Mẹ trẻ nuốt cục tức thay cơm vì hàng xóm chuyên vác bát sang xin đồ ăn, có lọ măng ớt cũng hớt sạch

Chuyện hàng xóm láng giềng "bát cơm sẻ nửa muối vừng chia đôi" vốn là điều gần gũi quen thuộc trong cuộc sống thường ngày.

Chuyện hàng xóm láng giềng "bát cơm sẻ nửa muối vừng chia đôi" vốn là điều gần gũi quen thuộc trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, sẻ chia đến nỗi ngày nào cũng vác bát sang xin ăn đến nỗi sạch bách cả lọ măng muối của người ta, thì đúng là tham lam khó chữa.

Hội chị em xưa nay vẫn thường "buôn" những chuyện trong nhà như đánh ghen, ngoại tình, làm đẹp, phòng the... nhiều quá chắc cũng nhàm, nên dạo gần đây có vẻ thích chuyển sang "tám" mấy chuyện ngoài ngõ. Cái gì "đao to búa lớn" thì ít ai nói, nhưng nếu đọc lời tâm sự dưới đây, hẳn mẹ nào cũng phải vỗ đùi cái đét vì không ít người từng đối mặt với cảnh tương tự.

"Không biết có phải em ích kỉ không, nhưng chuyện là như thế này. Em có mua măng tươi về ngâm tỏi ớt để ăn với bún, mì tôm. Bình 7kg ấy, mà chị hàng xóm suốt ngày sang xin, 4 - 5 lần rồi.

Mẹ trẻ nuốt cục tức thay cơm vì nỗi khổ hàng xóm chuyên xin đồ ăn chùa - Ảnh 1.

Chuyên mục "câu chuyện bên bình măng muối" bắt đầu trong nỗi ấm ức của bà mẹ trẻ. (Ảnh minh họa)

Lần thì xin bát con ăn cơm, lần thì xin cả tô. Nay chồng em lại bảo chị ấy sang xin bát tô đầy về nấu cho khách. Trời ơi, gần hết bình măng của em. Mồm thì cứ bảo nhà tao không ai ăn nên tao không ngâm, rồi chị gái tao trên miền núi đem về đầy ra tao không ngâm, mà suốt ngày sang xin.

Nhưng không chỉ có thế, em mua hoa quả cho con, bà đó cũng mặt dày dắt 2 đứa nhỏ sang nói ý tứ, xui chúng nó xin cô H. (là em) quả về ăn. Lộn mề. 1, 2 lần còn được chứ đây bao nhiêu lần rồi, vợ chồng em nể lắm, nhưng cứ thế lại thành quen, phải làm sao bây giờ?".

Đó là câu chuyện của gia đình mẹ trẻ tên H. ở Thanh Hóa. Chị H. đã có chồng con, kinh doanh buôn bán nhỏ tại nhà, gia cảnh cũng gọi là đủ ăn chứ không dư dả gì. Bà mẹ 9X ngoài chăm lo nhà cửa con cái, bán buôn còn chịu khó ngâm măng chua để dành ăn kèm cơm, mì gói gọi là có rau. Tuy nhiên, các cụ nói cấm có sai, đúng là "ki cóp cho cọp nó xơi", chẳng phải hũ vàng hũ bạc gì nhưng hũ măng của H. lại có sức hấp dẫn không thể chối từ trong mắt hàng xóm. Bà mẹ trẻ bất lực khổ sở vì chị gái sát vách suốt ngày mặt dày chạy sang xin ăn măng "chùa", dù miệng leo lẻo đủ loại lý do, ra vẻ chẳng ham hố gì món măng ớt. Không cho thì kiểu gì cũng bị nói là kẹt xỉ, mà cho hoài thì thành chuột quen mùi mỡ. Thật điên đầu khó xử.

Mẹ trẻ nuốt cục tức thay cơm vì nỗi khổ hàng xóm chuyên xin đồ ăn chùa - Ảnh 2.

Gần chục cân măng ớt chị H. mới được vài miếng mà hàng xóm đã sang "ăn hộ" gần hết cả bình. (Ảnh: NVCC)

Tâm sự ngắn ngủi của chị H. cũng là nỗi lòng bức xúc khó nói của biết bao gia đình. Người ta bảo "bán anh em xa mua láng giềng gần", vì nhiều điều tốt đẹp mà mối quan hệ này mang lại. Song, với trường hợp của chị H. thì thà bán hàng xóm còn hơn, hiền đến mấy cũng không thể yêu thương nổi kiểu người vô duyên như thế.

Trước tình huống quen thuộc trong sinh hoạt thường ngày, hội chị em tỏ ra khá nhiệt tình, nghĩ cách giúp chị H. đuổi khéo được bà hàng xóm vừa khôn vặt vừa tham ăn. Đủ mọi biện pháp được đưa ra, từ nhẹ nhàng đến phũ phàng: "Cứ nói thẳng toẹt ra mẹ nó ạ, ý tứ với ai chứ loại người không biết xấu hổ ấy thì phải cứng"; "Đúng là miếng ăn là miếng nhục, sau bà kia vác mặt sang xin cứ bảo măng nhà em chị ăn hết sạch rồi"; "Hàng xóm gì mà hãm thế, giống y bà cô gần nhà mình, củ hành khô mà cũng chẳng bao giờ chịu bỏ tiền ra mua, chẳng hiểu bà ấy nấu món gì mà ngày nào cũng sang xin, rồi còn bê cả mắm muối dầu ăn nhà mình về, thấy sợ"...

Mẹ trẻ nuốt cục tức thay cơm vì nỗi khổ hàng xóm chuyên xin đồ ăn chùa - Ảnh 3.

Cách tốt nhất để "cắt duyên" với người hàng xóm tham ăn là ngoảnh mặt vào nhà, tuyên bố nhà em hết đồ ăn rồi! (Ảnh minh họa)

Chuyện cũng chẳng có gì lạ lùng giật gân, nhưng vẫn thu hút hàng nghìn lượt like và bình luận của cư dân mạng vì sự chân thật. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, nhưng xem ra với cô láng giềng thích ăn "của chùa" đến mức vác bát 5 lần 7 lượt sang xin từ miếng măng xin đi, xúi con xin cả trái cây của con nhà người ta mang về, thì chẳng còn cách nào hiệu quả hơn là đuổi thẳng, dù biết sẽ mất lòng

Theo Trí Thức Trẻ

cư dân mạng

buôn chuyện

hàng xom


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.