Chị bán cá 'ôm' 150 triệu từ Điện Biên xuống Hà Nội mua vàng vía Thần Tài

Ngày vía Thần Tài, chủ quán cà phê quyết định mua 2 chỉ vàng với hy vọng năm nay việc kinh doanh buôn bán gặp nhiều may mắn. Còn chị Liên bán rau, cá,... online "ôm" 150 triệu từ Điện Biên xuống Hà Nội để mua vàng.

Chiều 9/2, tại các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nườm nượp khách mua bán vàng. Trong đó, phần lớn là khách tới chọn mua, bởi vào dịp vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, ai cũng muốn mua một lượng vàng dù ít hay nhiều để cầu may. 

Tại quầy giao nhận vàng của một cửa hàng vàng thương hiệu lớn trên con phố này, sau khi kiểm tra kỹ một chỉ vàng nhẫn tròn trơn, một đồng vàng Thần Tài 1 chỉ ép vỉ cùng hoá đơn mua hàng, anh Trần Văn Quân - chủ một quán cà phê tại khu vực Hà Đông (Hà Nội) - cười nói: “Cầu may thôi nên nay mua 2 chỉ”.

Anh Quân tâm sự, mình mở quán cà phê được 2 năm nay, đúng vào năm có dịch Covid-19. Thời gian quán mở bán thì ít mà đóng cửa thì nhiều. Cũng may, anh không phải thuê mặt bằng như các hàng quán khách nên vẫn còn cầm cự được đến bây giờ.

Chị bán cá ôm 150 triệu từ Điện Biên xuống Hà Nội mua vàng vía Thần Tài-1

Nhiều người chọn mua vàng dịp vía Thần Tài để vừa cầu may vừa tích sản (ảnh: N.Thu)

Hiện quán đã mở bán trở lại. Những ngày đầu năm mới, quán cũng tấp nập khách. Song dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, kinh doanh buôn bán vẫn luôn đóng mở thất thường.

Anh thừa nhận, trước kia mình không chú ý đến vía Thần Tài. Nhưng năm nay thử mua 2 chỉ vàng cầu may, mong chuyện làm ăn được thuận buồm xuôi gió.

“Nhiều cái mê tín thì mất tiền. Còn mua vàng cầu may ngày vía Thần Tài thì khác. Có thể không được may mắn như mọi trường truyền tai nhau, nhưng mua vàng cũng là cách tích sản, phòng thân”, anh nói.

Tranh thủ lúc đầu giờ chiều chợ còn vắng khách, chị Nguyễn Thu Hương ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tới cửa hàng vàng chốt mua 15 chiếc nhẫn tròn trơn ép vỉ loại 1 chỉ.

“Của tôi có 3 chỉ thôi. Cũng là mua từ tiền mừng tuổi của các con, tôi bỏ thêm mấy triệu cho đủ. Số vàng còn lại là mua hộ các chị em bán hàng tại chợ”, chị Hương tiết lộ.

Theo chị Hương, dân buôn bán tại chợ như chị, dù không làm ăn lớn nhưng vào ngày vía Thần Tài, cũng thường làm mâm cỗ cúng, mua 1-2 chỉ vàng cầu may. Thế nên, hôm nay chị ra mua cho mình và mua hộ mọi người để mai sáng cúng Thần Tài, xin vía làm ăn buôn bán. Cúng xong, vàng cất két cũng là một cách tiết kiệm tiền cho gia đình.

Chị bán cá ôm 150 triệu từ Điện Biên xuống Hà Nội mua vàng vía Thần Tài-2

Vào những ngày này có người chỉ mua một lượng vàng nhỏ (ảnh: H.Nhung).

Chị bán cá ôm 150 triệu từ Điện Biên xuống Hà Nội mua vàng vía Thần Tài-3

Nhưng cũng có những người mua số vàng rất lớn (ảnh: H.Nhung)

Còn chị Phùng Thị Liên ở Điện Biên thì mới đặt mua 2 lượng vàng miếng SJC và 4 chỉ nhẫn tròn trơn cùng đồng vàng Thần Tài. Số vàng này chị đã thanh toán xong, chờ sáng mai đúng ngày vía Thần Tài qua cửa hàng lấy vàng, đỡ phải xếp hàng.

“Tiền mua vàng này là do năm rồi bán rau, bán gà cá đặc sản online kiếm được. Dịp này tôi chia ra một phần gửi tiết kiệm, phần mua vàng”, chị Liên tiết lộ.

Chị kể, trước chị là giáo viên mầm non tư thục ở Hà Nội. Thu nhập được 7-8 triệu mỗi tháng. Những lúc rảnh chị tranh thủ bán đặc sản quê kiếm thêm thu nhập. Mặt hàng chị thường là các loại rau đặc sản của người dân trên quê nhà gửi xuống.

Nhưng năm qua, trường đóng cửa vì dịch, ở Hà Nội tiền thuê nhà đắt đỏ, công việc của chồng cũng bị ảnh hưởng nên gia đình chị quyết định khăn gói về quê chuyên tâm gom các loại đặc sản vùng cao bán buôn online. 

Ban đầu chị rao bán cà chua cổ, sau thêm các loại măng, khoai, ngô bung,.. Mùa nào thức ấy, hàng này chị đều sơ chế, đóng túi hút chân không để tiện vận chuyển và bảo quản. Dịch bệnh, mọi người có xu hướng mua tích trữ, hàng sơ chế sẵn cũng phù hợp, khách chuộng mua.

Những tháng cuối năm, vợ chồng chị làm thêm các món nướng đặc sản. Cá nướng, gà nướng chuẩn vị vùng cao, xôi ngũ sắc... Đây cũng là đồ nướng hoặc hấp qua rồi đóng túi chút chân không giống như chị làm với rau quả.

Chị thừa nhận, lúc mới về quê chỉ nghĩ mình buôn bán tạm bợ để sống qua dịch. Hết dịch lại xuống Hà Nội dạy học. Ai ngờ, các loại đặc sản này đắt hàng, chị chốt đơn tới tấp. Có những đợt 2-3 ngày không đăng bán hàng vẫn được khách đặt đều đặn. Nhất là dịp cận Tết, vợ chồng chị còn phải thuê thêm cả chục người mới kịp làm trả đơn khách đặt.

Chị bán cá ôm 150 triệu từ Điện Biên xuống Hà Nội mua vàng vía Thần Tài-4

Vị khách này đem số tiền lên tới 163 triệu đồng đi mua vàng vía Thần Tài (ảnh: BH)

“Mùa dịch nhưng kiếm đậm, hơn lúc đi dạy học nhiều”, chị nói. Đây cũng là lý do hôm 9/2, vợ chồng chị đi từ Điện Biên xuống Hà Nội để mua vàng.

Theo chị, ở ngay Điện Biên cũng có thể mua vàng. Song, nhiều người nói mua vàng ở các cửa tiệm trên phố Trần Nhân Tông sẽ may mắn hơn. Cửa hàng lớn, chọn mua chị cảm thấy yên tâm hơn về chất lượng. Do đó, chị tính chiều 9/2 đặt mua, sáng 10/2 (ngày vía Thần Tài) thì nhận vàng rồi về quê luôn.

“Năm rồi vợ chồng tôi buôn bán để dành được khoảng 250 triệu định mua hàng hết. Nhưng mấy hôm nay thấy lãi suất tăng nên bớt lại 100 triệu gửi tiết kiệm lấy lãi. Số còn lại đem mua vàng vừa tiết kiệm, vừa để cầu may”, chị chia sẻ.

Bà Bùi Hồng Tâm - CEO vàng phong thuỷ Ancarat - cho biết, dịp vía Thần Tài năm ngoái, lượng khách mua lẻ nhiều. Hoá đơn mua vàng với giá trị lớn có nhưng rất hiếm. Năm nay thì khác, mọi người có tâm lý vừa mua để cầu may, vừa để tích sản nên xu hướng mua nhiều.

Khách tới mua lẻ hóa đơn vài chục triệu chiếm phần lớn. Có khách còn đem 100-200 triệu đồng đi mua các loại vàng dịp này, bà cho hay.

Trên thị trường, giá vàng 9999 ngày 9/2 của SJC tại Hà Nội tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng ở chiều bán ra so với kết thúc phiên giao dịch hôm qua. Còn phiên ngày 8/2 giá vàng giảm sâu cả triệu đồng/lượng.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/bat-ngo-kiem-dam-mua-dich-chi-gai-ban-rau-ca-om-150-trieu-mua-vang-via-than-tai-814389.html

mua vàng

Ngày vía Thần Tài

Vía Thần Tài


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.