Niềm tự hào khi con cái giỏi giang

Tôi năm nay 76 tuổi, và nhìn lại cuộc đời mình, tôi có thể nói rằng nó viên mãn theo cách mà nhiều người mong ước. Tôi từng là giáo viên trung học, chồng tôi là giáo sư đại học. Chúng tôi không thuộc hàng giàu có, nhưng luôn sống đủ đầy, không phải lo nghĩ về tiền bạc.

Khi nghỉ hưu, tôi có mức lương 10.000 NDT (khoảng hơn 35 triệu đồng/ tháng), một căn nhà khang trang và một khoản tiết kiệm đủ để tận hưởng tuổi già an nhàn. Nhưng hơn tất cả, tôi từng tin rằng mình thực sự hạnh phúc vì có hai người con giỏi giang, thành đạt, là niềm tự hào lớn nhất của vợ chồng tôi.

Vợ chồng tôi luôn tâm niệm rằng, chỉ có con đường học vấn mới giúp con cái vươn xa và có tương lai tươi sáng. Vì vậy, ngay từ nhỏ, chúng tôi không tiếc tiền đầu tư cho con học hành bài bản. Con trai tôi được gửi đi du học Úc ngay từ bậc đại học, con gái tôi sau này cũng sang Mỹ theo diện học bổng. Khi chúng tốt nghiệp, tôi và chồng vui mừng khôn xiết, cứ nghĩ rằng những gì mình vun đắp bấy lâu nay đã có quả ngọt.

Ảnh minh hoạ

Thế nhưng, từ lúc các con ra nước ngoài, cuộc sống gia đình tôi dần có những khoảng trống. Ban đầu, chúng tôi vẫn thường xuyên trò chuyện qua điện thoại, gọi video vào những ngày lễ, Tết. Nhưng càng về sau, các con bận rộn với công việc, với gia đình riêng, số lần liên lạc ngày một thưa thớt.

Những ngày đầu, tôi còn háo hức đếm từng tháng mong chúng về thăm, nhưng dần dần tôi hiểu rằng điều đó rất khó. Một năm, có khi chỉ về được một lần, có khi hai, ba năm không về vì công việc bận rộn, vì dịch bệnh, vì con cái còn nhỏ,... Lời hứa "khi nào rảnh con sẽ về" cứ kéo dài mãi không có hồi kết.

Những năm đầu nghỉ hưu, vợ chồng tôi vẫn còn bên nhau, cùng đi dạo, tham gia câu lạc bộ người cao tuổi, khiêu vũ, du lịch. Tôi từng nghĩ, chỉ cần có chồng bên cạnh, dù con cái ở xa, chúng tôi vẫn có thể nương tựa vào nhau mà sống vui vẻ. Nhưng cuộc đời vốn vô thường, ai biết trước điều gì sẽ xảy đến.

Khi tuổi già chỉ còn lại cô đơn

Tám năm trước, chồng tôi phát hiện bị suy thận. Từ đó, cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn thay đổi. Những buổi sáng đi dạo, những buổi tối cùng nhau trò chuyện, tất cả dần bị thay thế bởi những lần chạy thận, những ngày nằm viện dài đằng đẵng. Tôi cố gắng làm chỗ dựa tinh thần cho chồng, nhưng sâu trong lòng, tôi hiểu ông ấy rất buồn. Buồn vì bệnh tật, nhưng có lẽ buồn hơn cả là vì không có con cái bên cạnh.

Ảnh minh hoạ

Các con tôi đều lo lắng, chu cấp tiền viện phí đầy đủ, nhưng chúng không thể về chăm sóc cha. Công việc, gia đình, cuộc sống bên ấy đã níu chân chúng lại. Tôi hiểu điều đó, nhưng cũng không thể không cảm thấy xót xa. Tôi nhớ những lần chồng tôi thở dài sau một cuộc gọi điện ngắn ngủi với con, nhớ ánh mắt ông ấy xa xăm nhìn ra cửa sổ bệnh viện, như mong chờ một điều gì đó.

Cuối cùng, chồng tôi ra đi trong cô đơn. Đám tang của ông ấy chỉ có tôi và vài người bà con thân thích. Các con tôi cố gắng sắp xếp để về chịu tang, nhưng khi chúng có mặt, linh cữu của cha đã được đưa đi hỏa táng. Tôi nhìn các con đứng lặng trước bàn thờ cha, lòng đau nhói.

Sau ngày chồng mất, tôi trở về căn nhà rộng lớn, nhưng giờ đây chỉ còn mình tôi. Ban đầu, tôi nghĩ mình có thể làm quen với sự cô đơn, nhưng rồi tôi dần nhận ra nó đáng sợ hơn tôi tưởng. Không còn ai để trò chuyện mỗi ngày, không còn ai để cùng nhau ăn tối. Tôi từng thử tìm một người bạn đồng hành, nhưng cuối cùng chỉ nhận lại thất vọng khi người đó chỉ quan tâm đến tiền bạc của tôi.

Có lần, tôi bị ngã trong phòng tắm, nằm bất động trên sàn hơn một tiếng đồng hồ, cho đến khi cô giúp việc đến phát hiện. Khi biết chuyện, các con tôi hoảng hốt, lập tức đề nghị đưa tôi sang nước ngoài sống với chúng. Nhưng tôi từ chối. Tôi không muốn trở thành một gánh nặng, không muốn phải làm quen với một cuộc sống hoàn toàn xa lạ. Tôi đã sống gần cả cuộc đời ở đây, nơi có những kỷ niệm với chồng tôi, với những người bạn cũ.

Cuối cùng, tôi chọn vào viện dưỡng lão. Ở đây có những người già đồng cảnh ngộ, có y tá chăm sóc. Thoạt đầu, tôi nghĩ đây là quyết định đúng đắn, nhưng hóa ra, nơi này cũng không ấm áp như tôi tưởng.

Dù có người xung quanh, nhưng tôi vẫn cảm thấy cô đơn. Những cuộc trò chuyện thường xuyên bị ngắt quãng, không ai thực sự quan tâm đến ai. Những người bạn già của tôi lần lượt ra đi, để lại những khoảng trống không thể lấp đầy.

Ảnh minh hoạ

Những ngày lễ, Tết, tôi nhìn những cụ khác được con cháu đón về nhà, lòng quặn thắt. Tôi vẫn nhận được tiền chu cấp, vẫn có quà gửi về từ nước ngoài, nhưng điều đó không thể thay thế được một cái ôm, một cái nắm tay ấm áp. Có những ngày, tôi chỉ muốn nghe giọng nói của các con, nhưng khi gọi, chúng lại đang họp, đang bận rộn với công việc. Tôi không trách con, chỉ trách mình đã từng mong chúng bay cao bay xa, mà quên mất rằng, đôi khi, hạnh phúc giản đơn nhất là có con cái ở gần bên.

Và giờ đây tôi nhận ra rằng, thành công của con cái chưa chắc đã là hạnh phúc của cha mẹ. Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ không ép con cái đi xa, không đặt nặng việc chúng phải thành đạt ở nước ngoài. Tôi chỉ mong chúng sống gần tôi, để có thể cùng nhau ăn một bữa cơm gia đình, cùng nhau chuyện trò mỗi ngày.

Theo Doisongphapluat