Tôi còn nhớ học mẫu giáo thì cô đã dạy phải biết rửa tay chân sạch sẽ, lên tới lớp 2 thì phải biết ăn chín, uống sôi, không phóng uế, xả rác bữa bãi. Nhưng thực tế có vẻ không như mong muốn, ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân đang rất tệ. Tại sao việc giữ vệ sinh chung lại khó thực hiện đến vậy?
Dù biết đội mũ bảo hiểm sẽ đảm bảo an toàn tính mạng nhưng dường như việc tuyên truyền, nhắc nhở phải kết hợp với việc xử phạt thì người dân mới tuân thủ nghiêm túc. Còn chuyện môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào thì chắc ai cũng biết nhưng xả rác vẫn cứ xả. Các quy định cấm xả rác phải đi kèm với việc xử phạt nghiêm minh giống như ở Singapore thì may ra mới hạn chế được tình trạng xả rác ngày càng gia tăng như hiện nay.
Cách đây không lâu tôi có xem một đoạn clip về một cô gái xả rác bữa bãi. Cô gái này cầm một bọc rác to ngay trước mặt nhiều người và đã ném bọc rác một cách lạnh lùng. Sau đó, cô gái này còn ngoái lại để đợi xem có ai nói gì không, nhưng mọi người chỉ ngước lên nhìn trong giây lát rồi làm ngơ. Chỉ có vài trường hợp lên tiếng phản đối yếu ớt của mấy ông già, bà già đang ngồi gần đấy.
Mấy năm gần đây, ngành giáo dục luôn nói về việc dạy con không đòn roi và được các ông bố bà mẹ trẻ hiện nay rất hưởng ứng, đặc biệt là giới trí thức. Và câu của ông bà ta “thương cho roi cho vọt” có vẻ như không còn phù hợp. Nhưng qua câu chuyện chiếc mũ bảo hiểm và đoạn clip trên nếu muốn người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung thì có lẽ cần áp dụng biện pháp “thương cho roi cho vọt”. Cụ thể ở đây là cần phạt thật nặng các hành vi xả rác, gây ô nhiễm môi trường. Chỉ có như vậy, môi trường của chúng ta mới không bị tàn phá bởi chính con người.
Đình Văn (VietNamNet)