
“Sao mày dám trốn?”, cậu bé quát vào mặt bạn mình, sau đó cùng một bạn khác liên tục đấm, tát, lên gối một nam sinh mặc áo trắng, quàng khăn đỏ. Cảnh này được ghi lại trong clip lan truyền trên mạng ngày 24/4. Cậu bé bị đánh hội đồng là học sinh lớp 6 Trường THCS thị trấn Đồi Ngô 1, huyện Lục Nam, Bắc Giang; còn 2 kẻ bạo hành chỉ mới học lớp 7, cùng trường.
Nhìn cậu bé chịu đòn, bất kỳ ai cũng đau nhói, tức ngực như thể những cú đánh kia nện vào người mình, xót cho cháu bé bị hành hạ và xót cho tâm hồn những đứa trẻ chưa kịp lớn đã chọn cách dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Điều gây nhức nhối hơn là những vụ việc tương tự xuất hiện khá thường xuyên.

Em học sinh lớp 6 bị bạn đánh hội đồng và quay video lại tại Bắc Giang. (Ảnh chụp màn hình)
Chỉ cách đây một tuần, mạng xã hội lan tỏa video ghi lại cảnh một học sinh lớp 6 ở Trường THCS Cao Mai, Lâm Thao, Phú Thọ bị bạn học bằng tuổi đánh đập, chửi bới, lăng mạ trong nhà vệ sinh, bị ép buộc thực hiện hành vi phản cảm, hoàn toàn không có khả năng chống đỡ. Nam sinh đánh bạn còn tự tay quay clip.
Trong những vụ bạo lực học đường từng khiến dư luận nhức nhối, rất nhiều trường hợp kẻ bạo hành chỉ mới 12, 13 tuổi. Ở lứa tuổi còn quàng khăn đỏ, mặt non đến "búng ra sữa", giọng nói còn chưa vỡ, nhiều em đã "biết" kéo bè kéo cánh để đánh hội đồng, không chỉ đấm đá bạn mình một cách tàn nhẫn mà còn xúc phạm nhân phẩm, vùi dập bạn bằng việc quay clip và phát tán chúng.
Thái độ hả hê, khoái trá của nhiều học sinh những lúc ấy cho thấy sự lệch lạc nghiêm trọng trong nhận thức và nhân cách của "búp măng mon" đã sớm mọc cong.
Điều nguy hiểm là không chỉ những em đó có nguy cơ lớn lên thành người xấu, mà ảnh hưởng độc hại sẽ lan tỏa khiến nhiều em khác cũng có xu hướng thiên về bạo lực, và tạo ra môi trường học đường đầy bất an, lo sợ. Những đứa trẻ chứng kiến bạo lực trở nên sợ hãi, thu mình, bị ám ảnh tâm lý lâu dài. Những kẻ gây ra bạo lực nếu không được giáo dục, uốn nắn kịp thời sẽ coi thường luật pháp, đạo đức xã hội, dễ dàng phạm tội nặng hơn trong tương lai.
Sự gia tăng, trẻ hóa nạn bạo lực học đường xuất phát từ nhiều phía: Sự thiếu quan tâm, giáo dục từ gia đình hoặc môi trường gia đình cũng mang tính bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, sự thờ ơ của nhà trường và xã hội trong việc giải quyết triệt để các vụ bạo lực học đường… Một bộ phận học sinh thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, đã tìm đến bạo lực như một cách để thể hiện bản thân, giải tỏa bức xúc hoặc đơn giản chỉ là bắt chước những hành vi độc hại mà các em nhìn thấy.
Để không còn cảnh những đứa trẻ ở lứa tuổi trong trẻo, thánh thiện, dễ động lòng trắc ẩn nhất lại hành hạ bạn mình theo cách lạnh lùng, tàn nhẫn nhất, nhất định phải tạo ra bước ngoặt trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ. Phải đưa môn học về phòng chống bạo lực học đường vào chương trình giáo dục như một giải pháp cấp thiết và mang tính chiến lược.
"Cây non dễ uốn", việc giáo dục về bạo lực học đường cần phải được bắt đầu ngay từ năm đầu tiên của bậc tiểu học. Tại sao lại là lớp 1? Đây là giai đoạn hình thành những nhận thức ban đầu về đúng sai, tốt xấu, về mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng. Việc trang bị cho các em những khái niệm cơ bản về bạo lực, các hình thức bạo lực, hậu quả của bạo lực và những kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ mình, tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết là vô cùng quan trọng.
Môn học này không nên chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức một cách khô khan mà cần được thiết kế sinh động, phù hợp với lứa tuổi. Các em có thể học thông qua những câu chuyện, tình huống giả định, những trò chơi tương tác hay thảo luận nhóm.
Nội dung môn học cần tập trung vào các vấn đề cơ bản tối quan trọng như nhận diện các hình thức bạo lực học đường (từ bạo lực thể chất, tinh thần đến bạo lực mạng; giúp học sinh hiểu rõ những hành vi nào là không thể chấp nhận được), giáo dục về giá trị của sự tôn trọng, yêu thương, đoàn kết (xây dựng những chuẩn mực đạo đức cơ bản, giúp các em biết cách đối xử tốt với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh)...
Môn phòng chống bạo lực học đường cũng phải trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình (dạy các em những cách giao tiếp hiệu quả, lắng nghe và thấu hiểu người khác, tìm ra những giải pháp win - win cho các xung đột), kỹ năng tự bảo vệ bản thân, cách ứng phó khi bị bắt nạt, cách tìm kiếm sự giúp đỡ... Học sinh cũng phải hiểu rằng mỗi hành động của mình đều có hậu quả và cần phải chịu trách nhiệm về nó.
Tất nhiên, sẽ có những thách thức không nhỏ về chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên và phương pháp giảng dạy. Vì thế, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội để xây dựng chương trình học hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi học sinh.
Việc liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường ở lứa tuổi THCS gần đây là "hồi chuông báo cháy" khẩn thiết đòi hỏi vấn đề phải được giải quyết khẩn trương từ gốc rễ. Dạy về bạo lực học đường ngay từ lớp 1 chính là trang bị cho các em loại vắc-xin phòng chống "bệnh dịch" này ngay từ thuở ban đầu.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Theo VTC News