Tài khoản facebook Nguyễn Đức Huấn đăng bài kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ thông tin để gia đình có thể nhanh chóng tìm lại con trai 6 tuổi bị bắt cóc. Theo nội dung bài đăng thì chiều hôm qua (30/3), đứa trẻ có tên Bảo Lâm – 6 tuổi, chơi trước ngõ 301 Âu Cơ (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) thì bị 2 người đàn ông đeo khẩu trang, đánh thuốc mê rồi bế đi.
Gia đình đã báo cơ quan chức năng, nhưng vẫn đang trong quá trình điều tra và camera nhà dân không ghi lại được biển số xe của đối tượng bắt cóc. Bài đăng có kèm theo ảnh bé trai, 3 ảnh ghi lại cảnh 2 người đi xe máy đèo trẻ nhỏ cùng 1 số điện thoại liên hệ.
Thông tin trên khiến mạng xã hội “dậy sóng” và chia sẻ liên tục với mong muốn tìm được đứa trẻ càng nhanh càng tốt. Bên cạnh những bình luận hoang mang, lo lắng cho sự an nguy của bé trai thì cũng có không ít người tinh ý nhận ra 3 bức ảnh được chia sẻ cùng bài viết là ở một vụ khác, không liên quan tới bắt cóc.
Đến chiều hôm nay (31/3), thông tin trên báo chí, Thượng tá Trần Trọng Sơn - Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết thông tin bé trai bị bắt cóc ở TP. Pleiku đang được lan truyền trên mạng xã hội là tin giả.

Một chi tiết đáng ngờ khác đó là sau khi bài đăng trên được chia sẻ khá nhiều, tài khoản “Nguyễn Đức Huấn” đã đổi nội dung sang thông báo nhận “Quỹ phụng sự kêu gọi cứu trợ nhân đạo khẩn cấp tại Myanmar”. Các hình ảnh cũng được thay đổi sang cảnh đổ nát sau động đất tại đất nước này. Kèm theo đó là số tài khoản, mã QR tài khoản nhận tiền cứu trợ.

Chưa dừng ở đó, bài này lại tiếp tục được thay đổi nội dung lần thứ 2 và trở thành bài kêu gọi từ thiện cho một trường hợp gặp tai nạn.

Theo Thượng tá Trần Trọng Sơn, những thông tin giả được các đối tượng sử dụng vào mục đích vụ lợi, lợi dụng các sự việc thương tâm để lừa đảo kêu gọi cứu trợ. Các thông tin sai lệch đã được gỡ bỏ và khuyến cáo người dân không nên chia sẻ, chuyển tiền vào các tài khoản này.

Theo Đời sống và Pháp luật