Maria Bueno có một bộ sưu tập danh hiệu không quá đồ sộ gồm 7 Grand Slam đơn nữ và 11 Grand Slam đôi nữ. Tuy nhiên, lịch sử vẫn phải ghi nhận Maria Bueno bởi bà là người phụ nữ Nam Mỹ duy nhất đăng quang tại Wimbledon.
![]() |
Trong 5 năm từ 1959 đến 1964, bà đã đăng quang 3 lần và được báo chí Anh thời đó gọi là Nữ hoàng Wimbledon. Riêng năm 1960, Maria Bueno đã đoạt cả 4 Grand Slam ở nội dung đôi nữ và là phụ nữ đầu tiên có được chiến tích này. Nhưng cái đáng tự hào nhất đủ khiến người ta gọi bà là thiên tài là ở chỗ Maria Bueno không “học hành” tennis đầy đủ như các gà nòi kiểu Maria Sharapova hay chị em nhà Williams hiện nay. Tất nhiên, như người ta thường nói, các thành công chỉ nhờ tố chất 10%, còn 90% là do tập luyện. Bà Maria Bueno học tennis theo kiểu tự luyện tập và phát triển cách đánh thích hợp cho riêng mình.
Cây vợt qua nhiều tay
Maria Bueno sinh năm 1939 tại Sao Paulo trong một gia đình giàu truyền thống về tennis. Cha của Maria Bueno là một doanh nhân mê chơi tennis và ông cầm vợt đến tận ngoài 80 tuổi. Trong vùng, không có mấy tay vợt nghiệp dư nào đấu được với cha Maria Bueno. Mẹ của Maria Bueno cũng là một phụ nữ mê chơi tennis và cầm trịch các chị em trong vùng.
Đã vậy, nhà của Maria Bueno lại sát vách ngay CLB tennis Regatas. Do vậy, tuổi thơ của Maria Bueno gắn liền với tennis, trong những giấc ngủ trưa thời thơ ấu thì tiếng banh tennis đã ru Maria Bueno. Với môi trường như vậy mà Maria Bueno không bị tennis ngấm vào máu mới lạ. Sự thật thì hai anh em nhà Maria Bueno đều chơi tennis từ nhỏ. Anh trai nhà Maria Bueno là Pedro cũng là tay vợt chuyên nghiệp và từng tham gia đội tuyển Davis Cup của Brazli chứ không phải đùa. Tất nhiên, sự nghiệp của Pedro không thể so sánh với Maria Bueno.
Hồi hai anh em còn nhỏ, cha mẹ Bueno dạy họ chơi tennis như một trò chơi chứ không hề nuôi ý định biến họ thành gà nòi và chinh phục các giải đấu sau này. Bằng chứng là chuyện cây vợt mà Maria Bueno chơi hồi nhỏ. Nó là một cây vợt cũ được cha của Maria Bueno chơi xong chuyển giao cho mẹ của tay vợt này. Sau đó, nó lại được chuyển cho Pedro rồi cuối cùng mới đến tay Maria Bueno. Một cô bé 7 tuổi cầm vợt tennis của người cha thì hơi phản khoa học và chính Maria Bueno cũng thừa nhận: “Ngày bé tôi luôn cầm vợt bằng hai tay vì nó thật sự rất nặng”. Nếu quả thật nhà Maria Bueno muốn con gái thành một tay vợt trứ danh thì họ sẽ không “tiết kiệm” tiền mua vợt đến như thế.
![]() |
Luyện “công phu” qua sách
Đối thủ của Maria Bueno hồi nhỏ là anh trai Pedro và đó cũng gần như là đối thủ duy nhất mà bà luyện tập thời thơ ấu. Tuy nhiên, Maria Bueno chẳng học được điều gì từ ông anh trai của mình. Pedro là một người có đức tính kiên nhẫn thì chẳng bao giờ chịu đánh tennis ngày này tháng khác với mỗi cô em gái. Còn trong tennis, Maria Bueno mô tả Pedro một tay vợt rất “cam chịu”, bà kể: “Pedro luôn di chuyển ở vạch cuối sân đánh banh sang hai góc và không bao giờ mạo hiểm”. Maria Bueno thì khác, bà đánh theo cảm hứng và thích mạo hiểm, Maria Bueno thích lao lên phía trước, lên lưới tìm chiến thắng dù như vậy cũng đồng nghĩa bà dễ bị đánh bại hơn.
Cha của Maria Bueno không nghĩ con gái sẽ trở thành một tay vợt chuyên nghiệp. Ông thích con gái trở thành giáo viên hơn nhưng cũng không ngăn cản Maria Bueno xách vợt đến CLB tennis gần nhà. Đối thủ của Maria Bueno là các tay vợt nam và bà không cảm thấy khó khăn vì đã quen chơi với ông anh suốt hồi nhỏ. Khi 10 tuổi, Maria Bueno đã thấy chẳng còn gì để học từ các tay vợt quanh vùng.
![]() |
Năm 11 tuổi, Maria Bueno dành tiền mua được một cuốn sách dạy tennis và cứ đối chiếu theo các bài hướng dẫn để tự luyện “công phu”. Năm 12 tuổi, Maria Bueno thắng giải đầu tiên ở địa phương và năm 14 tuổi, thắng giải trẻ Brazil. Năm 17 tuổi, Maria Bueno lần đầu tiên xuất ngoại đển nuôi giấc mơ chinh phục thế giới.
Bà không thèm ngửa tay xin tiền gia đình mà dám một mình sang Mỹ bằng vé một chiều (tiền do các thành viên CLB tennis Regatas quyên góp). Nếu không thắng tại giải Florida để có tiền thì Maria Bueno sẽ phải đi ăn xin để mua vé trở lại Brazil. Cũng may, Maria Bueno không phải ăn xin trên đất Mỹ.
“Cô gái đến từ Amazon”
Năm 18 tuổi, Maria Bueno sang châu Âu và đăng quang tại giải Ý. Bà di chuyển rất nhiều tại châu Âu trong thời gian đó bằng tàu hỏa để đánh giải và rất thành công. Năm 20 tuổi, Maria Bueno có Grand Slam đầu tiên khi đoạt Wimbledon cả đơn lẫn đôi. Báo chí châu Âu chú ý đến “cô gái đến từ Amazon” và họ tìm hiểu ai là người đứng sau chiến thắng của Maria Bueno. Họ muốn biết tên HLV của Maria Bueno nhưng nhanh chóng thất vọng vì chẳng tìm ra ai. Một tay vợt có thể đi lên đỉnh cao vinh quang mà không cần người dẫn đường là điều không tưởng.
![]() |
Với Maria Bueno, người dẫn đường cho bà chính là bản thân và đối thủ. Sau mỗi thất bại, Maria Bueno nghiêm túc xem lại nguyên nhân khiến mình chơi không tốt và điều chỉnh để lần sau chơi tốt hơn. Một điều đặc biệt chỉ có ở phẩm chất thiên tài của Maria Bueno là bà học lỏm rất nhanh từ đối thủ những chiêu phù hợp với bản thân. Nhờ đó, Maria Bueno đã thật sự thống trị làng tennis thế giới trong cuối thập niên 50 và nửa đầu thập niên 60.
Cũng chính tố chất giỏi bắt chước đó là Maria Bueno học ngoại ngữ cực nhanh. Chẳng cần qua trường lớp nào mà chỉ học ngoại ngữ qua phim ảnh và giao tiếp mà Maria Bueno có thể nói tốt tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp và một số ngôn ngữ khác. Một phụ nữ siêu phàm. Sau này, thế giới tennis có thể sản sinh ra nhiều tay vợt xuất chúng nhưng chắc chắn không ai dị biệt và thành công như Maria Bueno.