
Tôi và chồng đều làm văn phòng. Lương không cao nhưng cũng đủ sống và lo cho hai con nhỏ học hành, ăn uống, sinh hoạt. Chúng tôi còn đang vay ngân hàng mua căn hộ chung cư trả góp hàng tháng. Ấy vậy mà tháng nào mẹ chồng cũng bắt chồng tôi gửi 5 triệu đồng “gọi là cho mẹ tiêu vặt”, dù bà đang hưởng lương hưu gần 13 triệu và hoàn toàn không có bất kỳ khoản chi lớn nào. Bà không ốm đau, không nuôi ai, sống một mình trong căn nhà tổ ở quê, gạo mắm đều có sẵn, thỉnh thoảng còn được họ hàng cho thêm rau, cá.
Tôi từng nhẹ nhàng góp ý với chồng rằng:“Anh cứ chu cấp cho mẹ đều đặn nhưng nên tùy tình hình tài chính gia đình. Mình đang gánh nặng nhà cửa, hai đứa nhỏ còn quá nhiều thứ phải lo”. Nhưng chồng tôi lại gạt đi: “Thôi em ạ, mẹ anh nói ra nói vào là anh đau đầu lắm. Bà cứ kêu anh bất hiếu, nào là ‘nuôi con lớn rồi giờ nó bơ mẹ’, anh không chịu được áp lực.” Tôi im lặng. Không phải vì tôi không thương mẹ chồng, mà vì tôi thấy bất công.

Tôi biết, nhiều người sẽ bảo: "Có hiếu là tốt, phụng dưỡng cha mẹ là nghĩa vụ." Tôi đồng ý. Nhưng phụng dưỡng là chăm lo khi cha mẹ thật sự cần, là quan tâm khi ốm đau, tuổi già, là hỏi han, động viên. Còn đây, mẹ chồng tôi coi tiền chu cấp như một “nghĩa vụ bắt buộc”, thiếu một ngày là trách móc. Có lần, cuối tháng chồng tôi lỡ chuyển chậm 2 ngày vì ngân hàng lỗi app, bà đã gọi điện mắng ngay: “Lương lậu thì về rồi, có mẹ thì không lo. Mẹ còn sống mà các con coi như đã chết. Bất hiếu không ai bằng!” Tôi nghe mà sững người.
Tôi thương chồng tôi. Anh là người sống nội tâm, lại sợ mẹ giận, nên cứ cắn răng chịu trận. Nhưng dần dần, điều ấy làm cuộc sống vợ chồng tôi thêm áp lực. Chúng tôi phải thắt chặt chi tiêu, không dám cho con học thêm gì nhiều, đi đâu chơi cũng phải tính toán từng đồng. Thậm chí có tháng trả tiền ngân hàng xong là gần cạn ví, nhưng anh vẫn cố vay bạn chuyển mẹ cho “đúng hạn”. Tôi giận không phải vì số tiền 5 triệu. Tôi giận vì cách mẹ chồng đặt vấn đề như thể đó là điều “đương nhiên”, như thể chúng tôi sống dư dả, giàu có lắm vậy. Bà chưa một lần hỏi: “Tháng này các con có vất vả không?”, hay “Bọn trẻ học hành ra sao, thiếu gì không?” Bà chỉ quan tâm: “Chuyển chưa?”
Đỉnh điểm là tháng trước, con tôi ốm phải nhập viện mấy ngày, tiền viện phí tốn kém, chồng tôi xin mẹ khất vài hôm, sẽ gửi muộn. Bà im lặng. Tưởng bà hiểu. Nhưng chỉ vài tiếng sau, bà đăng một dòng trạng thái dài lê thê trên Facebook: “Nuôi con khôn lớn để rồi khi già cả bệnh tật, gọi không thèm nhấc máy, hỏi thì im lặng, tiền thì phải đợi xin mới có. Thôi, coi như kiếp này sống thừa...” Bạn bè, họ hàng đọc được, người thương thì hỏi han, người ngoài thì bàn tán, khiến tôi và chồng như ngồi trên đống lửa. Lúc ấy, tôi muốn bật khóc vì ấm ức.
Tôi không muốn tách rời mẹ chồng khỏi cuộc sống vợ chồng con cháu. Nhưng tôi nhận ra: không phải cứ mẹ chồng nàng dâu là mâu thuẫn, mà nhiều khi chính sự ép buộc, thiếu cảm thông lại giết chết sự gắn bó trong gia đình. Tôi ước gì mẹ hiểu chúng tôi không thiếu tình thương, chỉ thiếu sự chia sẻ. Nếu bà nhẹ nhàng hơn, hiểu cho các con hơn, tôi sẵn sàng gửi nhiều hơn con số 5 triệu ấy không phải vì nghĩa vụ, mà là vì yêu thương.

Theo Thương Trường