Sau nhiều lần cân nhắc việc bán hay không bán số vàng nắm giữ từ đầu năm 2020, anh Nguyễn Thành Chung ở Đống Đa (Hà Nội) quyết định bán hết với giá 115,5 triệu đồng/lượng vào sáng 17/4.

Anh Chung kể, cuối năm 2019, anh có kế hoạch mua một căn hộ chung cư. Lúc đó, anh dành dụm được 1,5 tỷ đồng, còn số tiền thiếu thì dự tính sẽ vay ngân hàng. Đến đầu năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra, công việc và thu nhập của anh bị ảnh hưởng, kế hoạch mua nhà đành tạm hoãn. Thế là, anh dùng 1,5 tỷ đồng để mua vàng, được 31 lượng vàng miếng SJC.

Sau dịch Covid-19, công việc của anh ổn định trở lại, thế nhưng giá chung cư lại tăng chóng mặt. Điều này đồng nghĩa với việc anh sẽ phải vay số tiền lớn hơn nếu mua nhà. Cuối cùng, kế hoạch tiếp tục bị hoãn, số vàng vẫn nằm yên trong két.

Dịp này, thấy giá vàng tăng mạnh, trong khi giá nhà chung cư khó có khả năng giảm, anh quyết định bán hết vàng cộng với tiền tiết kiệm để mua nhà.

“31 lượng vàng miếng đem bán hết, thu về 3,58 tỷ đồng. Tính ra, lãi được hơn 2 tỷ đồng so với lúc mua”, anh Chung nói.

gia vang
Chỉ một thập kỷ giá vàng đã tăng thêm gần 85 triệu đồng/lượng. Ảnh: Chí Hiếu

Trái với anh Chung, vợ chồng chị Bùi Thị Thu Hà lại ngược xuôi để mua đủ số vàng trả nợ.

“Cách đây đúng 9 năm, khi mua nhà, tôi phải vay 8 lượng vàng. Đem bán lúc đó được khoảng 37 triệu đồng/lượng”, chị tâm sự. Lúc cho vay, người nhà chỉ bảo: “Khi nào họ cần thì trả”.

Cuối năm 2019, bố chị đưa cho chị một khoản tiền, dặn đi mua hộ 5 lượng vàng SJC để sau này làm quà cưới cho các cháu nội và cháu ngoại. Bấy giờ, thấy giá vàng khá ổn định, chị đã dùng số tiền này để đầu tư làm ăn.

Mãi đến giữa tháng 2 vừa qua, khi đứa cháu đầu tiên lập gia đình, bố chị hỏi đến số vàng, vợ chồng chị mới tá hỏa đi mua lại với giá 90 triệu đồng/lượng. Sau nhiều ngày xếp hàng, hai vợ chồng cũng mua đủ 5 lượng, hết khoảng 400 triệu đồng - cao hơn so với thời điểm bố chị gửi tiền mua hộ gần 48 triệu đồng/lượng.

“Mua xong 5 lượng vàng, vợ chồng tôi bảo nhau chờ giá vàng hạ nhiệt thì sẽ mua tiếp 8 lượng để trả nợ,” chị Hà chia sẻ. Thế nhưng, càng chờ, giá vàng lại càng tăng mạnh. Quá sốt ruột, sáng nay, hai vợ chồng chị xin nghỉ làm để đi xếp hàng mua vàng với giá 118 triệu đồng/lượng.

Vậy, giá vàng biến động như thế nào trong một thập kỷ, từ năm 2016-2025?

Sau cơn sốt vàng giai đoạn 2009-2011, giá vàng lao dốc rồi tạo đáy 32,45 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2015. 

Đến ngày 11/4/2016, giá vàng miếng của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) bán ra ở mức 33,3 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng tăng 0,85 triệu đồng/lượng so với giá chốt phiên cuối năm 2015, nhưng lại giảm 1,91 triệu đồng/lượng so với ngày 17/4/2015.

Ngày 17/4/2017, giá vàng miếng SJC tăng lên ngưỡng 37,25 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tức tăng thêm 3,95 triệu đồng mỗi lượng so với phiên giao dịch cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, vào các phiên giao dịch cùng ngày năm 2018 và 2019, giá vàng miếng lại giảm, lần lượt còn 37,07 triệu đồng/lượng và 36,39 triệu đồng/lượng.

Ngay sau đó, giá vàng bắt đầu bước vào chu kỳ biến động dữ dội, liên tục lập các kỷ lục lịch sử.

Giai đoạn 2021-2022, giá kim loại quý này tiếp tục duy trì đà tăng. Theo đó, ngày 17/4/2021, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 55,47 triệu đồng/lượng. Cùng ngày này của năm 2022, giá vàng đã vọt lên ngưỡng 69,87 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Đến phiên 17/4/2023, giá vàng miếng ghi nhận mức giảm 2,65 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng kỳ năm 2022, về mức 67,22 triệu đồng/lượng.

Thế nhưng, sau đúng 1 năm, giá vàng miếng đã nhảy vọt lên 84,1 triệu đồng/lượng (ghi nhận vào chiều 17/4/2024), tăng mạnh 16,88 triệu đồng mỗi lượng. 

Một năm trở lại đây, thị trường chứng kiến cơn "nổi loạn" của vàng. Giá vàng có thời điểm tăng như “vũ bão”, cũng có lúc ghi nhận mức giảm sâu, “bốc hơi” vài triệu đồng mỗi lượng chỉ trong một phiên giao dịch.

Vàng trên thị trường trở nên khan hiếm. Người dân và giới đầu tư thường xuyên xếp hàng dài tại các cửa hàng để chờ mua vàng. Các thương hiệu vàng liên tục trong tình trạng “cạn cung”, buộc phải giới hạn số lượng vàng mà mỗi khách hàng được mua.

Trên “chợ mạng” hay ngoài vỉa hè, hoạt động mua bán vàng diễn ra rầm rộ, với mức giá chênh lệch từ 1-3 triệu đồng mỗi lượng so với giá niêm yết của các thương hiệu.

Chốt phiên giao dịch ngày 17/4, giá vàng miếng lại thiết lập đỉnh cao mới trong lịch sử, được SJC niêm yết ở mức 115,5-118 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng thêm 2,5 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên 16/4.

So với giá vàng ngày 11/4/2016, giá kim loại quý này đã tăng thêm 84,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Còn so với giá vàng của ngày 17/4 năm ngoái, mặt hàng này đã tăng 33,9 triệu đồng/lượng sau chỉ 1 năm.

Với những người mua vàng vào ngày 11/4 của năm 2016 và đem bán vào ngày 17/4 năm nay sẽ lãi 82,2 triệu đồng mỗi lượng. Nếu mua vàng cách đây 1 năm sẽ lãi 31,4 triệu đồng/lượng.

Theo VietNamNet