
XEM CLIP:
Mấy ngày qua, câu chuyện về cậu học trò nghèo lớp 2 ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) mang gạo đến trường gạ bán cho thầy giáo để lấy tiền mua bút khiến nhiều người cảm mến.
Người ghi lại câu chuyện đáng yêu đó và chia sẻ trên mạng xã hội là thầy giáo Đồng Xuân Huyền, giáo viên môn Giáo dục thể chất, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện). Nhân vật khiến nhiều người động lòng trắc ẩn là em Nay Thất (SN 2016, trú tại thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake), học sinh lớp 2 của trường.

Thầy giáo Đồng Xuân Huyền cho biết, ngoài việc giảng dạy, thầy được nhà trường phân công làm Tổng phụ trách Đội, nhiệm vụ hàng ngày là theo dõi và quản lý nề nếp của các lớp.
“Hôm đó trong giờ ra chơi, tôi đang ngồi ghế đá ở một góc trường để bao quát tình hình. Lúc này bỗng thấy Nay Thất đi đến, trên tay cầm một túi gạo khoảng 1kg, bất ngờ và sẵn điện thoại trên tay, tôi đã quay lại một cách tự nhiên”, thầy Huyền kể lại.
Đoạn video ngắn ghi lại cuộc trò chuyện của 2 thầy trò khiến người xem xúc động. Khi thầy Huyền hỏi: "Đưa gạo làm gì vậy, bán cho thầy à, gạo ở đâu ra?", Nay Thất gật đầu lia lịa và đáp: "Gạo bà cho, bán để mua bút...". Nghe trò chia sẻ, thầy Huyền đã tặng bút chì cùng gói bánh nhỏ cho Nay Thất và nói em đưa gạo về nhà cho bà nấu ăn.
Nói về tình huống “học trò gạ thầy mua gạo”, thầy Huyền cho biết, người J'rai ở địa phương thường có thói quen mang sản phẩm do nhà làm ra để đổi lấy những thứ còn thiếu. Có thể Nay Thất cũng nghĩ như vậy, em mang gạo tới đổi cho thầy để lấy bút chì như đồng bào của mình thường làm.

“Qua tìm hiểu tôi được biết, hoàn cảnh của Nay Thất rất khó khăn. Bố mẹ đã ly hôn, em ở với bà ngoại để mẹ đi làm công nhân mưu sinh. Mấy ngày sau đó, tôi đã chở Nay Thất về nhà và mang theo một số nhu yếu phẩm là quà của nhà trường tặng cho gia đình, động viên em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”, thầy Huyền tâm sự.
Ngày 9/4, khi đi kiểm tra nề nếp, thầy Đồng Xuân Huyền ghé vào lớp học của Nay Thất và nghe một số học sinh nói rằng, Nay Thất hay vẽ về thầy cô sao không vẽ thầy Huyền. Nghe xong, tưởng là các em nói đùa nên thầy không để ý, tiếp tục đi kiểm tra ở các lớp khác.
“Khi tôi quay lại thì thấy bức họa 2 người (1 lớn, 1 bé) được vẽ lên bảng, trên tay người lớn có cầm một vật gì đó hướng về em nhỏ. Nhìn qua thì nghĩ là hình ảnh tôi quay video hôm em 'gạ' bán gạo, nhưng Nay Thất nói tái hiện hình ảnh tôi trao thùng mì tôm cho em hôm chở em về nhà. Lúc đó, trong tôi rưng rưng, trào dâng niềm tự hào về nghề giáo. Mặc dù nghèo về vật chất nhưng rất giàu về tình cảm, được học trò trân quý, nhớ ơn, giúp tôi thêm yêu nghề mình đã chọn và thương các trò nhiều hơn...”, thầy Huyền xúc động nói.

Ông Phan Công Đương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phú Thiện cho biết, hoàn cảnh của Nay Thất rất khó khăn. So với bạn bè cùng trang lứa, Thất là học sinh sáng dạ, tiếp thu bài khá nhanh.
Theo ông Đương, những năm qua, được sự quan tâm của nhà nước, sự hỗ trợ của xã hội nên nhiều học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số như Nay Thất có điều kiện tới trường, được học bán trú, nhờ đó tỉ lệ bỏ học gần như không còn.

Theo VietNamNet