
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bế tắc từ “đầu bài”
Từ
năm 1990, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao Bộ Văn hóa nghiên cứu tìm ra
lễ phục Việt Nam. Năm 1991 Bộ Văn hóa đề xuất đề tài xây dựng quốc
phục. Hơn 20 năm qua, đã có hàng chục hội thảo quốc gia bàn về lễ phục,
quốc phục. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã phát động
cuộc thi thiết kế lễ phục nhà nước. Các nhà thiết kế đã may thể nghiệm
một vài mẫu… nhưng việc lựa chọn dường như vẫn dậm chân tại chỗ.
Giải
thích về việc chậm trễ mãi chưa tìm ra quốc phục, ông Vi Kiến Thành -
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL),
Trưởng ban Tổ chức xây dựng và triển khai Đề án lễ phục nhà nước cho
biết, Bộ chưa thống nhất được “đầu bài” để giao cho các nhà thiết kế,
hơn nữa còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa chọn được.
Cuộc
thi thiết kế mẫu lễ phục nhà nước được Bộ VH-TT&DL phát động năm
2013 nhưng kết quả thu về là sự…thất vọng. Không tìm ra được mẫu thiết
kế lễ phục ưng ý bởi những người trong cuộc vẫn chưa quyết định được bộ
trang phục nào chính thức sẽ trở thành quốc phục.
Khó
hơn cả, Ban Tổ chức cuộc thi đặt quá nhiều trọng trách lớn lao lên một
bộ trang phục như: “mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và
bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam; đẹp, thuận tiện, phù hợp trong
nghi lễ quốc gia và quốc tế; phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng
của người Việt Nam”. “Đầu bài” chung chung, đòi hỏi quá cao khiến cho
công cuộc tìm quốc phục rối như “mớ bòng bong”.

“Mắc” giữa truyền thống và hiện đại
PGS.TS
Phạm Quốc Sử (Bảo tàng Hồ Chí Minh) từng đưa ra nhận xét, chiếc áo dài
dành cho 21 nhà lãnh đạo các nước đến họp Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh
tế khối APEC lần thứ 14 tại Hà Nội năm 2006 chỉ là giải pháp tình thế
vì đó cũng chỉ là chiếc áo dành cho nam giới, không đầy đủ làm một “bộ
quần áo”. Đối với trang phục nữ, áo dài truyền thống được nhiều ý kiến
đồng thuận coi là quốc phục, nhưng áo dài cũng nhận được không ít ý kiến
trái chiều.
Theo
GS Trần Lâm Biền, chiếc áo dài tân thời không phải của người Việt Nam,
không phải xuất phát từ cuộc sống bình dân của con người Việt Nam. Giá
trị của áo dài không phải bắt nguồn từ tâm hồn dân tộc mà nó là sản phẩm
của đô thị. Và sản phẩm ấy cho đến bây giờ vẫn chỉ gắn với dân đô thị
mà chưa gắn với toàn bộ dân tộc Việt Nam.
Chọn
quốc phục nữ đã khó, chọn quốc phục nam còn khó hơn nhiều. Người ủng hộ
mẫu áo dài, khăn đóng nhưng cũng có người cho rằng nên lấy mẫu complet
làm trang phục cho nam giới. Họa sĩ Trịnh Quang Vũ lại cho rằng nên chọn
áo dài, khăn đóng với nam và khăn vấn với nữ, vì nó là trang phục
truyền thống đã định hình hàng nghìn năm nay của dân tộc ta, là biểu
tượng văn hóa quốc gia.
Đặc
biệt nữa, trang phục của Việt Nam giống nhau, từ vua quan cho đến dân
thường đều mặc, chỉ khác nhau về chất liệu, họa tiết. Tuy vậy, cũng có ý
kiến lại cho rằng quốc phục của thời hiện đại không nên bị ám ảnh bởi
những gì xưa cũ.
Chúng
ta tìm quốc phục cho người Việt hôm nay, người Việt trong thời đại Hồ
Chí Minh chứ không phải tìm lại bộ trang phục truyền thống. Vì thế, nó
cần hợp thần thái người Việt trẻ trung hiện đại, đang hội nhập không
ngừng cùng thế giới. Bộ trang phục ấy cũng hợp với mọi lứa tuổi, sang
trọng và giản dị, mang đặc trưng rõ nét nhất cho mỹ cảm Việt…
Có
thể thấy, việc tìm quốc phục như đứng giữa ngã ba đường, loay hoay
chưa biết đi hướng nào. Việc “mắc” giữa truyền thống và hiện đại khiến
câu chuyện quốc phục suốt hai thập kỷ qua vẫn chưa có hồi kết.
Tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng của nó trong đời sống đương đại” do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp với nhóm Đình làng Việt tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 29/9. Thông qua các trang phục trong các bộ phim (Trò đời, Số đỏ, Lều chõng, Long thành cầm giả ca, Người cộng sự), các chuyên gia văn hóa đã bàn về tính trang nhã của tinh thần trang phục Việt và xu hướng thực tiễn của những bộ trang phục này. Đây là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc và là khởi đầu cho công việc chuẩn bị sự kiện Tết Việt sẽ diễn ra vào cuối năm 2015 do Đình làng Việt tổ chức. |