Nghịch lý trớ trêu của thần tượng Hàn

Một ca sĩ thuộc nhóm nhạc ít tên tuổi thú nhận, anh cảm thấy ghen tị khi nằm nhà chứng kiến đồng nghiệp bận rộn trên tivi.

Một ca sĩ thuộc nhóm nhạc ít tên tuổi thú nhận, anh cảm thấy ghen tị khi nằm nhà chứng kiến đồng nghiệp bận rộn trên tivi.

Làm việc đến kiệt sức

Nền công nghiệp giải trí ở đâu cũng khắc nghiệt. Nhưng nền âm nhạc thần tượng của Hàn còn nổi tiếng một phần bởi hệ thống làm việc điên cuồng, ép buộc ca sĩ đến mức đôi lúc họ chỉ như những cỗ máy hát. Ngoài nhiệm vụ hát hò, một ca sĩ thành công còn nhận được vô số hợp đồng quay quảng cáo, dự sự kiện, đóng phim, dẫn chương trình...

Kpop đã chứng kiến nhiều vụ kiện ầm ĩ giữa ca sĩ thần tượng và công ty quản lý. Hầu như nguyên nhân chỉ xoay quanh mâu thuẫn phân chia lợi nhuận và tình trạng bóc lột. Hồi tháng 5, nhóm nhạc mới nổi trong 2 năm trở lại đây - EXO - đã phải chấp nhận mất thành viên Kris khi anh chàng người Canada gốc Trung Quốc không thể chịu nổi lịch làm việc quần quật nên đâm đơn kiện. Đến tháng 9, một thành viên người Trung khác của EXO là Luhan đã phải lên mạng xã hội công khai tình trạng suy kiệt sức khỏe của mình. Mới đây, ca sĩ Lee Hoo của nhóm ZE:A công khai đe dọa CEO của công ty quản lý Star Empire vì tỉ lệ phân chia lợi nhuận bất công.

Luhan (EXO) trông xơ xác sau chuyến lưu diễn nước ngoài.
Luhan (EXO) trông xơ xác sau chuyến lưu diễn nước ngoài.

Fan Kpop rất quen thuộc với khái niệm “hợp đồng nô lệ”, trong đó ca sĩ thần tượng sau khi ra mắt cần làm việc chăm chỉ để bù lại số tiền đầu tư mà công ty đã bỏ ra để đào tạo và lăng xê họ. Thông thường, ca sĩ Kpop chỉ nhận được khoản lương ít ỏi mang tính tượng trưng trong vòng 2 năm, thậm chí lâu hơn nếu họ kém may mắn. Yếu tố sức khỏe sẽ không được tính tới nhiều khi áp lực cạnh tranh ngày càng đè nặng. Chuyện TVXQ, SNSD, EXO... bay tới nước khác để dự sự kiện và quay về trong ngày không còn xa lạ.

Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra

Các ông chủ Kpop luôn là đích ngắm để fan chỉ trích mỗi khi thần tượng đổ bệnh, ngất xỉu trên sân khấu hay dứt áo ra đi. Những thành viên nổi bật như Yoona (SNSD), Suzy (miss A) thường xuyên than thở và chỉ ước ao được ngủ đủ giấc, đặc biệt khi họ tham gia dự án phim truyền hình.

Những thần tượng nổi tiếng như Suzy không đủ thời gian để ngủ.
Những thần tượng nổi tiếng như Suzy không đủ thời gian để ngủ.

Nhưng điều trớ trêu là không ít người đang nhìn ngắm và ao ước được ở vào vị trí “bị bóc lột” trên. Trong vô số nhóm nhạc thần tượng thành lập mỗi năm, số thành công, có nhiều việc để làm, nhiều sô để diễn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong chương trình I Live Alone (MBC) phát sóng ngày 3/10, ca sĩ Kangnam thuộc nhóm nhạc ít danh tiếng M.I.B đã thu hút sự chú ý của công chúng, khi vô tình hé lộ đời sống bi đát của ca sĩ thuộc công ty nhỏ.

Trò chuyện với nhà sản xuất của chương trình, anh thật thà chia sẻ: “Tôi muốn được bận rộn hơn nữa. Chúng tôi không nổi tiếng lắm, nên chẳng có nhiều việc để làm. Tôi thường nằm nhà xem tivi. Tất nhiên, tôi cảm thấy ghen tị mỗi khi chứng kiến các ca sĩ khác bận bịu trên tivi”.

Kangnam được lòng khán giả Hàn nhờ sự thật thà và tinh thần lạc quan.
Kangnam được lòng khán giả Hàn nhờ sự thật thà và tinh thần lạc quan.

Kangnam ghé qua ngân hàng và sốc nặng khi được biết tài khoản của anh chỉ còn gần 3 USD (khoảng 60,000 đồng). Anh chàng vội vã hỏi nhân viên thu ngân: “Liệu có sai ở đâu không? Trước kia tôi đã có chút tiền ở trong tài khoản chứ”. Nhân viên đáp lời: “Số tiền anh từng có là 3 tháng trước rồi”.

Lúc Kangnam gọi điện cho quản lý, người này thú nhận mình còn bị âm tài khoản. Sau khi I Live Alone phát sóng, Kangnam trở nên nổi tiếng hơn nhờ thái độ lạc quan mà anh thể hiện ở cuối chương trình. Anh nhận được hợp đồng chắc chân trong 2 chương trình tạp kỹ là I Live Alone và School. Đây có lẽ là lần đầu tiên nhóm M.I.B được biết đến rộng rãi một cách tích cực như vậy, dù đã hoạt động từ năm 2011.

Nhóm M.I.B phần nào nổi tiếng nhờ câu chuyện 3 USD của Kangnam.
Nhóm M.I.B phần nào nổi tiếng nhờ câu chuyện 3 USD của Kangnam.

Câu chuyện của Kangnam và nhóm M.I.B là kịch bản thường xảy ra nhất với các công ty nhỏ. Họ không đủ tài chính cũng như quyền lực trong giới để “đẩy” gà nhà ra trước mắt công chúng nhiều như các công ty lớn. Những vị trí hàng đầu của Kpop gần như bị 3 đại gia SM, YG và JYP chiếm giữ nhiều năm nay. Rất nhiều nhóm nhạc đã không thể tỏa sáng dù chăm chỉ hoạt động nhiều năm, ra sản phẩm mới đều đặn. Chỉ khi vận may tìm đến họ, như trường hợp của Kangnam, họ mới có chút danh tiếng. Ví dụ như Girl’s Day đã từng chìm nghỉm, trước khi được công chúng “để mắt” nhờ tin hẹn hò giữa Hyeri và ca sĩ Tony Ahn (H.O.T) lớn hơn cô 16 tuổi.

Lặng lẽ tan rã

Mới đây, nhóm nhạc nam Demion đã phải tuyên bố tan rã. Họ giải thể không vì lý do mâu thuẫn nội bộ, mà chỉ đơn giản do công ty không đủ lực để tiếp tục lăng xê nhóm. Demion gồm 5 thành viên, ra mắt đầu năm 2013. Nhóm đã phát hành một mini album, và khá chăm chỉ đăng tải clip cover nhạc và vũ đạo qua YouTube.

Nhưng cái tên Demion vẫn hoàn toàn xa lạ với fan Kpop, thậm chí ở Hàn Quốc. Thành viên lớn tuổi nhât, Noh Nakkhun (1990) - đại diện nhóm để thông báo tin giải thể qua mạng xã hội. Anh xin lỗi fan vì tin buồn này, đồng thời tuyên bố 5 thành viên vẫn là bạn tốt và giúp đỡ nhau khi cần.

Tín đồ Kpop lần đầu nghe thấy tên Demion cũng là lúc họ đã giải thể.
Tín đồ Kpop lần đầu nghe thấy tên Demion cũng là lúc họ đã giải thể.

Cùng ra mắt với Demion hồi năm 2013 còn có hơn 50 nhóm nhạc khác. Con số tân binh của năm 2014 thậm chí còn nhỉnh hơn. Ngoài những gương mặt mới nổi trội được công ty lớn hỗ trợ nhiệt tình như WINNER, Red Velvet, AKMU..., đa số nhóm nhạc đều phải vật lộn với tình trạng tài chính eo hẹp, và nguy cơ giải thể lơ lửng trên đầu.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.