
Tôi từng nghĩ, bữa tối là lúc ấm áp nhất trong ngày, vì đó là khoảng thời gian cả gia đình tụ họp, chuyện trò, cười nói. Nhưng từ khi con gái tôi lấy chồng, mọi thứ dường như không còn như trước. Mỗi lần chúng tôi tổ chức bữa cơm gia đình, nó luôn là người đến muộn nhất. Dù nhà chồng chỉ cách chúng tôi 15 phút đi xe, nó vẫn đến khi mọi người đã ăn được một nửa. Lần nào cũng là kẹt xe, công việc bận, ăn trưa muộn... những cái cớ quen thuộc lặp đi lặp lại. Cho đến một ngày, trong bữa tiệc sinh nhật của vợ tôi, con bé lại đến muộn như thường lệ. Lần này, tôi quyết không nhịn nữa, tôi kéo nó vào phòng riêng, gặng hỏi cho ra nhẽ.
Những lời con gái nói khiến tôi chết lặng. Nó không trách chúng tôi vì phải nấu ăn vất vả, mà trách vì luôn bị coi là người "phải có trách nhiệm". Từ bé, nó đã được dạy phải nhường nhịn hai em trai, là chị thì phải gánh vác, phải lo toan, phải hy sinh. Sau khi lập gia đình, nó vẫn ôm về mình mọi việc khi về nhà mẹ đẻ: nấu ăn, dọn dẹp, tiếp khách. Những món ăn tôi chuẩn bị luôn là món con trai thích, còn món con gái yêu thích thì bị gạt sang một bên vì “phiền phức”. Tôi nghĩ con gái sẽ hiểu và quen với điều đó, nào ngờ lòng nó đầy những vết xước không tên.

Nó nói, về nhà chồng thì phải làm dâu, chăm sóc người khác. Về nhà bố mẹ, nó chỉ mong được là đứa trẻ ngày xưa: Được yêu thương, được quan tâm, được hỏi han. Nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi, vẫn là những trách nhiệm vô hình đè nặng lên vai. “Con mệt mỏi lắm rồi,” nó nói, mắt đỏ hoe. “Con chỉ muốn được nghỉ một chút, chỉ một chút thôi.”
Tôi giận quá, buột miệng nói: “Nếu vậy thì sau này đừng quay lại nữa.” Câu nói vừa dứt, con gái tôi đứng dậy, lặng lẽ rời khỏi phòng, rồi khỏi nhà, nước mắt lăn dài. Tôi đứng trơ ra đó, thấy mình như kẻ thất bại. Tôi đã già, đã làm cha, làm mẹ gần hết cuộc đời, nhưng đến lúc này mới hiểu: Không phải cứ chăm chỉ nấu ăn, tổ chức những bữa tối gia đình là đủ để níu giữ yêu thương. Nếu trong mỗi lần trở về, con gái không cảm thấy được chào đón bằng tình cảm chân thành, thì khoảng cách mười lăm phút cũng hóa xa xôi.
Đêm ấy, vợ tôi ngồi bên, thở dài nói: “Con gái đi lấy chồng, ngoài kia có bao nhiêu áp lực, còn quay về lại thấy mình như người ngoài, anh nghĩ nó còn muốn về nữa sao? Con nào cũng là con, anh thiên vị thế, bảo sao nó không lạnh lòng…”
Tôi lặng im, cảm thấy nghẹn nơi cổ họng. Phải rồi, tôi đã vô tình biến nhà thành nơi khiến con gái thấy áp lực. Tôi không ghét bỏ nó, chỉ là… đã quen yêu con theo cách mình nghĩ là đúng. Nhưng tình yêu không phải là những mâm cơm đủ món, mà là một cái ôm, một ánh mắt thấu hiểu, một câu hỏi dịu dàng: “Con có mệt không?”
Bữa tối hôm ấy, con gái tôi đã không ăn gì cả. Nhưng có lẽ, thứ khiến nó no nhất lại là nỗi tủi thân. Còn tôi, đến tận bây giờ, vẫn không quên được bóng lưng nhỏ bé đó rời đi trong nước mắt, mang theo cả sự thất vọng lặng lẽ và tình yêu chưa được đáp đền đúng cách.

Theo Thương Trường