Ba bước tối giản cuộc sống, vợ chồng thất nghiệp vượt qua mùa dịch

Lần đầu tiên trong đời, gần 3 tháng qua cặp vợ chồng công nhân ở Bình Dương chi tiêu tiết kiệm đến vậy. Nhưng dù thế nào, cả nhà cũng buộc phải thích nghi để sống tốt và sống ổn ngay trong 3 tháng giãn cách xã hội.

Từ đầu tháng 6/2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM cũng là lúc công việc của vợ chồng công nhân Trần Thị Tiên, 32 tuổi, ngụ tại một nhà trọ ở Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (Bình Dương) bắt đầu bị ảnh hưởng trầm trọng. 

Gần 3 tháng nay, công ty của chị Tiên đóng cửa nghỉ dịch. Bởi thế, vợ chồng chị rơi vào cảnh chật vật, cầm cự qua ngày.

Chị Tiên kể, năm 2013, vợ chồng chị từ quê Thanh Hóa vào Bình Dương lập nghiệp. Theo chân những người quen ở quê đã vào đây, anh chị xin vào làm công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Sóng Thần 2. Thu nhập từ tiền lương công nhân dao động từ 7-8 triệu đồng/tháng. Tính ra, mỗi tháng vợ chồng chị có khoảng 16 triệu đồng.

Ba bước tối giản cuộc sống, vợ chồng thất nghiệp vượt qua mùa dịch-1

 Phòng trọ của cặp vợ chồng công nhân trẻ đã được chủ nhà miễn tiền thuê

Với thu nhập này, dù phải thuê trọ nhưng vợ chồng chị Tiên cũng đủ lo cho mình và để dành được 2-3 triệu đồng/tháng. “Mình thuê một căn phòng nhỏ với giá chỉ 3 triệu đồng/tháng. Vợ chồng và con gái 6 tuổi chi tiêu hàng tháng hết 8 triệu, gửi về quê 2 triệu hỗ trợ bố mẹ chồng. Vì thế, mỗi tháng vợ chồng chỉ để ra được 2-3 triệu đồng đóng bảo hiểm và phòng khi có việc đột xuất hay biến cố”, chị Tiên nói.

3 tháng nay, công ty nghỉ dịch nên vợ chồng chị Tiên không có nguồn thu nhập nào. Điều này khiến cuộc sống của người công nhân như anh chị rất khó khăn. Thời điểm này, vợ chồng chị phải thắt chặt chi tiêu và sử dụng khoản tiết kiệm ít ỏi trước đó cho những thứ thiết yếu.

“Mình chỉ tiêu mỗi tháng 5 triệu đồng, cắt giảm hết các khoản linh tinh", chị Tiên tiết lộ. Để sống tốt những ngày thất nghiệp, vợ chồng chị đã nỗ lực thay đổi 3 điều về chi tiêu và suy nghĩ tích cực. Nhờ vậy mà cuộc sống vẫn không bị đảo lộn nhiều.

Tạm dừng đóng bảo hiểm nhân thọ

Là công nhân nhưng chị Tiên cũng mua một gói bảo hiểm nhân thọ cho hai vợ chồng, mệnh giá là 12 triệu đồng/năm. Bởi thế, mỗi năm chị phải đóng phí bảo hiểm này để duy trì hợp đồng, đảm bảo quyền lợi.

Tuy nhiên, thời điểm đóng phí lại rơi đúng vào lúc dịch bệnh nên để chi trả cho các khoản thiết yếu nhất, vợ chồng chị quyết định tạm dừng đóng khoản này. Chị Tiên chủ động thông báo với công ty bảo hiểm tạm ngừng đóng phí cho đến khi có khả năng tài chính sẽ đóng bổ sung đầy đủ.

Ba bước tối giản cuộc sống, vợ chồng thất nghiệp vượt qua mùa dịch-2

Bữa cơm ngày dịch của gia đình 3 người

Thanh lý bớt đồ đạc không thiết yếu

Để kiếm thêm thu nhập chi tiêu mùa dịch mà không phải dùng đến tiền tiết kiệm, trong 3 tháng qua, chị Tiên quyết định bán thanh lý một số đồ đạc không thiết yếu trong nhà như: chiếc xe máy của anh xã chị Tiên đi làm, chiếc laptop của con vừa chơi vừa học.

“Thực chất, vợ chồng làm cùng công ty có thể đi chung một chiếc xe máy nên mình bán đi một chiếc. Chiếc laptop của con cũng chưa thật cần thiết, con học online có thể dùng điện thoại của bố mẹ. Hai vật dụng này bán đi cũng giúp vợ chồng mình có một khoản tiền gần 30 triệu đủ sống mấy tháng giãn cách xã hội”, chị Tiên kể.

Giữ chi phí sinh hoạt ở mức thấp nhất

Những ngày này, chị Tiên cắt giảm hết các khoản tiêu không cần thiết, chỉ giữ mức chi phí sinh hoạt ở mức thấp nhất để có thêm tiền cho quỹ dự phòng chống dịch lâu dài.

Cụ thể, người phụ nữ này tránh mua bất cứ thứ gì không cần thiết, bao gồm cả mỹ phẩm dưỡng da của chị hay thuốc lá, cafe của chồng, bánh ngọt của con. Do đó, chi tiêu tiền ăn + điện nước của gia đình trẻ này gói gọn chỉ trong 5 triệu đồng/tháng.

“Tiền nhà trọ thì cô chủ nhà đã miễn giảm nên không phải lo. Vì thế, chi tiêu hiện nay chỉ tập trung mua thực phẩm, trả tiền gas, điện... thôi”, chị Tiên nói.

Nói về những ngày dịch bệnh vẫn sống tốt dù đang tạm thời thất nghiệp, chị Hoa đúc kết: "Ban đầu cả hai đều thất nghiệp nên rất căng thẳng, lo lắng, không biết xoay xở thế nào. Nhưng dần dần, vợ chồng mình bình tĩnh lại, thống nhất bàn cách cắt giảm chi tiêu. Thực tế, chỉ cần không bỏ cuộc và suy nghĩ tích cực là vẫn có thể yên ổn ngay cả khi bạn trải qua một ngày, môt tuần hoặc một vài tháng tồi tệ”.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tu-van-tai-chinh/3-meo-giup-vo-chong-cong-nhan-binh-duong-that-nghiep-van-song-tot-3-thang-gian-cach-xa-hoi-768054.html

chi tiêu gia đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.