Ông chồng ki bo chia tài sản từ cái cốc với vợ sau ly hôn

"Con trai yêu quý, đây là tài sản bố đi lấy vợ để lại cho con. Con hãy ghi nhớ ơn bố! Đồ cổ, đồ hỏng bố để lại, đồ điện tử hại điện lắm, bố mang đi cho con đỡ tốn tiền".

Dòng tâm sự từ một người vợ trên nhóm kín của hội chị em mới đây khiến nhiều dân mạng xót xa, cùng với đó là sự "sống lại" của câu chuyện phân chia tài sản sau ly hôn.

Tài sản chia đôi kể cả... cái cốc, đôi đũa

Hôn nhân vốn là cuộc sống của tình yêu thương, trách nhiệm, hy vọng và sự thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau. Nhưng khi người ta chẳng thể vì nhau mà cố gắng, không còn muốn cùng chung đường thì đành chọn buông tay để giải thoát cho nhau.

Có những người chia tay trong bình yên, có khi còn để lại nuối tiếc trong lòng đối phương. Nhưng lại có trường hợp tan vỡ trong nỗi buồn và sự oán trách, cuộc hôn nhân của chị Hương là minh chứng cho điều đó.

Theo đó, sau khi vợ chồng chị chính thức ký vào tờ đơn ly hôn, cả hai quyết định mỗi người nuôi một đứa con, còn toàn bộ tài sản chia đôi. Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chồng chị không tự tay kê khai tài sản. 


Bản kê khai chi tiết chia đôi tài sản sau ly hôn do tự tay người chồng viết. Ảnh: FBNV.

Thực ra việc chia đôi tài sản sau khi ly hôn khá bình thường và đúng với pháp luật. Nhưng điều đặc biệt ở đây chính là sự sòng phẳng đến mức chi ly thái quá của người chồng. Anh ta đã không ngần ngại liệt kê những thứ có trong nhà, kể cả cái cốc, đôi đũa, con dao... để chia cho "công bằng".

Dù chưa thể xác minh thực hư câu chuyện này, nhiều dân mạng cho hay nếu là thật thì có lẽ đây là lần đầu tiên họ biết có một ông chồng như thế trong xã hội này.

Chua xót, đau lòng đến mức bất lực, người vợ chẳng thể làm gì khác ngoài việc tâm sự trên hội kín của chị em. Mỗi món đồ chồng để lại dù đã cũ, hỏng, chị vẫn cố tìm lý do phù hợp để an ủi rằng cha làm thế vì yêu con.

Liệu đó có phải vì sự oán trách trong chị đã đi đến giới hạn, chẳng thể nói được những lời mắng chửi?


Những tâm sự của người vợ về việc chồng cũ làm. Ảnh chụp màn hình.

Bất bình thay cho người vợ trước khả năng hoạch định chi tiết của chồng, Khánh Hòa lên tiếng: "Ông chồng này rạch ròi đến phát sợ. Bây giờ, chị hãy lọc bỏ đồ hỏng ra bố thí luôn cho lão đi chị ạ. Em đoán chắc lão cũng không muốn để lại cho chị đâu, nhưng chẳng qua phải cho vào để đủ mỗi bên 13 món đấy. Chúc mừng chị đã thoát khỏi ông chồng mặc váy".

Nhiều người cảm thấy may mắn cho nữ chính khi quyết định thoát khỏi cuộc hôn nhân này và hài hước cho rằng chắc ông chồng làm nghề kế toán hay kiểm toán gì đó nên mới có khả năng kê khai chính xác đến thế.

Đàn ông có nên nhận cả thứ nhỏ nhất trong nhà?

Phân chia tài sản sau ly hôn là việc làm phù hợp với pháp luật, những người trong cuộc được quyền đòi hỏi nếu họ thấy chưa xứng đáng với mình. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra: Người đàn ông có nên chi ly, đòi chia tất cả thứ có trong căn nhà hay không?

Bởi từ trước đến nay, không ít người vẫn ngầm mặc định chỉ những gì có giá trị lớn như đất đai, nhà cửa... mới cần nhờ tòa phân chia, còn vật dụng gia đình hay thứ có giá trị thấp, dĩ nhiên thuộc quyền sở hữu của người vợ.

Trần Tuấn (27 tuổi, TP.HCM) cho hay: "Đàn ông không nên đồng ý nhận mọi thứ khi chia tài sản sau ly hôn. Ngược lại, với bản lĩnh và cái tôi của người đàn ông, anh ta có thể để lại toàn bộ cho vợ. Trong vấn đề này, tôi nghĩ phái mạnh đừng nên đòi hỏi sự công bằng, vì vốn dĩ ngay từ khi bắt đầu, vợ đã phải chịu thiệt thòi rồi".


Những người đàn ông ki bo, ích kỉ không đáng để vợ phải luyến tiếc sau khi ly hôn. Ảnh minh họa.

Không ít người đàn ông khi ly hôn, họ chọn ra đi với hai bàn tay trắng, toàn bộ tài sản đều để lại cho vợ con. Chẳng phải vì giàu có, mà bởi họ cảm thấy mình đã có lỗi với tuổi trẻ của người mình từng gọi là vợ. Đó chỉ là một trong những điều họ muốn bù đắp lại cho cô ấy.

Là một người từng đổ vỡ trong hôn nhân, chị Thanh Vân (30 tuổi, Hà Nội) cảm thấy thoải mái vì không gặp phải rắc rồi về vấn đề phân chia tài sản sau ly hôn.

Chị Vân tâm sự: "Chúng tôi cảm thấy không còn tình cảm với nhau và quyết định chia tay trong hòa bình. Con bé ở với tôi. Ngày ra tòa, chồng tôi cũng ý định để lại toàn bộ tài sản để tôi dễ dàng trong việc nuôi bé Bống, nhưng tôi không đồng ý. Bởi tất cả đều là cả hai cùng chung sức xây dựng, anh cũng cần tiếp tục cuộc sống của anh, thế nên cuối cùng chia đôi những tài sản có giá trị lớn. Làm như vậy, tôi sẽ thấy thoải mái hơn".

Đình Mạnh (23 tuổi, Nghệ An) cho rằng phái mạnh không nên nhận và đòi hỏi chia đều cả những thứ nhỏ nhặt nhất có trong gia đình. Người chồng cũng không nhất thiết phải để lại toàn bộ tài sản cho vợ, vì dù sao đó cũng là công sức mình cùng xây dựng.

"Nên đặt vào từng trường hợp cụ thể để có quyết định phù hợp, vì dù sao cũng từng là vợ chồng, không còn tình thì còn nghĩa. Không nên lúc nào cũng chỉ biết khăng khăng làm theo luật pháp, bởi cảm tính nhiều khi lại mang lại cho mình thoải mái về tinh thần", Mạnh nói.

Hôn nhân là điều đẹp đẽ và thiêng liêng đối với tất thảy mọi người, nhưng một khi nó đã bị mắc kẹt giữa mâu thuẫn và chẳng thể cứu vãn được nữa, chia tay là lựa chọn đúng đắn. Đừng biến hôn nhân thành "nấm mồ" của tình yêu, hãy sống cho tương lai, cho những điều tốt đẹp!

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo Zing


lấy chồng ki bo

đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành

ông chồng keo kiệt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.