Tôi giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng xé lá chuối khô xoèn xoẹt ngoài sân vọng vào. Có lẽ cũng đã khuya lắm rồi.

Ánh trăng thượng tuần đã chênh chếch mái nhà, hắt qua khung cửa sổ một vừng sáng lung linh, mang theo vô số những chùm hoa in trên nền nhà ẩm ướt hơi sương. Không khí dịu mát hơn bởi những cơn gió khẽ ào qua rất nhanh, khua lùng bùng vườn chuối sau nhà. Mẹ đang ngồi lúi húi sắp lại những cọng rau ngót vừa mới cắt, còn tươi nguyên, lá vẫn đẫm sương đêm vào thành từng bó. Có lẽ mẹ đã dậy được một lúc lâu rồi, tôi thấy mẹ có vẻ mệt mỏi với những bó rau ngót rải đầy bên thềm hiên vằng vặc ánh trăng suông.
- Mẹ dậy sớm thế ạ ?
Tôi sà xuống bên mẹ, sắp giúp mẹ những bó rau còn vứt ngổn ngang. Mẹ vươn vai một cái rồi nhìn tôi lo lắng:
- Sao con không ngủ nữa đi? Ra đây làm gì, sương đêm độc lắm đấy. Sáng mai lại lên trường rồi, đi tàu xe sẽ rất mệt, cố mà ngủ thêm để lấy sức con ạ.
Tôi không trả lời mẹ nhưng thực sự tôi rất tỉnh táo. Từ lúc tỉnh giấc, tôi đã cố dỗ mình ngủ lại mà không làm được. Có lẽ cái không khí trong lành, yên ả của làng quê đã làm cho tôi thao thức khi tôi đã quen với những giấc ngủ mệt mỏi trong tiếng ồn ào, gầm rú của xe cộ, sau một ngày học hành và làm việc căng thẳng.
Mẹ không nói gì nữa, với tay lấy thanh giang và con dao giắt trên mái nhà xuống, tước thêm mấy sợi lạt mềm để bó một ít lá chuối khô mà lúc nãy khi tước rau ngót, mẹ đã tiện thể cắt được. Mẹ làm thoăn thoắt, mềm mại như một người nghệ sĩ xiếc đang biểu diễn những ngón tuyệt kỹ của mình. Bàn tay mẹ thâm sì nhựa rau, bị dao cứa nham nhở. Dưới ánh trăng lung linh, bàn tay gầy guộc ấy như chợt sáng lên rạng rỡ. Thấy tôi cứ loay hoay buộc lá chuối, trông lóng nga lóng ngóng sợ sẽ làm rách hết những tàu lá lành, mẹ liền đỡ lấy:
- Thôi, để đấy mẹ làm cho. Gớm, chúng mày chỉ có ăn là giỏi thôi, chẳng làm được việc gì cả.
Rồi như để giải thích về những bó lá chuối khô này, mẹ thủng thẳng:
- Chỗ này để mang ra bà An đổi bánh rán. Mẹ biết là mày thích ăn bánh rán nhất nên mỗi lần đi chợ, mẹ vẫn mang lá chuối khô để đổi bánh rán cho mày. Lá chuối bây giờ bán cũng được chứ không như trước đây thì chỉ để đun bếp thôi.
Mẹ nói, tay vẫn cần mẫn, đều đặn làm việc. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng khi làm mới biết nó vất vả, nhọc nhằn. Tôi giúp mẹ xếp những mớ rau đã bó xong, dồn vào một chỗ, bưng chậu nước vẩy đều lên cho rau tươi hơn. Mặt trăng chợt méo đi rồi vỡ oà thành từng mảnh vụn, loang loáng trong chậu nước tôi đang bưng, khi tôi tưới lên những bó rau thì nước trở thành màu vàng sóng sánh. Những lá rau ngót xanh non như ngóc đầu cả dậy, hớp lấy hớp để những giọt nước màu vàng tinh khiết ấy.
Tôi hỏi mẹ:
- Rau ngót bán có đắt không hả mẹ?
Mẹ chợt dừng lại, cầm mớ rau ngót vừa bó xong, ngắm nghía một chút rồi quẳng vào chỗ rau tôi đang tưới nước:
- Cũng chỉ được một trăm một bó thôi.
- Sao rẻ thế ạ? Ở trên trường con, bó rau chỉ bé bằng một phần ba bó này thôi, mà lại già và lắm sâu nữa chứ. Thế mà cũng bán được năm trăm đồng một bó đấy.
- Ờ, thì thành phố với quê phải khác nhau chứ, ở quê nhà nào mà chả trồng rau. Được hôm phiên chợ hoặc là lúc đầu vụ, cuối vụ, rau rậm còn đắt hàng một tí, chứ ngày thường có ngồi chật vật cả ngày mới bán hết gánh rau. Mà con mang một ít lên đấy ăn, đỡ phải mua. Rau ở nhà an toàn hơn rau ở trên đó vì họ phun thuốc trừ sâu và thuốc kích thích đấy. Nếu có mua rau thì nhớ phải ngâm nước muối đấy.
Tôi ngồi xuống nền bê tông bóng nhẫy của thềm hiên mát lạnh. Tôi vẫn có cái thú ngồi phệt như thế khi ở nhà. Gió đêm đung đưa mấy rặng tre ngoài đầu ngõ cót ca cót két như đưa võng. Bên cạnh, thằng em trai của tôi vẫn đang nằm co quắp ngủ vì gió sớm mang theo hơi sương lành lạnh. Thỉnh thoảng, muỗi đốt vào chân làm nó giật mình, gãi sột soạt mấy cái rồi lại lăn ra ngủ. Nó ngủ ngoài ấy với mẹ suốt từ chập tối. Ở quê, vào những ngày hè nóng nực, nhà nào cũng trải chiếu nằm ngủ ngoài hiên cho mát, dễ ngủ. Bây giờ tuy có điện nhưng chẳng mấy nhà có quạt điện. Điện thì đắt đỏ, lại yếu nữa, bóng thì đỏ quạch, quạt chạy lờ đờ mà điện cũng rất hay bị mất nên cũng chả ai muốn dùng. Mới lại có dùng quạt điện ở trong nhà thì nhà cũng nóng hầm hập như cái lò lửa ấy, càng quạt càng khó ngủ hơn.
Mẹ vừa bó rau, vừa để ý trông chừng muỗi cho em. Thỉnh thoảng thấy nó cục cựa, mẹ lại cầm quạt nan phe phẩy mấy cái là nó ngủ ngon lành.
Tôi bảo mẹ:
- Bán rau cực nhọc như thế này mà chẳng được bao nhiêu. Hay mẹ nghỉ đi mẹ.
Mẹ chợt dừng tay, mắt nhìn xa xăm như đang nghĩ ngợi về một điều gì đó. Lát sau mẹ quay sang tôi:
- Con đừng lo cho mẹ. Hãy lo cho sức khỏe của con. Sắp thi cử rồi, vất vả lắm đấy. Những công việc này mẹ quen rồi.
Tôi biết mẹ nói vậy chỉ vì thương tôi, lại sợ tôi lo cho mẹ, chứ sáng nào cũng phải dậy sớm như thế, không vất vả sao được. Với lại ở quê tôi cũng chẳng có việc gì làm thêm ngoài việc đó. Năm tôi vào đại học, mẹ mừng thì ít, lo thì nhiều. Bao nhiêu đêm mẹ không thể ngủ được. Mẹ đã phải tất tả ngược xuôi để kiếm đủ tiền cho tôi nhập học. Ngày nhận được giấy gọi, tôi vẫn đi làm xa vì sau ngày thi đại học trên Hà Nội về, tôi đã theo anh Hân đi làm tận Quảng Ngãi nên mẹ đã đi làm giấy tờ cho tôi, xong mới gọi tôi về. Ngày ấy, mẹ gầy rộc hẳn đi nhưng vẫn làm cho mọi người vui vẻ bằng việc tổ chức liên hoan, ăn mừng cho tôi thi đỗ đại học. Sau khi tôi nhập trường, mẹ gục hẳn, ốm dai dẳng và xanh xao nhưng nhất định không cho bố tôi và anh em trong nhà báo tin cho tôi biết. Mãi hai tháng sau, tôi về thăm nhà thì mẹ tôi đã khỏe. Biết chuyện, tôi trách mẹ nhưng mẹ chỉ cười: "Thời tiết thay đổi mẹ chỉ mệt một chút thôi mà".
Mẹ chợt hỏi làm tôi giật mình:
- Con đã tổ chức sinh nhật bao giờ chưa?
Tôi ngạc nhiên nhìn mẹ với cái nhìn đầy dò xét. Chưa bao giờ mẹ quan tâm đến ngày sinh của chúng tôi. Ngay cả đợt tôi thi đại học, tôi hỏi mẹ ngày sinh của tôi, mẹ còn chẳng nhớ nữa là. Tuy thắc mắc vậy nhưng thấy mẹ vẫn bình thản làm việc, tôi trả lời thật thà:
- Chưa mẹ ạ.
Mẹ nhìn tôi cười:
- Mẹ xem trên ti vi thấy sinh viên tổ chức sinh nhật vui ghê. Chắc là tốn kém lắm phải không con?
- Vâng! Tốn kém lắm mẹ ạ. Có xoàng xĩnh lắm với những người bạn thân cũng phải mất hơn trăm nghìn đồng. Còn làm to thì chẳng biết bao nhiêu cho đủ.
Mẹ bỏ vào nhà. Dáng đi của mẹ lúc nào cũng tất bật như đang bận trăm công, nghìn việc vậy. Tôi càng nghĩ, càng thấy thương mẹ hơn. Dù sao không thể tháng nào tôi cũng vô tư lấy tiền của mẹ mà không nghĩ ngợi gì.
Tiếng gà gáy vang lên ở phía xóm dưới rồi lan nhanh khắp nơi. Sắp sáng rồi. Mẹ đong đầy một bình nước, treo lủng lẳng phía sau quang gánh. Mẹ lại chỗ tôi, đưa cho tôi số tiền chi phí hàng tháng. Tháng này mẹ lại cho nhiều hơn tháng trước. Tôi cầm số tiền mẹ cho một cách vô thức. Mẹ nhẹ nhàng sửa lại cổ áo cho tôi:
- Sắp sáng ngày rồi, mẹ phải đi chợ đây. Con lên trường nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng tằn tiện quá rồi ốm lăn ra đấy thì khổ lắm con ạ.
Mẹ tất tả gánh hàng đi chợ, lẫn dần trong hơi sương buổi sớm.
Xe khách chuẩn bị lăn bánh tôi mới thấy mẹ hớt ha hớt hải chạy len giữa dòng người trên bến xe. Mẹ đưa cho tôi túi bánh rán:
- Đây là thứ bánh con thích ăn nhất đấy. Cầm lấy đi đường mà ăn. Lần này về, mẹ bận quá nên không làm bánh được. À, mẹ để thêm tiền trong túi bánh đấy. Ngày kia sinh nhật con rồi, cố gắng tổ chức một buổi sinh nhật vui vẻ nhé.
Những câu nói cuối cùng của mẹ lẫn trong tiếng còi xe inh ỏi. Xe khách chuyển bánh rồi mà tôi vẫn cứ ngồi đờ ra không nói được câu gì. Vừa ngạc nhiên, vừa thương mẹ. Hình như tôi khóc. Tôi cảm thấy cổ mình vừa có giọt nước mắt rơi xuống lành lạnh. Mẹ sợ đưa tiền trước cho tôi, tôi sẽ từ chối nên phải làm như vậy. Có lẽ từ lần làm hồ sơ cho tôi, mẹ đã nhớ ngày sinh của tôi cho đến tận bây giờ. Tôi vội nhoài người ra ngoài cửa sổ, ngoái lại đằng sau. Chiếc xe khách chạy xa rồi tôi vẫn còn thấy mẹ đang đứng giữa bến xe, giơ nón vẫy vẫy. Trên gương mặt của mẹ ánh lên niềm hạnh phúc từ nụ cười mãn nguyện.
Theo YUME