹ sẽ có cơ hội để lại gần xoa dịu cơn ăn vạ của bé dễ dàng hơn. Sau đó hãy khuyến khích trẻ chia sẻ, trò chuyện nhiều hơn để biết được lý do trẻ ăn vạ và có cách xử lý phù hợp.

4. Chờ đợi cho cơn cáu giận qua đi 

Sẽ không có ích gì khi bạn giải thích, nói lý lẽ khi con đang khóc lóc, bởi não bộ của trẻ lúc này tập trung hoàn toàn vào cơn giận, không đủ tỉnh táo để tiếp nhận những gì người khác nói. Đôi khi khóc lóc là một cách giúp bé giải tỏa cảm xúc.

Nhiều bố mẹ vì sốt ruột với tiếng khóc của con mà yêu cầu/dỗ con "nín ngay", nhưng kết quả nhận lại là bé càng khóc to. Vì thế, đôi khi cách tốt nhất là bạn yên lặng ở bên cạnh con, để con yên tâm. Nhưng lúc này cố gắng đừng nhìn vào mắt con, đừng vội chạm vào khi con vẫn đang gào khóc, hãy tập trung vào việc mà bạn đang làm.

Tăng xông vì thói ăn vạ như cơm bữa của trẻ, bố mẹ phải làm sao?-3

5. Hát bài hát quen thuộc

Nếu nói chuyện nhẹ nhàng mà vẫn không hiệu quả, mẹ hãy thử hát một bài hát ru hoặc bài hát yêu thích nào đó của con. Các nhà tâm lý cho rằng giai điệu quen thuộc có thể an ủi và xoa dịu bé trong lúc giận dữ.

Một chuyên gia chia sẻ thêm: "Nếu bạn không thể rời đi nơi khác, chẳng hạn như trên máy bay, thì hãy cố gắng giữ con bạn ở tư thế thoải mái nhất. Mẹ có thể kề miệng gần tai và thì thầm, chậm rãi, bình tĩnh, đồng thời tiếp tục di chuyển theo bất cứ cách nào mà trẻ thấy thoải mái, dễ chịu. Trẻ cần cảm giác được yêu thương và an ủi thay vì trấn áp và quát nạt."

6. Đưa cho trẻ sự lựa chọn

Khi trẻ ăn vạ, thay vì bắt ép trẻ làm theo ý mình thì mẹ hãy cho con cơ hội được lựa chọn. Có thể trẻ đang khá giận dữ vì bị ép buộc làm điều mình không muốn. Hãy hỏi trẻ xem liệu có phải trẻ đang làm sai và tự giải thích điều trẻ muốn. Cố gắng khuyến khích trẻ nói ra.

Theo các chuyên gia, cho bé các sự lựa chọn để bé tự quyết định và có cảm giác được kiểm soát chính mình. Chẳng hạn như: nếu con muốn ăn cái này thì con sẽ không ăn cơm nữa, nếu con muốn có đồ chơi này thì sẽ không được chơi trò gì đó nữa (trò mà trẻ ưa thích).

7. Hãy giúp con gọi đúng tên cảm xúc

Giúp con gọi tên cảm xúc, cho con thấy bạn thấu hiểu những gì con đang cảm nhận. Đôi khi các bé cáu giận đơn giản vì mệt, đói, lúc này bố mẹ không nên sử dụng hình phạt nghiêm khắc mà nên an ủi, vỗ về, giúp bé thư giãn. Đây là cơ hội để bố mẹ dạy cho bé biết khi mệt, con cảm thấy thế nào và con nên làm gì thay vì cáu giận với người khác. Lần sau gặp trường hợp tương tự, trẻ sẽ không ăn vạ như vậy nữa.

8. Không để người khác xen vào

Nếu mẹ đang cương quyết với bé nhưng có những người xung quanh xúm vào dỗ dành, mọi kỷ luật trở thành vô nghĩa. Cần thống nhất quan điểm nuôi dạy con với các thành viên trong nhà, khi bé ứng xử không tốt, mọi người không nên bênh vực bé sẽ khiến việc dạy dỗ càng khó khăn hơn.

Tăng xông vì thói ăn vạ như cơm bữa của trẻ, bố mẹ phải làm sao?-4

9. Trò chuyện khi trẻ bình tĩnh lại

Trên thực tế, nếu khi con đang giận dỗi mà mình sử dụng ngôn ngữ giải thích, giảng dạy hay giáo huấn sẽ càng khiến cho con giận dỗi hơn, và cũng không trông mong gì con thay đổi. 

Tuy nhiên lúc cơn ăn vạ của bé đã qua đi, ba mẹ hãy lại gần và nói chuyện với bé về cảm xúc của trẻ khi sự việc xảy ra, ví dụ: vừa rồi mẹ thấy con rất tức giận vì bạn A đang giành đồ chơi của con… Bây giờ mẹ đã thấy con bình tĩnh trở lại, mẹ thấy rất vui và con có thể chia sẻ với mẹ về bất cứ điều gì nếu con muốn. Cảm ơn con đã tin tưởng và chia sẻ với mẹ… Sau đó hãy ôm con vào lòng và nói cho con biết rằng, mẹ rất yêu con. Hành động này sẽ khiến con củng cố lại niềm tin và tâm lý, để trẻ biết rằng, mình không bị bỏ rơi. 

Nguyên tắc “4 không” bố mẹ cần tránh khi đối mặt cơn ăn vạ của trẻ:

- Không mắng trẻ vì đây là biện pháp tồi tệ. Nó cũng sẽ khiến trẻ trở nên nóng nảy, không kiểm soát được cảm xúc như vậy.

- Không đánh con: Hãy nghĩ lại một chút. Bạn quá to lớn, còn con bạn quá nhỏ. Nếu bạn đánh con nghĩa là bạn đang chơi một trận chiến không công bằng với con vì chúng không thể chiến đấu lại với bạn

- Không giảng giải lý thuyết ngay lúc đó: Khi đứa trẻ đang trong một tâm trạng tồi tệ, tất cả những gì bạn nói đều vô nghĩa, chúng sẽ chẳng lắng nghe, không hiểu và không có tác dụng gì. Vì vậy, hãy chờ một chút trước khi dạy cho con điều gì là đúng, là sai.

- Không rời đi khi trẻ đang cần bạn: Trẻ gây náo loạn là vì muốn hướng tới bố mẹ, cầu mong ở bố mẹ sự đáp lại. Nếu bạn rời đi, trẻ sẽ hiểu lầm hành vi đó là không quan tâm hoặc việc trẻ làm là chẳng sai trái gì.

Theo V.K - Vietnamnet


Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.