Bình nóng lạnh có tự vệ sinh được tại nhà không? Việc quan trọng nhưng không phải ai cũng để ý

Là thiết bị thường xuyên được sử dụng trong gia đình nhưng bình nóng lạnh lại không mấy được chú ý đến vấn đề vệ sinh.

Mùa đông đến, nhu cầu sử dụng bình nóng lạnh trong các gia đình có dấu hiệu tăng cao. Bình nóng lạnh sẽ giúp cung cấp nước nóng đến các vòi nước được kết nối với thiết bị trong nhà. Có thể kể tới như vòi hoa sen, vòi bồn rửa mặt, vòi bồn rửa bát... 

Trung bình mỗi gia đình hiện đại hiện nay đều sở hữu ít nhất 1 chiếc bình nóng lạnh và sử dụng hàng ngày. Quen thuộc sử dụng là vậy nhưng có một công việc với thiết bị không mấy được người dùng để tâm, đó là việc vệ sinh bình nóng lạnh. 

Bình nóng lạnh có tự vệ sinh được tại nhà không? Việc quan trọng nhưng không phải ai cũng để ý-1
Bình nóng lạnh là thiết bị thường xuyên sử dụng trong nhà nhưng ít khi được vệ sinh (Ảnh minh hoạ)

Các chuyên gia đánh giá, bình nóng lạnh nên được vệ sinh từ 1-2 lần/năm. Và người dùng hoàn toàn có thể tự vệ sinh bình nóng lạnh tại nhà bằng một số thao tác đơn giản. 

Các bước vệ sinh bình nóng lạnh tại nhà 

Dưới đây là các bước vệ sinh bình nóng lạnh được các chuyên trang của các nhà sản xuất và phân phối hướng dẫn. Người dùng có thể dựa trên hướng dẫn này để thực hiện vệ sinh bình nóng lạnh tại nhà mình. 

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ

Công đoạn đầu tiên trong các công việc cần thực hiện để vệ sinh bình nóng lạnh là chuẩn bị một số dụng cụ cần thiết. Các nhóm dụng cụ được các chuyên gia chỉ ra bao gồm dụng cụ tháo lắp, dụng cụ vệ sinh và các dụng cụ thay thế (nếu cần thiết). Cụ thể, dụng cụ tháo lắp có bút thử điện, băng dính diện, cờ lê, mỏ lết, tua vít, kìm, kéo... Dụng cụ vệ sinh là dung dịch tẩy rửa cặn canxi bên trong thiết bị. Còn những dụng cụ thay thế là các bộ phận bên trong bình nóng lạnh như thanh đốt, thanh magie, gioăng... Khi mở bình nóng lạnh ra kiểm tra, nếu những bộ phận đã xuống cấp quá nghiêm trọng, không thể vệ sinh sạch hoàn toàn, người dùng sẽ phải thay thế. 

Bình nóng lạnh có tự vệ sinh được tại nhà không? Việc quan trọng nhưng không phải ai cũng để ý-2
Một số dụng cụ cần thiết khi vệ sinh bình nóng lạnh (Ảnh Công ty Bảo Minh)

Bước 2: Ngắt nguồn điện vào thiết bị

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết, người dùng cần ngắt nguồn điện vào thiết bị. Bước này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho chính người dùng cũng như thiết bị trong suốt quá trình vệ sinh. 

Việc ngắt điện nên được thực hiện bằng thao tác tắt aptomat hoặc rút điện bình nóng lạnh. Để chắc chắn nguồn điện đã được ngắt hoàn toàn khỏi thiết bị, người dùng cũng có thể sử dụng bút thử điện để kiểm tra. 

Bước 3: Tháo dỡ bình nóng lạnh 

Với những chiếc bình nóng lạnh gián tiếp, bình chứa nước lớn thường được cố định trên tường nhà tắm, nhà vệ sinh. Để việc vệ sinh diễn ra thuận tiện nhất, người dùng cần tháo dỡ bình nóng lạnh xuống mặt đất. Cách thực hiện đó là sử dụng các dụng cụ như kìm, cờ lê, để tháo các ốc ở khu vực các dây cấp nước. Sau đó mở van để xả hết nước bên trong bình ra ngoài. 

Sau khi nước trong bình chứa được xả hết, người dùng nhấc bình ra khỏi vị trí ban đầu một cách từ tốn, cẩn thận và đặt dưới sàn nhà khô ráo để tiến hàng về sinh sâu bên trong thiết bị. 

Bình nóng lạnh có tự vệ sinh được tại nhà không? Việc quan trọng nhưng không phải ai cũng để ý-3
Xả toàn bộ nước khỏi bình chứa của bình nóng lạnh (Ảnh minh hoạ)

Bước 4: Tháo một số bộ phận của thiết bị

Một số dòng bình nóng lạnh, đặc biệt là các dòng bình nóng lạnh đời mới sẽ có các núm vặn điều chỉnh nhiệt độ nước ngay trên bề mặt thiết bị. Trước khi vệ sinh, người dùng cần tháo các núm vặn này cùng tấm ốp bao gồm phần mạch điện điều chỉnh bên trong. Bước này sẽ giúp mạch điện không bị ướt trong quá trình sục rửa bình nóng lạnh.

Nếu thiết bị có bộ phận rơ-le bảo vệ kép, cũng cần tháo để đảm bảo các giắc cắm ở rơ-le và chân sợi đốt không bị dính nước. 

Một số bộ phận khác người dùng cần tháo để kiểm tra kỹ trước khi vệ sinh toàn bộ bình nóng lạnh có thể kể tới đó là thanh đốt và thanh magie. Đây là 2 bộ phận được xem là quan trọng nhất của chiếc bình nóng lạnh, quyết định việc thiết bị có hoạt động hiệu quả và an toàn hay không. 

Bình nóng lạnh có tự vệ sinh được tại nhà không? Việc quan trọng nhưng không phải ai cũng để ý-4
Nếu bình nóng lạnh có bảng mạch kèm nút điều khiển trên bề mặt thiết bị, cũng cần tháo rời trước khi vệ sinh (Ảnh MediaMart)

Bình nóng lạnh có tự vệ sinh được tại nhà không? Việc quan trọng nhưng không phải ai cũng để ý-5
Thanh đốt và thanh magie của thiết bị cũng cần tháo rời để kiểm tra, vệ sinh hoặc thay thế (Ảnh Karofi)

Nếu phát hiện ở thanh đốt và thanh magie bị đóng nhiều cặn oxy, có thể ngâm các bộ phận trong nước ấm để vết bẩn mềm ra, rồi vệ sinh bằng nước sạch. Hoặc vệ sinh bằng các dung dịch tẩy cặn chuyên dụng. Song khi thấy các thanh đã bị ăn mòn trên 60% thì tốt nhất người dùng nên thay mới. 

Bước 5. Sục rửa bên trong bình nóng lạnh 

Bước thứ 5, gần như là công đoạn cuối cùng của công việc vệ sinh bình nóng lạnh, đó là người dùng tiến hành sục rửa bên trong thiết bị. Các chuyên gia khuyên rằng, tốt nhất người dùng hãy sử dụng dung dịch tẩy cặn chuyên dụng, đưa vào trong thiết bị, sục rửa và tráng lại cho đến khi nước xả ra có màu trong, không còn cặn bẩn. 

Với phần vỏ bình, chỉ cần dùng khăn mềm, ẩm lau sạch lớp bụi xung quanh là được.

Bình nóng lạnh có tự vệ sinh được tại nhà không? Việc quan trọng nhưng không phải ai cũng để ý-6
Công đoạn cuối cùng là sục rửa bình nóng lạnh (Ảnh minh hoạ)

Sau khi đảm bảo mọi công đoạn vệ sinh đã được hoàn thành, người dùng lắp lại các bộ phận như ban đầu, bao gồm các bảng mạch điều khiển, núm điều khiển và các loại dây dẫn, ốc vít và đưa bình nóng lạnh về vị trí ban đầu. Khi các đường ống nước đã được nối lại, mở nguồn nước, bật nguồn thiết bị để chạy thử. 

Vì sao cần vệ sinh bình nóng lạnh?

Nhiều người dùng thường bỏ qua công việc vệ sinh bình nóng lạnh. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là một công việc vô cùng quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của thiết bị cũng như chất lượng nước người dùng sử dụng. Các chuyên gia phân tích, bình nóng lạnh lâu ngày không được vệ sinh còn có thể gây tốn điện hơn, mất an toàn khi sử dụng hay các bộ phận bên trong nhanh hư hỏng. 

Nếu gia đình không tự tin vào kiến thức cũng như kỹ năng của bản thân để tự vệ sinh bình nóng lạnh, cũng có thể liên hệ tới các đơn vị sửa chữa thiết bị hoặc đơn vị phân phối thiết bị.

Bình nóng lạnh có tự vệ sinh được tại nhà không? Việc quan trọng nhưng không phải ai cũng để ý-7
Việc kiểm tra, vệ sinh bình nóng lạnh người dùng có thể tự thực hiện hoặc nhờ tới các đơn vị sửa chữa chuyên nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Dưới đây là một số dấu hiệu báo hiệu người dùng cần vệ sinh bình nóng lạnh nhà mình:

- Thiết bị mất nhiều thời gian hơn để làm nóng nước.

- Nhiệt độ nước nóng không đạt được như mức cài đặt.

- Nước nóng khi sử dụng nhanh hết hơn bình thường.

- Hệ thống đèn báo trên bình không phát sáng.

- Máy phát ra tiếng ồn khi vận hành.

- Máy đã sử dụng được thời gian dài, nước cho ra không được trong, có màu vàng đục.

Theo Đời sống và Pháp luật

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/binh-nong-lanh-co-tu-ve-sinh-uoc-tai-nha-khong-viec-quan-trong-nhung-khong-phai-ai-cung-e-y-a394506.html

bình nóng lạnh

mẹo vặt gia đình


Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp
Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.