Cận Tết, ngang nhiên công khai mua bán tiền giả trên chợ mạng

Cận Tết âm lịch, nạn trao đổi, mua bán tiền giả lại tái xuất, ngang nhiên công khai mua bán trên chợ mạng gây bức xúc cho nhiều người dân.

Khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy không khó để có thể tìm được các đầu mối rao bán tiền giả trong những ngày này.

Để tránh sự rà soát, kiểm tra của các cơ quan chức năng, các đối tượng buôn bán tiền giả chỉ đồng ý gặp mặt khách trực tiếp khi có giao dịch trên 50 triệu đồng. Còn với số lượng nhỏ, người mua và người bán sẽ chỉ liên hệ qua mạng xã hội về thời gian trao, nhận hàng.

Để tạo lòng tin, các tài khoản rao bán tiền giả luôn chụp ảnh, quay video giới thiệu chi tiết về "hàng cấm". Nhưng khi người mua có nhu cầu thì phải liên hệ trực tiếp qua 1 số điện thoại, chứ người bán không trả lời công khai.

Trong vai một khách hàng, phóng viên Dân Trí đã liên hệ với một tài khoản facebook có tên Tuấn.

Theo người này, tỉ lệ mua bán tiền giả khá đa dạng, mua bán trực tiếp không cần cọc. Ví dụ, đổi 1 triệu đồng tiền thật sẽ thu về 10 triệu đồng tiền giả. Ngoài ra, còn có các tỉ lệ như 1 đổi 12, 2 đổi 30, 5 đổi 70 cho từng mệnh giá tiền. Đặc biệt, với mệnh giá 500.000 đồng thì 1 triệu tiền thật chỉ đổi được 7,5 triệu đồng tiền giả.

"Tuy là tiền giả nhưng rất khó phân biệt, bởi chúng giống tiền thật đến 98%, chỉ có cho vào máy soi mới bị phát hiện. Mệnh giá nào nhà tôi cũng đổi được, chỉ cần khách cho địa chỉ rõ ràng, là 1 tiếng sau, hàng cập bến đúng địa chỉ" - người tên Tuấn quảng cáo.

Cận Tết, ngang nhiên công khai mua bán tiền giả trên chợ mạng-1

Hoạt động trao đổi, mua bán tiền giả ngang nhiên diễn ra rầm rộ trên chợ mạng

Liên hệ tiếp với một tài khoản khác có tên Dũng cũng trong nhóm mua bán tiền giả, người này cho biết, khách cần bao nhiêu hàng (tiền) cũng có thể cung cấp. Thậm chí, nếu đơn hàng trên 50 triệu đồng, người mua sẽ được dẫn đến địa điểm, kiểm tra hàng trực tiếp.

Tuy nhiên, để làm tin, trước khi giao dịch, phía bên mua phải chụp lại chứng minh thư, thông tin chi tiết cho phía bên bán. Nếu không thì khách phải chuyển khoản 2 - 5 triệu đồng vào một tài khoản để giữ suất.

"Nếu giao dịch nhỏ, khách nên nạp thẻ điện thoại với mệnh giá 50.000 - 200.000 đồng. Điều này sẽ áp dụng cho người mới, lần đầu tiên tham gia, còn khách quen thì không cần cọc" - tài khoản có tên Dũng cho biết.

Các mệnh giá phổ biến thường để đổi là 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng. Mệnh giá càng to thì chi phí đổi sẽ càng lớn. Với khách giao dịch lần đầu, lượng đổi tối đa là 50 triệu đồng, tương ứng với 5 triệu đồng tiền thật, còn thấp nhất là 1 triệu đồng tiền thật.

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn luật sư TPHCM, tại Điều 207 - Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả nêu rõ: Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm.

Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, Điều 207 - Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả cũng nêu rõ, người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/can-tet-ngang-nhien-cong-khai-mua-ban-tien-gia-tren-cho-mang-20210120064254246.htm

Tiền giả

mua bán online


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.