
Grace Ejiga giữ chức quản lý đấu thầu cho công ty tư vấn truyền thông Olive Jar Digital (có trụ sở tại London, Anh) từ tháng 4/2021. Đến tháng 5/2024, cô bị công ty này ép nghỉ.
Ejiga là nhân viên được trả lương cao nhất của công ty, tới 80.000 bảng Anh (khoảng 2,7 tỷ đồng) mỗi năm. Mỗi hợp đồng đấu thầu thành công, cô nhận được hoa hồng khoảng 5% lợi nhuận. Bên cạnh đó, tiền thưởng hàng năm cũng rất cao. Trong quá trình làm việc, cô chưa bao giờ bị khiển trách.
Tuy nhiên, sau khi số tiền mặt của công ty ngày càng ít dần, các lãnh đạo tìm cách sa thải cô để giảm chi phí. Tháng 5/2024, ban giám đốc họp với Ejiga rồi thông báo rằng hiệu suất làm việc của cô không còn cao và có nhiều hành vi sai trái. Lãnh đạo còn chỉ trích cô nghỉ nhiều, dù thật ra cô mới chỉ nghỉ 4 ngày phép trong suốt quá trình đi làm.
Thakrar, quản lý trực tiếp, tuyên bố Ejiga đang nhận quá nhiều nhiệm vụ, dẫn đến việc không làm tốt. Ông muốn cô từ nay chỉ tập trung tìm kiếm khách trên nền tảng LinkedIn. Vì nhiệm vụ ít đi nên ban giám đốc không tăng lương cho cô theo đúng lộ trình cam kết.

Nhân viên bị ép nghỉ việc vì lý do nhận lương quá cao, công ty không trả được. (Ảnh minh họa: ipLeader)
Thakrar còn yêu cầu cô bàn giao công việc mình đang đảm nhận. Sau đó, công ty dừng hợp tác với Ejiga, nói rằng cô có mong muốn nghỉ việc nên mới bàn giao.
Thấy cách xử lý của công ty rất có vấn đề, Ejiga tin rằng lãnh đạo không muốn tăng lương nên ép phải rời bỏ công việc mà cô đang làm tốt. Cô quyết định khiếu kiện Olive Jar Digital ra tòa để đòi bồi thường.
Trong phiên điều trần mới đây, thẩm phán Tamara Lewis cho biết: "Phía công ty mong muốn không tăng lương và thúc ép Ejiga phải kiếm nhiều hợp đồng hơn nữa. Tuy nhiên, những tài liệu để chứng minh Ejiga làm việc thiếu hiệu quả lại không hề thuyết phục".
Tòa án đưa ra bằng chứng rằng quản lý Thakrar không có tài liệu nào chứng minh người lao động gây thiệt hại cho công ty, không như lời cáo buộc rằng Ejiga có nhiều hành vi sai trái. Theo thẩm phán, phía công ty cố tìm cách thức hợp pháp để sa thải người lao động, cố gắng biến thành một vụ tự nguyện từ chức chứ không phải bị chèn ép.
Do công ty Olive Jar Digital không thể đưa ra lý do sa thải nào thích đáng nên cuối cùng, tòa đưa ra phán quyết rằng ban lãnh đạo phải bồi thường thiệt hại cho Ejiga 25.000 bảng Anh (khoảng 850 triệu đồng); trong đó khoản 3.425 bảng Anh là do sa thải sai quy định, số còn lại đền bù tổn thấp thu nhập.
