18 tấm vé tham dự chính thức Thế vận hội London của đoàn thể thao Việt Nam đều để lại những sự khâm phục.

Trong thi đấu thể thao, những thành công luôn phải đánh đổi. Với các môn Olympic, môi trường cạnh tranh càng khắc nghiệt hơn. Thế mới thấy, việc thể thao Việt Nam đoạt tới 18 tấm vé tham dự Olympic là một thành tích ngoài mong đợi. Lần đầu tiên sau nhiều lần tham dự, thể thao Việt Nam lại có nhiều tấm vé tham dự bằng cửa chính thức đến thế. Những tấm vé đều được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu nơi thao trường của các VĐV, các đội tuyển.

Ngân Thương, "búp bê" của làng thể dục dụng cụ Việt Nam đã phải đánh đổi rất nhiều thứ để có được thành công như ngày hôm nay. Những chuyến tập huấn hàng năm trời nơi xứ người, hàng chục chấn thương các loại từ quá trình tập luyện, thi đấu, rồi những sức ép, những thất bại, không phải là điều dễ dàng vượt qua với bất cứ VĐV nào. Có bước qua những khó khăn mới đo được nghị lực của mình.

Thế nhưng, ngay cả đến bây giờ, Ngân Thương vẫn còn đánh đổi quá nhiều thứ với cái nghiệp VĐV mà cô đang theo đuổi. Ngân Thương vừa tái phát chấn thương, mẻ xương mắt cá trái phải về nước để điều trị. Bác sỹ khuyên cô nên mổ nhưng nếu phẫu thuật, nhanh nhất cũng phải đến tháng 8 mới có thể tập luyện bình thường, trong khi Olympic sẽ diễn ra vào cuối tháng 7. Được tham dự Olympic là ước mơ cháy bỏng của mỗi VĐV, suốt 4 năm qua Ngân Thương đã nỗ lực không mệt mỏi mới có được như ngày hôm nay. Chính vì thế, cô xác định dù có bị tàn tật suốt đời nhưng vẫn quyết không đầu hàng chấn thương

Trong đội tuyển thể dục dụng cụ, Ngân Thương không phải là VĐV duy nhất luôn cho thấy những nghị lực phi thường. Một Hà Thanh tập luyện đằng đẵng 14 năm mới có tấm vé lịch sử tham dự Olympic, một Phước Hưng cột sống đã bị ăn mòn hết hai đốt, đi bị gù lưng, ngủ phải nằm co tròn người cho đỡ đau và sự nghiệp thể thao coi như đã chấm hết, vậy mà Hưng vẫn trở lại ấn tượng với tấm vé chính thức tham dự Thế vận hội.

Không chỉ Thương, Thanh, Hưng, những gương mặt còn lại, cũng mang tới rất nhiều hình ảnh đẹp của các VĐV Việt Nam. Ánh Viên (bơi) đoạt vé khi mới bước sang tuổi 16. Diệu Linh (teakwondo), Nguyễn Thị Lụa (vật) phải nhập viện ngay sau khi đoạt vé. Một Thanh Phúc (điền kinh) đầy nghị lực trong môn “hành xác” đi bộ, một Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) từ anh chàng phu đá tới lực sĩ mạnh thứ 3 thế giới, một Tiến Minh (cầu lông) nỗ lực suốt bao năm qua trong mục tiêu giữ thứ hạng... Tất cả họ, đều để lại sự khâm phục về ý chí vươn lên.

Dẫu kết quả sắp tới tại Olympic có thế nào, thì trong lòng người hâm mộ thể thao nước nhà, các VĐV đã đoạt vé và cả những người bị lỡ, đều là những nhà vô địch...

 TheoNgôi Sao