Thích phô trương, yêu kỷ lục là triệu chứng của căn bệnh hoành tráng trong lối tư duy sỹ diện của người Việt. Chính vì vậy, người ta đua nhau lập kỷ lục! Đáng buồn là, những kỷ lục ấy khó có thể làm được gì nhiều hơn ngoài sự lãng phí!

Cách lập kỷ lục của người Việt chẳng giống bất kỳ đâu. Chúng ta lập kỷ lục chỉ để “tự sướng”, tự thoả mãn, tự hãnh diện với bản thân và những người xung quanh. Lạ lùng là hầu hết những kỷ lục người ta đua nhau thực hiện lại liên quan đến chuyện…ăn! Những cái nhất trong chuyện ăn này cũng khiến người ta cười ra nước mắt!

Đầu tiên là chuyện những chiếc bánh chưng khổng lồ. Điệp khúc “năm sau to hơn năm trước” luôn đúng với câu chuyện kỷ lục bánh chưng. Âu cũng bởi “con gà tức nhau tiếng gáy”! Thấy tỉnh bạn làm bánh chưng khổng lồ thì tỉnh mình cũng phải làm một cái to hơn để thể hiện “đẳng cấp”!

Năm 2007, chiếc bánh chưng nặng tới 2,6 tấn xuất hiện tại đền Hùng trong lễ cúng giỗ tổ. Đến năm 2015, người dân Hưng Yên “quyết” vượt lên giành giấy chứng nhận kỷ lục với chiếc bánh nặng đến 5 tấn!

Chiếc bánh chưng "khổng lồ" trên 5 tấn ở Hưng Yên

Tất nhiên, sau khi được mọi người chiêm bái, ngưỡng vọng, việc “giải quyết hậu quả” của 5 tấn bánh thật không hề đơn giản. Tất nhiên, điểm đến của những chiếc bánh khổng lồ này có lẽ ai cũng có thể đoán được!

Mới đây, tô hủ tiếu có đường kính miệng 1,5 m, cao 70 cm, thể tích 900 lít, gồm 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước súp phục vụ cho khoảng 1.000 người ăn đã phải đổ đi vì… không ăn được!

Lập kỷ lục để …đổ đi nhưng người ta vẫn đua nhau “lập kỷ lục” hết năm này đến năm khác, hết tỉnh này đến tỉnh khác. Tất nhiên, có người lập thì sẽ có người phá kỷ lục. Cứ như vậy, cuộc “chạy đua kỷ lục” về những chiếc bánh chưng, những tô hủ tiếu…có lẽ sẽ không có điểm dừng. Những kỷ lục ấy không mang lại lợi ích về vật chất hay tinh thần nào ngoài sự tốn kém. Nhưng vì sỹ diện, vì muốn “oai” với địa phương khác, tỉnh khác mà người ta vẫn quyết thực hiện!

Tô hủ tiếu 1.000 người ăn và đòn bánh phồng tôm dài 2,2 m

Lối tư duy sỹ diện và căn bệnh hình thức đã ngấm vào máu khiến người ta không thể dừng “đam mê” lập kỷ lục dù biết đó là lãng phí, vô bổ, phản tác dụng… Trong khi vẫn còn khoảng 8% hộ nghèo trên cả nước thì việc đổ đi hàng tấn thức ăn như thế có phải là việc làm tội lỗi? Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề nghị cấp 35.000 tấn gạo để cứu trợ cho người nghèo ở 5 tỉnh trong nước. Giá mà, số tiền làm tô hủ tiếu 1.000 người ăn, chiếc bánh chưng 5 tấn kia dành cho người nghèo, giúp họ qua cơn đói kém thì ý nghĩa biết bao, nhân văn biết bao!

Những kỷ lục kiểu tô hủ tiếu khiến nhiều người cảm thấy buồn! Buồn không chỉ vì sự lãng phí không cần thiết của nó mà còn bởi lối tư duy sỹ diện hão vẫn còn lẩn khuất đâu đó. Chỉ quẩn quanh với vài ba cái kỷ lục trong nước rồi tự thoả mãn với nhau sẽ làm cản bước tiến của dân tộc trên con đường phát triển!

Chỉ khi người Việt chấm dứt niềm say mê lập kỷ lục để “tự mãn”, tập trung vào những việc làm hữu ích, thiết thực thì may ra cái nghèo mới có cơ hội được xoá bỏ.

Thảo Dương/ Vietnamnet