- Chú Ốc ạ, ước gì mình được sống trong vùng lũ để được hưởng “lộc giời” nhỉ?

- Bác này hôm nay điên, sống trong vùng lũ khốn khổ trăm bề, sướng gì mà mơ với ước? - Ốc dấm dẳng.

- Hì hì… tớ nói là có cơ sở đấy. Ở Quảng Nam vừa rồi lãnh trọn cơn bão số 9, lũ từ thượng nguồn đổ về sông Vu Gia cuốn trôi cả ngàn mét khối gỗ “vô chủ”, người dân đua nhau đi vớt gỗ về làm… của riêng, không phải sướng vì được hưởng “lộc giời” à?

Ốc cao giọng:

- Nhưng bác Nghêu ơi “lũ gỗ” trong lũ thiên tai ấy nói lên nạn rừng bị phá rất nghiêm trọng đấy.

- Ai phá?

- Lâm tặc và…

Hến lo lắng:

- Nhờ “lũ gỗ” trong cơn bão số 9 vừa qua dân mới biết thêm sự lộng hành của lâm tặc và quá nhiều kẽ hở trong quản lý rừng.

- Thảo nào mà con số thống kê công bố đến cuối năm 2008 rừng tự nhiên ở Quảng Nam chỉ còn 387.000ha, giảm… 41.000ha. Một con số kinh khủng. Bảo sao mưa bão càng ngày lại thêm tàn khốc?

Nghêu gãi tai:

- Chết, tớ mắt mũi mù mờ nên nói nhảm, hóa ra “lũ gỗ” theo lũ thiên tai trong cơn bão số 9 tàn phá Quảng Nam và một số tỉnh Tây Nguyên vừa qua không phải “lộc giời” mà thật ra là rừng đầu nguồn chúng ta bị tàn phá à?

- Điều này được minh chứng rõ ràng và ai cũng phải công nhận và đây là nỗi đau chung phải được sự quan tâm của ngành chức năng và của cả cộng đồng để chấn chỉnh và lo bảo vệ rừng trước khi quá muộn ấy chứ.

Hến thắc mắc:

- Biết thế rồi, nhưng giải pháp nào để bảo vệ rừng?

- Ngành kiểm lâm chấn chỉnh lại công tác bảo vệ rừng, chống lâm tặc cho có hiệu quả.

Theo Đào Cốc Lục Tiên