Chết đuối khi cách bờ chỉ vài mét
![]() |
Khám nghiệm thuyền tai nạn |
Theo các cán bộ điều tra, tới 7h sáng cùng ngày, khi các thi thể được vớt lên, tất cả đều trong tình trạng mặc các bộ đồ bảo hộ bằng chất liệu nylon gồm: Ủng, quần, áo liền nhau.
Những bộ đồ này có tác dụng giữ nhiệt, tránh nước ngấm vào cơ thể đồng thời chống hà cứa chân. Tuy vậy, khi xảy ra tai nạn chìm thuyền, nước tràn qua cổ nạn nhân vào, bộ quần áo này như chiếc túi đựng nước, kéo nạn nhân xuống đáy.
Ghi nhận của Lao Động tại hiện trường, con thuyền này không có bất cứ một dụng cụ cứu hộ, phao cứu sinh nào. Một cán bộ biên phòng cho biết: Đây chỉ là những phương tiện người dân tự đóng, có công suất nên lực lượng biên phòng không quản lý.
Ông Trần Mạnh Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Nam Thịnh - cho biết: Các nạn nhân đều là anh em, họ hàng của chủ đầm Trương Văn Đỉnh. Ngay sau khi biết tin vụ tai nạn, chính quyền địa phương phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa Lân tới hiện trường. Lúc này người dân đã cứu được 7 người, 6 người còn lại đã chết đuối. Người dân phải dùng lưới rê rà soát khu vực, tới 7h cùng ngày, đã vớt được toàn bộ 6 nạn nhân, chúng tôi đã bàn giao thi thể cho các gia đình đưa về mai táng.
Tang tóc bao trùm xóm biển
![]() |
Người thân đau khổ bên quan tài nạn nhân tử nạn. |
Tại nhà nạn nhân Đinh Văn Sỹ (24 tuổi, thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải), em gái là Đinh Thị Miên (22 tuổi, thôn Nam Trung, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải), người mẹ già vật vã, khóc ngất bởi trong một ngày, bà đã mất đi 2 đứa con đứt ruột sinh ra.
Cách đó không xa, đám tang chị Trương Thị Huyền (51 tuổi, thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải) được gia đình tổ chức vào đầu giờ chiều nay. Đứng lặng người trước cửa ngôi nhà cấp 4 xập xệ, nước mắt người cha già như chực trào ra, cụ Trương Văn Đoán (86 tuổi) nghẹn ngào nói: “Giờ con chết rồi, tôi không biết sẽ sống ra sao”. Bởi chị Huyền lớn lên không đi xây dựng gia đình, mà ở lại nuôi bố mẹ già.
Người mẹ già của chị mắc bệnh hiểm nghèo, hơn 1 năm nay phải nằm liệt giường, mọi việc đều nhờ vào sự chăm sóc, cơm nước hằng ngày của chị. Anh, chị em khác đều đã có gia đình riêng. Ngoài thời gian làm mùa, chị Huyền đi cào ngao cho một người chủ trong thôn để có thêm thu nhập, thường chị đi từ chiều hôm trước, đến sáng hôm sau mới về. “Nghề ngao cực khổ lắm chú ơi!” - Một người anh chị Huyền chia sẻ.