Từ Teppanyaki...

Bạn có thể rất bất ngờ khi biết rằng Teppanyaki xuất hiện không phải do người Nhật sáng tạo ra. Câu chuyện bắt đầu từ Thế chiến thứ II, những người lính Mỹ đang làm nhiệm vụ trên đất Nhật cảm thấy không quen với món ăn của người bản địa - chủ yếu là những món hải sản sống. Họ nghĩ ra một cách làm chín thức ăn mới mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng của thực phẩm. Đó là dùng một miếng thép phẳng, bên dưới đặt bếp lửa để làm nóng, sau đó đặt những miếng thịt bò, cá, gà, tôm...tươi đã được tẩm ướp gia vị lên trên, rồi nướng chín.

Bản thân người lính Mỹ hồi đó thì chỉ coi đây là một giải pháp tình thế, nhưng người Nhật thì lại không chấp nhận bất cứ điều gì ở mức lưng chừng - nhất là trong nghệ thuật ẩm thực. Những đầu bếp Nhật Bản nhanh chóng nhận ra rằng Teppanyaki cũng có thể tạo nên một môn nghệ thuật, nghệ thuật của khói, của mùi thơm nức mũi, của những nguyên liệu tươi ngon dần trở nên cháy xém ngon lành. Ngày nay,Teppanyaki, thức ăn được đặt trên miếng thép dày 6 cm, và được làm chín thông qua nhiệt lượng tỏa ra từ miếng thép đã được làm nóng trên 100°C. Độ nóng vừa đủ, thức ăn không bị nướng trực tiếp trên lửa, nên thành phần nước chứa trong thực phẩm không bị bốc hơi, món ăn giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên đầy đủ nhất, mùi vị thực sự khác biệt với các kiểu nướng khác.

Trong những nhà hàng Nhật Bản thực thụ, kỹ thuật thiết kế hiện đại giúp bếp nướng Teppanyaki hút được khói và mùi, không để vương lên trang phục của thực khách. Thêm vào đó, trên những chiếc ghế cao bên quầy Teppanyaki, bạn được trực tiếp mãn nhãn với màn biểu diễn lão luyện của các đầu bếp. Vừa thưởng thức món ăn thơm ngon, vừa lắng nghe tiếng thịt cá xèo xèo khe khẽ, từng miếng từng miếng dần uốn cong mình, giữ lại chút nước ngọt bổ dưỡng...Ngay cả những khách hàng sành ăn khó tính nhất cũng không thoát khỏi sự quyến rũ của Teppanyaki, đặc biệt là món nướng từ bò Kobe, cá Tuyết, cá hồi...

...Đến nướng than kiểu Nhật

Khác với kiểu nướng trực tiếp trên than hoa của người Việt, nướng than kiểu Nhật còn được nâng lên thành một kỹ thuật tinh vi. Món ăn sẽ được làm chín thông qua nhiệt lượng tỏa ra từ một loại đá có tên là Hỏa Sơn (loại đá đã được tinh chế, khử hết các độc tố thông thường có ở than hoa). Loại đá đặc biệt này chịu được nhiệt độ cao và có thể giữ đều được nhiệt lượng trong 30-45 phút, món ăn được làm chín theo cách nướng này đảm bảo sẽ không bị dính muội than, và chín đều từ ngoài vào trong, giúp món ăn vừa thơm về hương vị vừa đẹp về màu sắc, giữ được vị ngọt tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe.

Trong lúc cả thế giới ngợi ca ẩm thực Nhật vì đã giúp cho người Nhật có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới, hầu hết mọi người đều nghĩ đến tác dụng của các món hải sản tươi sống Sashimi hay Sushi, không cholesterol. Thực tế là món nướng cũng không thể thiếu trên bàn ăn người Nhật, giúp người Nhật cung cấp đủ các chất béo và protein cần thiết để trải qua những mùa đông gió tuyết. Tuy nhiên, dù là món gỏi hay món nướng, người Nhật bao giờ cũng chú ý cân bằng các thành phần dinh dưỡng, giữ lại chất bổ vốn có của thực phẩm, và loại bỏ tối đa những yếu tố không tốt cho sức khỏe.

Theo