Kẻ khóc người cười với nỗi lòng mang tên "thưởng Tết"

Thưởng Tết à? Chỗ nào ấm no thì được hẳn "cục to", còn không thì về "phi đội tóp mỡ" với khoản tiền Tết tí teo, chỉ đủ an ủi...

Thưởng Tết à? Chỗ nào ấm no thì được hẳn "cục to", còn không thì về "phi đội tóp mỡ" với khoản tiền Tết tí teo, chỉ đủ an ủi cõi lòng. Mà hỡi ôi, tiền nhiều cũng chưa chắc đã sướng, cầm chưa bỏng tay đã phải đem ngay trả nợ!

Chờ mãi đợi mãi, cuối cùng cũng đến ngày đi làm "chót" của năm con Khỉ.

Khắp các phòng ban công ty tôi rộn ràng đến lạ, các anh các chị cứ ra vào như mắc cửi, thỉnh thoảng điểm tiếng thở dài xen "chẹp" một phát, như bản nhạc gây ấn tượng trước mỗi đoạn gay cấn trong phim chưởng.

Tôi cứ tưởng nay buổi đi làm cuối năm chắc ai cũng muốn về sớm sắm Tết, mọi khi chả lễ lạt gì mà 4 rưỡi 5h chiều là cứ lần lượt vắng chỗ dần, các anh còn rủ nhau trốn về đi nhậu, ấy thế mà hôm nay ai nấy đều ngay ngắn ngồi ôm điện thoại, chăm chỉ thấy ghê.

Tất cả chỉ vì mong chờ một tin nhắn báo về! Một tin nhắn thôi cũng đủ mang mùa xuân về với cả nghìn con người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, chức vụ thấp cao.

Kẻ khóc người cười với nỗi lòng mang tên thưởng Tết - Ảnh 1.

Xuân đã về, nhưng lương thưởng thì vẫn xa xôi làm bao người nhói lòng nhấp nhổm chốn công sở...

Ôi một chữ "Lương", khiến con người ta nôn nao còn hơn cả đón Tết. Thời điểm này thì chị "Lương" ấy đang mang bầu "song thai", đặt sẵn tên là "Lương con" và "Thưởng Tết".

Chao ơi, cùng một chị "Lương" ấy thôi, mà đẻ mỗi chỗ mỗi khác, chỗ ngon lành thì 2 đứa con ở trên "bụ bẫm" làm người ta mừng vui phát mệt, còn chỗ đìu hiu thì 2 đứa ấy sinh ra còi cọc biết bao, thậm chí còn không thể có mặt trên đời, hoặc vừa sinh ra đã phải đem... gán nợ, chẳng khác gì chị Dậu túng quẫn buộc phải bán con, bán cả đàn chó.

Chẳng nói đâu xa, sát vách nhà tôi đây. Nay lĩnh thưởng Tết xong trên đường về nghĩ vẩn vơ, tôi bật cười mấy lần khi tưởng tượng ra cảnh vợ chồng chị hàng xóm cãi nhau vì mấy khoản trả nợ với mua sắm cho 2 thằng cu con.

Chả cần phải đến Tết, cuối tháng nào cũng thấy họ quát nạt chì chiết nhau ầm ĩ suốt mấy ngày giời, cứ chồng về đưa lương là vợ bắt đầu tra hỏi: có thiếu không, có giấu "quỹ đen" không, có thưởng không, tháng này trả nốt anh A, vừa mới vay chị B...

Chắc tôi nên đổi nghề thầy bói, vì về đến đầu ngõ đã nghe tiếng chị vợ quen quen lảnh lót "thẩm vấn" chồng: "Sao thưởng năm nay của anh ít thế, năm ngoái gấp bốn lần cơ mà, anh giấu đi đâu, anh thưởng em nào trước rồi.

Có ngần này chả đủ đi chợ mấy hôm Tết, ban thờ còn chưa sắm sửa gì, thế này lấy đâu ra mà biếu ông bà với về quê thăm họ.

Anh vác xe mà đi cắm lấy tiền! Anh vay của ai mà nay có mấy người nhắn tin vào số tôi kêu giả nợ dùm anh H. không người ta đến khuân hết giường chiếu đi"...

Nhìn anh chồng vừa bắn thuốc lào vừa đờ đẫn nghe vợ chửi, mặt dại nghệch như chồng chị Dậu, tôi vừa buồn cười vừa thương.

Chắc năm nay làm ăn đói kém, công ty anh bèo bọt tháng lương thứ 13, thưởng thì được có vài trăm an ủi, đến khổ...

Sau ngày hôm nay, quả nhiên là cuộc đời lại thêm nhiều xao động. Lên facebook ngồi chưa được nửa tiếng, rất dễ "bội thực" với 10001 status khoe các khoản tiền Tết của bạn bè, người quen.

Nào là khoe "Tết rủng rỉnh lồi ví", "Tết ấm no đến hết tháng Giêng", nào là "mọi nhà vui đón xuân, còn mình vui trả nợ", xen lẫn là vài câu chửi thề kèm ảnh khoe tiền tiêu Tết "tóp teo như lão Hạc"... 100 status thì mỗi cái một sắc thái khác nhau.

Thì ra, đâu phải cứ Tết là vui, có tiền Tết về chưa hẳn đã sung sướng, nhiều người còn chẳng thèm mong lương thưởng Tết, chỉ vì... nợ nần ngang bố chúa Chổm (!)

Trong cái mớ status lộm nhộm ấy, tôi thấy le lói một câu chuyện, chả biết là vui hay buồn, vì nó kéo theo bao nhiêu người tranh cãi, khoe xem "ai vay nợ nhiều hơn", tạo thành một nỗi bi hài trùm lên suy nghĩ của hàng trăm con người đang bận rộn lo Tết.

Một bà mẹ trẻ tâm sự, thấy nhiều chị em đi làm khoe tiền thưởng Tết toàn "nguyên cục" với "nguyên cành", đem đi sắm Tết đủ thứ này kia nô nức như trẩy hội, chị cũng có xấp tiền trong tay mà chẳng đủ trả nợ trong vòng 1 nốt nhạc.

Nghe bi kịch biết bao. Cầm tiền chưa ấm tay đã phải trao ngay cho chủ nợ, có ai mà không xót, Tết đến mông rồi mà chẳng sắm sửa được gì mới, nỗi ám ảnh tiền nong khiến tâm trạng người ta trở nên chán nản đến tệ.

Nhất là với nhiều mẹ bỉm ở nhà, mẹ đơn thân hoặc công việc bấp bênh, "tiền tiêu Tết" nghe thật xa xôi. Nhà có điều kiện còn đỡ, nhưng nếu nghèo thì nhắc đến Tết chỉ thấy buồn, giống như bà mẹ trẻ ở trên vậy.

Không ngờ tâm sự cuối năm của chị lại kéo theo hàng ngàn chị em đồng cảnh ngộ, chia sẻ những câu chuyện "trả nợ Tết, túng tiền tiêu" thật éo le, đắng lòng.

Kẻ khóc người cười với nỗi lòng mang tên thưởng Tết - Ảnh 2.

Những câu chuyện thật dài và thật buồn mang tên "tiền trả nợ" và "tiền được tiêu Tết"

"Mình nợ 700 triệu, đổi lại một cái nhà và cả năm qua cày cuốc bục mặt trả người ta, sát Tết nhận thưởng ở cơ quan xong về chẳng còn xu nào".

"Không nợ nần gì ai nhưng đi làm bị quỵt tiền thưởng Tết, lương tháng bèo nhèo được mấy triệu chẳng đủ về biếu thầy u".

"Các chị nợ tiền trăm, em đây tiền tỷ, nay vừa rút tiền thưởng xong lại phải đem trả lãi cho chồng, Tết nhà em như đám ma khổ lắm ai ơi".

"Em không nợ tiền như các mẹ, nhưng cho vay 50 triệu giờ đến nhà nó quỳ xuống đòi mà nó còn chửi, kêu xù luôn cho em đói cả Tết, cuộc đời em phải làm sao đây".

Còn rất nhiều tâm sự nhói lòng của các bà vợ, chịu cảnh nợ nần vì nhiều lý do khác nhau: xây nhà, mua nhà, mua xe cộ, chồng con đánh bạc, lô đề...

Giữa không khí đón Tết ồn ào sôi nổi khắp mọi nơi, thì trong nhiều gia đình, không khí u ám khổ sở lại bao trùm, chạnh lòng xiết bao.

Đâu phải cứ cầm cả xấp tiền là sướng, đập lợn rút két ra góp vào cũng chẳng được tiêu, có cả đống món nợ phải trả, trong cuộc sống hàng ngày không thể tránh được chuyện vay mượn.

Kẻ khóc người cười với nỗi lòng mang tên thưởng Tết - Ảnh 3.

Khổ tâm nhất là những bà vợ "tay hòm chìa khóa", tiền Tết về cũng là lúc phải giải ngân...

Không chỉ các bà nội trợ, dân văn phòng cũng khổ sở trăm bề với các khoản "tiền tiêu thì ít trả nợ thì nhiều", mà lắm nơi không có thưởng Tết, nhân viên "móm", hoặc phong bì động viên chỉ đủ... trăm nghìn về quê.

Mong chờ cả năm đến mỗi ngày lãnh thưởng trước khi nghỉ Tết, ấy vậy mà đời không như mơ.

Người ăn không hết người lần chẳng ra, kẻ thì giàu sang sung sướng, tài khoản ting ting đủ mua sắm tẹt ga, kẻ thì khốn khổ vì năm hết Tết đến khắp nơi giục giã đòi tiền, bản thân thì vẫn cháy túi.

Mà phụ nữ có nhiều sở thích tốn kém như đi spa, shopping, làm tóc, móng, ăn vặt suốt ngày... nên họ kêu thiếu tiền ăn Tết cũng không có gì lạ!

Thiếu chán thì lại đi vay, thành ra cứ luẩn quẩn trong cái vòng tiền nong, Tết nhất đến nơi nhức hết cả đầu.

Trong năm muốn khất lần bao nhiêu cũng được, nhưng quan niệm là nợ nần qua mồng 1 kiểu gì cũng "dông" cả năm, chủ nợ thì muốn ăn Tết ngon còn con nợ thì sợ năm mới sẽ khổ sở đi vay đi mượn, nên ai cũng cố móc ví giải quyết hết mọi thứ sòng phẳng cho xong.

Thành ra, đem thưởng Tết về nhà, ngồi đếm đếm chia chia tí thôi, thấy "bốc hơi" thì nhiều mà giữ lại chẳng được bao nhiêu.

Ôi, cái câu chuyện lương thưởng cuối năm, rượu cũ bình mới, ngồi than thở chém gió với nhau cả ngày chắc cũng hết "nỗi lòng" cần tỏ.

Thôi thì có ít tiêu ít, có nhiều xài nhiều, miễn trong nhà có được cái bánh chưng, dăm cân thịt gà với vài ba món bánh kẹo mời khách đến chơi Tết, vậy là ấm no.

theo Trí thức trẻ


thưởng tết


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.