Thấy bất thường ngay lúc pha sữa
Thời gian qua, khi đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả bị phanh phui cũng là lúc, nhiều mẹ bỉm sữa tá hỏa phát hiện lon sữa mà mình tin tưởng mua cho con với hy vọng bé cao lớn, khỏe mạnh, tăng sức đề kháng,... lại là sữa giả.
Chị L.C. (ở Thái Bình) cảm thấy áy náy với con, tự trách bản thân rất nhiều khi biết đã không may cho con uống sữa giả. Theo nguồn tin trên báo Dân Trí, chị C. chia sẻ mua sữa cho con tại một cửa hàng tạp hóa với mức giá không hề rẻ. Trước những lời tư vấn “bùi tai” của người bán, chị C. mua cho con loại sữa M79 Gold Kid Baby, loại sữa nằm trong danh sách sữa giả vừa bị phanh phui.
Bản thân chị C. vốn là người có kinh nghiệm nuôi con bằng sữa ngoại. Con gái lớn của chị dùng một hãng sữa nổi tiếng của Đức đến năm 3 tuổi. Đến con trai thứ 2, chị C. cho con dùng một loại sữa khác đến từ thương hiệu lớn.

Sản phẩm sữa bột M79 Gold Kid Baby nằm trong danh sách gần 600 loại sữa giả.
Nhưng trong lần mua sữa gần đây, người bán nói rằng loại sữa mà con trai chị đang dùng “không có canxi, trẻ không hấp thụ được” và tư vấn sang loại M79 Gold Kid Baby, kèm lời quảng cáo: Dùng cho trẻ suy nhược cơ thể, biếng ăn, mới ốm dậy,...
Khi pha loại sữa này cho con uống, chị C. đã hơi nghi ngờ vì thấy nổi váng, song lại nghĩ sữa xịn phải khác nên vẫn cho con uống. Chị C. hiện rất lo lắng khi con mới chỉ vài tháng tuổi, hệ tiêu hóa còn non nớt, lỡ không may trong sữa có chất độc hại thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, sự phát triển của bé sau này?
Mất tiền triệu mỗi tháng mua phải sữa giả
Chung cảnh ngộ với chị C. là chị H.T.T. (43 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội). Kể với Chuyên trang Gia đình & Xã hội, chị T. cho biết có một bé trai 3 tuổi và rất chú trọng dinh dưỡng cho con, nhất là trong giai đoạn bé biếng ăn, chậm tăng cân.
Vì tin tưởng vào các thương hiệu lớn và tiện lợi khi mua hàng online, chị T. đã chi hàng triệu đồng mỗi tháng để mua sữa Cilonmum cho con.
Khi biết Cilonmum nằm trong danh sách sữa giả, người mẹ choáng váng. Bởi sản phẩm có bao bì đẹp, có mã vạch, tem chống giả, nắp lon giống các sản phẩm hàng thật nên chị chưa bao giờ nghĩ lon sữa mình mua là sữa giả.

Diễn viên Doãn Quốc Đam đã lên tiếng xin lỗi khi quảng cáo sản phẩm sữa giả.
"Tôi từng nghĩ nếu có sữa giả thì chắc chỉ lừa ở vỉa hè, chợ đen nhưng giờ thì tôi hiểu, sữa giả không chỉ tinh vi, mà còn đánh vào lòng tin của người tiêu dùng. Chúng tôi không thể phân biệt được đâu là thật - đâu là giả bằng mắt thường", người phụ nữ nói.
Hiện tại, người mẹ này đang rất hoang mang, không biết con đã hấp thụ thứ gì trong suốt thời gian qua và có ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bé hay không?
Hậu quả của việc dùng sữa giả
Trao đổi trên Vnexpress, PGS.TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, sữa là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng phổ biến, đặc biệt với trẻ nhỏ. Việc sử dụng sữa giả không bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất gây nguy cơ cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển đối với trẻ.
Đặc biệt hậu quả sẽ còn nghiệm trọng hơn với trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu hoặc sống phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa.
Nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chất phụ gia không được kiểm soát trong sữa giả gây nhiều rủi ro cho người dùng như: Dị ứng, ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa. Về lâu dài, cơ thể tích lũy kim loại nặng, chất độc, ảnh hưởng nội tiết và phát triển thần kinh, nhất là ở trẻ em.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam thông tin thêm, hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì sữa giả khiến nhiều người lầm tưởng nên không bổ sung từ các nguồn thực phẩm khác.

Theo Người đưa tin