Trẻ nhút nhát dễ thiệt thòi và vuột mất những cơ hội trong cuộc sống, cha mẹ cần làm gì để giúp đỡ con?

Nuôi dạy con có lẽ bố mẹ nào cũng muốn con ngoan khỏe, thông minh nhưng phải tự tin và mạnh mẽ. Tuy nhiên vì nhiều lý do không ít bé lại có tính cách khá nhút nhát nên khả năng giao tiếp bị hạn chế, thiếu hòa đồng dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực không mong muốn.

Con nhút nhát có tác hại gì?

Trẻ nhút nhát thường có biểu hiện là trẻ tỏ ra rất rụt rè, có thể cảm thấy sợ hoặc lo lắng khi ở cạnh người lạ và ngay cả người quen, bạn bè. Trong giờ ra chơi, trẻ thường nhìn các bạn khác chơi nhưng không tham gia chơi cùng mà thích chơi một mình. Trẻ thiếu hòa đồng và rất trầm lặng, ít nói chuyện với mọi người... Thực tế, những trẻ này có thể cũng muốn tương tác, giao tiếp với bạn bè, nhưng do nhút nhát nên lại không làm như ý mình muốn. Dù ở gần bạn bè, trẻ có tính nhút nhát đôi khi vẫn cảm thấy lạc lõng, buồn bã.

Trẻ nhút nhát dễ thiệt thòi và vuột mất những cơ hội trong cuộc sống, cha mẹ cần làm gì để giúp đỡ con?-1

Do đó, rất nhiều trẻ nhút nhát bị kẹt trong một vòng luẩn quẩn tai hại, cản trở trẻ kết nối với bạn bè nên ít cơ hội phát triển các kỹ năng xã hộ như trò chuyện, khả năng tranh luận giải quyết vấn đề, chờ tới lượt, hoặc cùng nhau khám phá những điều mới lạ. Chưa kể, khi trẻ có hành vi né tránh như vậy thì nhiều bạn bè cũng có phản ứng tiêu cực, ví dụ, bạn bè dễ có ác cảm với những trẻ hay lảng tránh mọi người.

Bạn bè và các mối quan hệ xã hội là trái tim và linh hồn trong cuộc sống con người, bởi chúng giúp cho cuộc sống của bạn tốt hơn và là điều kiện để đạt được những thành công cả về công việc và đời sống. Trong khi đó, trẻ quá nhút nhát sẽ làm giảm khả năng làm việc và giao tiếp, trò chuyện của con người, cũng như ngăn cản việc hình thành các mối quan hệ xã hội. Chính vì vậy, sự nhút nhát làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và sự thành công trong của trẻ.

Vượt qua sự nhút nhát giúp bạn vượt qua được những nỗi sợ hãi về các tình huống trong xã hội và tạo ra được những quan hệ mong muốn. Giống như bất kỳ điều gì khác, ban đầu sẽ không dễ dàng để luyện tập vượt qua sự nhút nhát, tuy nhiên nó sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn xây dựng kế hoạch và có phương pháp tiến lên.

Con nhút nhát phải làm sao?

Nhút nhát là một điểm yếu nên bố mẹ hãy giúp trẻ hòa đồng hơn để tự tin bước ra thế giới, sẵn sàng đối diện với mọi thứ trong cuộc sống. Để làm được điều đó, phụ huynh có thể áp dúng một số biện pháp tham khảo sau:

Không tạo áp lực cho bé

Tuy rằng nhút nhát sẽ khiến trẻ gặp một số bất lợi trong cuộc sống và học tập, tuy nhiên bố mẹ không vì thế mà thúc ép trẻ phải thay đổi thật nhanh, bắt trẻ phải làm bằng được điều nọ điều kia ngay lập tức. Điều đó chỉ khiến trẻ thêm áp lực, thậm chí hoang mang và thu mình lại hơn. Do vậy, để tránh lợi bất cập hại, phụ huynh nên giúp con điều chỉnh dần dần chứ đừng ép trẻ phải giao tiếp khi con không thoải mái.

Trẻ nhút nhát dễ thiệt thòi và vuột mất những cơ hội trong cuộc sống, cha mẹ cần làm gì để giúp đỡ con?-2

Đương nhiên bố mẹ cần thường xuyên dạy dỗ, hướng dẫn con nên làm thế nào để cải thiện nhưng hãy để con thay đổi một cách tự nhiên, không quá hối thúc. Ví dụ khi con ra ngoài chơi hoặc có người lạ đến nhà, bạn có thể nhắc nhở nhưng đừng ép con phải chào hỏi hay nói chuyện vui vẻ ngay nếu con chưa sẵn sàng. Cứ để dần dần, khi con quan sát kĩ mà thấy khách không có biểu hiện hại bé thì bé sẽ tự nhiên lại gần và tiếp xúc thôi. Đó là cách dạy con ngoan hiệu quả, việc thúc ép chỉ khiến bé càng thêm lo lắng và sợ hãi.

Chú ý ngôn ngữ của bạn

Hãy tưởng tượng bạn có một em bé tuổi mẫu giáo và hàng ngày gặp rất nhiều người lớn đến chào và nói lời âu yếm với em. Khi đứa trẻ trốn đằng sau bố mẹ, nhiều người lớn sẽ nói “Ồ bé đang ngại kìa” hay “Cậu bé/cô bé bẽn lẽn nhỉ”... và ngay cả bố mẹ trẻ cũng nghĩ thầm như vậy, khi không muốn cho rằng con mình đang mất lịch sự.

Theo các chuyên gia điều đó là không nên vì nó chỉ khiến bé định danh bản thân đang như những gì người lớn nói. Thay vào đó hãy giải thích với mọi người là con bạn chỉ đang cần thêm thời gian để thân thiết với người khác, hãy cố gắng hết sức đừng dán nhãn hành vi đó. Việc chỉ ra cảm xúc phức tạp của con bạn cũng có thể là dịp nhắc nhở những người khác không “dán nhãn” chúng, dù họ cũng không có ý xấu.

Mặc dù bạn không muốn gán cho con mình là người nhút nhát, nhưng điều quan trọng là hãy cho chúng cơ hội để nói về những gì chúng đang cảm thấy khi bước ra thế giới và khám phá các tình huống mới. Bạn có thể trò chuyện đơn giản và cởi mở, đại loại như, “hôm nay con đang nghĩ gì? Con có thích đến lớp học bơi không?”. Việc này sẽ giúp bạn biết được liệu sự nhút nhát của con có gây khó chịu gì không mà không cần phải “dán nhãn” bất cứ điều gì, đồng thời cũng giúp con bạn nói cho bạn biết giới hạn của chúng ở đâu và bạn cần tôn trọng điều đó. 

Việc lựa chọn lời nói, cách nói phù hợp càng trở nên đặc biệt quan trọng khi đứa trẻ nhút nhát của bạn lớn lên và bạn muốn tiếp tục hỗ trợ chúng, khuyến khích chúng trò chuyện với bạn về sự lo lắng hoặc khó khăn trong việc tìm cách hòa nhập. Nếu ngôn ngữ của bạn không khéo, trẻ sẽ càng né tránh và cách xa bạn hơn thay vì cải thiện được sự nhút nhát.

Cho con luyện tập có kiểm soát

Cha mẹ không nên bao bọc con quá mức mà hãy tạo những thách thức nhỏ để con tập luyện và tự thể hiện mình. Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc, giao lưu với thế giới bên ngoài một cách có kiểm soát, ví dụ như khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động, trò chơi tập thể, các lớp ngoại khóa như học đàn, học vẽ, kỹ năng sống…

Trẻ nhút nhát dễ thiệt thòi và vuột mất những cơ hội trong cuộc sống, cha mẹ cần làm gì để giúp đỡ con?-3

Có kiểm soát ở đây rất quan trọng, tức là bố mẹ đặc biệt không nên “đẩy” những đứa trẻ nhút nhát vào các tình huống đòi hỏi tương tác xã hội quá mức, hoặc những tình huống mới có thể khiến chúng cảm thấy thực sự khó chịu. Bố mẹ chỉ cần cho trẻ nhiều cơ hội có kiểm soát để thực hành việc tiếp xúc với những thứ mới, gặp những người mới. Chẳng hạn, bố mẹ có thể ngồi cùng con trong không gian tập thể vào buổi đầu tiên, đến buổi thứ hai và những buổi sau mới dần lùi ra xa hơn để bé quen dần và thích nghi từ từ chứ không bị choáng ngợp sinh ra sợ hãi và nhút nhát hơn.

Tìm sự giúp đỡ

Bố mẹ thấy sự nhút nhát của con có vẻ quá mức và dường như không cải thiện chút nào ngay cả khi bé đã có cơ hội luyện tập, bố mẹ đã cố gắng giúp con thay đổi. Cụ thể như chúng hay cáu gắt mỗi khi tan học, hoặc chúng đang gặp khó khăn trong việc kết bạn, thường xuyên buồn bã vì không cái ai chơi cùng... Khi đó, bố mẹ nên cần tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để kiểm tra và có biện pháp can thiệp một cách khoa học, hiệu quả hơn. 

Thực tế, nhút nhát, ngại ngùng cũng có lợi thế nhất định, chẳng hạn nó có thể giúp mọi người nghĩ kỹ hơn trước khi hành động, khiến người ta trở nên bình bĩnh và đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên chỉ nên như vậy ở trong một số tình huống nhất định bởi nhút nhát, chập chừng sẽ dẫn đến chậm trễ dễ khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội tốt của cuộc đời.

Theo V.K - Vietnamnet


Nuôi Dạy Con


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.