- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Chi tiêu của 4 gia đình ở những nơi có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam
Hà Nội, TPHCM và Quảng Ninh là 3 địa phương "dẫn đầu" cả nước về mức sống đắt đỏ trong năm 2022. 4 gia đình tại những nơi này đã chia sẻ về bài toán chi tiêu, cách tiết kiệm và lập kế hoạch tài chính.
Những địa phương có chi phí sống đắt đỏ nhất Việt Nam
Theo báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3, 5 địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong năm 2022 gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, TPHCM, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong đó, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí "dẫn đầu" với mức giá đắt đỏ nhất cả nước năm 2022, Quảng Ninh xếp thứ hai do là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Đứng thứ ba trong cả nước là TPHCM - hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế. Đây cũng là địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Các địa phương có chi phí sống cao nhất và thấp nhất năm 2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê).
So với năm 2021, vị trí các địa phương có mức giá đắt đỏ trong năm 2022 không có sự thay đổi lớn. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức đắt đỏ hơn các tỉnh miền núi chủ yếu ở các nhóm hàng nhà ở thuê, dịch vụ, giải trí và du lịch.
Trong bối cảnh này, 4 gia đình ở Hà Nội, TPHCM và Quảng Ninh đã chia sẻ với Dân trí về bài toán chi tiêu, cách tiết kiệm và lập kế hoạch tài chính.
Chi tiêu thoải mái, còn dư thì tiết kiệm và đi du lịch
Chị Thu Hương, 35 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Nghề nghiệp: Vợ là nhân viên văn phòng, chồng làm về kỹ thuật ô tô.
Thu nhập: Không tiết lộ.
Chi tiêu: 39 - 44 triệu đồng/tháng
Vợ chồng tôi đều là dân ngoại tỉnh lên Hà Nội học tập và làm việc. Chúng tôi sớm mua được một căn chung cư thuộc dự án nhà ở xã hội vào năm 2013 với giá 700 triệu đồng. Nhờ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Nhà nước, chúng tôi vay 70% giá trị căn hộ và trả trong vòng 15 năm.
Hàng ngày, tôi không có thói quen ghi chép hay thống kê các khoản chi tiêu một cách chi tiết. Lý do là bởi công việc liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu của tôi quá bận rộn. Ngoài ra, tôi thấy cũng không cần kiểm soát tiền theo cách đó vì gia đình tôi không có nhiều khoản chi tiêu ngoài kế hoạch.
Mỗi tháng, nhận lương xong tôi sẽ chi cho các khoản cần dùng, phần tiền thừa cuối mỗi tháng hoặc sau vài tháng tôi sẽ gửi vào tài khoản tiết kiệm.
Bảng chi tiêu một tháng của gia đình chị Hương.
Nhiều bạn bè của tôi thường giữ hết lương của chồng để chi tiêu. Tuy nhiên, gia đình tôi lại khác. Vợ chồng tự giữ lương của mình. Vợ chi trả các khoản thanh toán qua thẻ, tài khoản ngân hàng như tiền học cho con, tiền điện nước. Chồng sẽ rút tiền mặt để đi chợ, đi ăn, đóng phong bì đám đình, thăm hỏi bố mẹ hai bên... Tôi cần tiền mặt thì cũng lấy từ chồng.
So với mức chi tiêu ở Hà Nội, tôi nhận thấy mức chi tiêu của gia đình tôi là trung bình thấp. Tôi biết nhiều gia đình còn tiêu nhiều hơn.
Theo chị Hương, việc chuẩn bị kỹ mỗi bữa ăn trong tuần cũng là một cách tiết kiệm.
Nhiều người nhìn bảng chi tiêu của gia đình tôi sẽ thắc mắc tại sao chi cho du lịch nhiều tiền như vậy mà không để tiết kiệm. Tôi cho rằng, mỗi gia đình nên có khoản tiết kiệm nhất định để dự phòng cho các trường hợp rủi ro. Tuy nhiên, các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thì nên đáp ứng đầy đủ. Ngoài ra, cũng cần dành tiền và thời gian cho các chuyến đi chơi để tái tạo năng lượng và tăng gắn kết gia đình.
Gia đình chị Hương thường đi du lịch mỗi tháng để tái tạo năng lượng làm việc.
Vậy nên, gia đình tôi đi du lịch rất nhiều lần trong năm. Đi chơi xa bằng máy bay từ 2-3 chuyến/năm, chi phí từ 25-30 triệu đồng/chuyến. Nếu tháng nào không đi chơi xa, nhà tôi sẽ đi đến các điểm gần Hà Nội, chi phí khoảng 5 triệu đồng/chuyến. Ngoài ra, tôi cũng hay đi theo tour cùng hội bạn, chi phí tầm 2 triệu đồng/chuyến, mỗi năm tôi sẽ đi 3-5 chuyến như vậy.
Có cơ hội đi đến nhiều vùng miền nên tôi nhận thấy, giá cả ở Hà Nội khá đắt đỏ. Những địa phương có chi phí rẻ hơn nhiều so với Hà Nội là Huế, các tỉnh Tây Nguyên.
Đối với việc quản lý tiền, tôi cho rằng, mỗi gia đình nên có kế hoạch rõ ràng với từng hạng mục chi tiêu để không bị "vỡ kế hoạch". Chẳng hạn, tôi thường lên kế hoạch rõ ràng cho từng bữa ăn trong tuần, rất ít khi ăn bên ngoài. Việc chủ động chuẩn bị trước sẽ không khiến tôi phải chi tiền cho những bữa ăn ngẫu hứng ngoài hàng đắt đỏ khi không biết nấu gì mỗi tối.
May mắn thu nhập của vợ chồng tôi vẫn ổn định những năm qua nên chúng tôi gần như không phải cắt giảm khoản chi tiêu nào. Tuy nhiên, tôi nhận thấy mình đang mua khá nhiều quần áo, giày dép nên thời gian tới tôi sẽ cân nhắc để mua ít lại, tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường.
Chồng là "tay hòm chìa khóa"
Chị Thục Anh, 28 tuổi, Hà Nội.
Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng.
Thu nhập hai vợ chồng: 60 triệu đồng/tháng.
Chi tiêu trung bình: 15 triệu/tháng.
Tôi và chồng kết hôn vào tháng 3/2023. Trước đó, chúng tôi có hơn một năm chung sống, nhưng "tiền ai nấy tiêu". Hàng tháng, chồng tôi (khi đó là người yêu) chi trả tiền điện, tiền nước cũng như chi phí ăn uống nói chung. Tôi phụ anh mua một số vật dụng còn thiếu trong nhà, đôi khi "giành" phần đi siêu thị để san sẻ sinh hoạt phí.
Sau cưới, chúng tôi quyết định lập quỹ chung, giao một người nắm giữ. Trong nhiều gia đình, người vợ thường đóng vai trò "tay hòm chìa khóa", chịu trách nhiệm chi tiêu chính. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định chồng là người chịu "gánh nặng" này.
Tôi hoàn toàn tin tưởng chồng mình, vì anh công tác trong lĩnh vực tài chính, có kiến thức trong việc sử dụng hiệu quả đồng tiền. Tính cách anh cẩn thận, khác hẳn với tôi: ẩu đoảng, hoang phí và đôi khi "vung tay quá trán".
Mỗi tháng, sau khi nhận lương, tôi đưa chồng 80% thu nhập để "sung quỹ". Tương tự, anh cũng tự trích 80% lương của mình vào tài khoản chung. Số tiền này phục vụ cho mọi chi tiêu trong gia đình, bao gồm sinh hoạt phí, chăm sóc gia đình nội - ngoại, giải trí, vui chơi (du lịch), mua sắm và một phần dành chuẩn bị cho em bé sắp chào đời.
Ngoài ra, số tiền này cũng phục vụ mục đích tiết kiệm, đầu tư. Tỷ lệ % tiền tích lũy được chúng tôi thống nhất tùy vào từng thời điểm và kế hoạch gia đình.
Phần còn lại của thu nhập, chúng tôi giữ lại cho những buổi cà phê, tụ tập bạn bè riêng, mua sắm cá nhân, tiền xăng, đi lại... Có tháng, chúng tôi chẳng hề tiêu hết quỹ riêng, giữ lại tài khoản cá nhân như một khoản nhỏ của riêng mình.
Theo chị Thục Anh, những bữa cơm gia đình sẽ góp phần cắt giảm chi tiêu.
Khi chia sẻ với người thân, bạn bè về việc giao tiền cho chồng giữ, tôi thường nhận về ánh mắt ngạc nhiên. "Đàn bà phải biết giữ tiền chứ", "Phụ nữ phải nắm kinh tế, sao lại để chồng cầm tiền như vậy", "Sau này chồng ngoại tình thì mất cả chì lẫn chài"... là những lời mọi người thường nói với tôi.
Tuy nhiên, tôi không nghĩ đến những điều như vậy. Đối với tôi, trong mối quan hệ hôn nhân, mỗi cặp vợ chồng sẽ có cách phân chia, chi tiêu hợp lý. Tôi biết nhiều cặp đôi không lập quỹ chung mà chia nhau chi trả các khoản riêng trong nhà, ví dụ: vợ lo tiền ăn, chồng đóng tiền học cho con. Họ vẫn hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống, chẳng sao cả.
Tôi cũng vậy. Hiện tôi hài lòng khi để chồng giữ tiền.
Theo tôi, đồng tiền chung nên do người có kiến thức chi tiêu nắm giữ và phân bổ. Điều này đảm bảo tiêu dùng hài hòa, hợp lý, miễn là vợ chồng có sự thống nhất và minh bạch với nhau.
Tuy nhiên, dù để chồng giữ quỹ chung, nhưng không có nghĩa tôi mặc kệ để anh chịu gánh nặng chi tiêu một mình. Việc giữ tiền chưa khi nào là đơn giản. Tôi vẫn thường kiểm tra số dư chung, tự cân đối các khoản chi tiêu phù hợp với tình trạng tài chính, hỏi ý kiến nhau mỗi khi cần mua sắm đồ đắt đỏ...
Tôi không để chồng một mình trong "cuộc chiến" với tiền bạc.
Vật giá đắt đỏ, gia đình trẻ chuyển dùng đồ bình dân
Anh Đào Đức Kiên, 38 tuổi, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, Quảng Ninh.
Nghề nghiệp: Kỹ sư điện.
Thu nhập hai vợ chồng: 30 triệu đồng/tháng.
Chi tiêu: 25 - 27 triệu đồng/tháng.
Gia đình có 5 người: 2 vợ chồng, 2 con nhỏ (1 trẻ tiểu học, 1 trẻ mẫu giáo), 1 mẹ già (có lương hưu).
Gia đình tôi sinh sống trong một ngôi nhà mặt đất ở phường trung tâm của TP Hạ Long. Dù không gặp áp lực về việc trả nợ nhà, mua nhà nhưng chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Hạ Long cũng khiến chúng tôi không tiết kiệm được tiền.
Bảng chi tiêu mỗi tháng của gia đình anh Kiên.
Nhiều gia đình có thói quen khi nhận lương sẽ chia các khoản chi tiêu trong tháng, còn lại cất đi một khoản tiền kiệm. Gia đình tôi thì thường chỉ để ra một khoản đủ đóng học phí cho các con và tiền điện nước. Số còn lại, chúng tôi chi tiêu cho các nhu cầu còn lại.
Trong gia đình, vợ tôi là người quản lý tiền. Mỗi tháng, tôi sẽ chuyển khoản 3/4 tiền lương cho vợ để cô ấy lo chợ búa, điện nước, truyền hình cáp, học phí của các con, quần áo bỉm sữa của cháu bé, học thêm của cháu lớn, việc hiếu hỉ xã giao, ngày lễ, đi chơi cuối tuần. Tôi chỉ giữ lại một phần tiền để sinh hoạt cá nhân như đổ xăng, bia giải khát với bạn bè…
Tôi nhận thấy, mức chi phí sinh hoạt nơi mình sống khá đắt đỏ. Riêng tiền mua đồ ăn, hải sản đã đắt hơn rất nhiều so với Hải Phòng lân cận. Nhu cầu quen dùng sản phẩm chất lượng cao, sống trong khu vực trung tâm vật giá đắt đỏ càng khiến ví tiền của chúng tôi nhanh cạn.
Gia đình tôi đã nhiều lần tự nhủ phải tiết kiệm, chẳng may phát sinh các tình huống ốm đau, bệnh tật thì sẽ có một khoản xoay xở. Tuy nhiên, tháng nào cũng vậy, chúng tôi gần như không thể tiết kiệm được. May mắn là gia đình tôi còn được hai bên nội ngoại hỗ trợ một chút, nếu không sẽ không đủ chi tiêu.
Anh Kiên cho biết phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khi giá cả ở Quảng Ninh ngày một tăng.
Tôi nhận thấy mức chi tiêu của gia đình chỉ vào loại trung bình ở địa phương bởi các gia đình khác còn có rất nhiều khoản chi như phương tiện cá nhân (ô tô), đóng bảo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, cho con học trường tư, thuê giúp việc, ốm đau nằm viện….
Những năm qua, giá cả tăng nhưng thu nhập không tăng, chúng tôi đã phải thay đổi nhiều thói quen chi tiêu. Gia đình tôi đã hạn chế mua quần áo; chuyển cho con dùng bỉm sữa loại trung bình chứ không dùng hàng Nhật, Hàn như trước nữa, hạn chế đi du lịch, ăn uống tụ tập, cắt giảm các đồ ăn bổ dưỡng (yến, đông trùng hạ thảo…)
Chi tiêu cần - đủ - chi vào những thứ khiến mình hạnh phúc
Chị M.B., 34 tuổi, mẹ đơn thân, TPHCM.
Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng.
Thu nhập: 27 triệu/tháng.
Chi tiêu trung bình: 20 - 30 triệu đồng/tháng.
Tôi là mẹ đơn thân và hiện đang sống cùng bố mẹ, em trai, em dâu. Nhà có thuê một vú em chăm bé. Tổng cộng 6 người lớn và 1 em bé.
Hàng tháng, đại gia đình chúng tôi chi trả tiền điện (hơn 5 triệu đồng/ tháng) do bật điều hòa mỗi phòng, tiền nước (trung bình 350.000 đồng/tháng), wifi (400.000 đồng/tháng), tiền mua thực phẩm, thức ăn, đồ dùng sinh hoạt (15 triệu đồng/tháng).
Đó là các khoản chi phí chung, riêng tôi phải trả tiền thuê vú em (9 triệu đồng/tháng), tiền tã sữa và quần áo, đồ chơi, các chi phí khác cho con (5 triệu đồng/tháng).
Ngoài ra, tôi góp 4 triệu đồng vào tiền chợ cho cả nhà. 9 triệu đồng từ thu nhập dành để chi tiêu cá nhân, đóng tiền bảo hiểm, xăng xe...
Khoản tiền còn lại tôi dành gửi tiết kiệm, không có số tiền cụ thể, nhưng tôi tiết kiệm được rất ít từ lương chính thức, hoặc chỉ vừa đủ, không dư. Do đó, tôi tiết kiệm bằng những khoản thu nhập bên ngoài, khoản thưởng lớn, hoặc tiền lời đầu tư.
Đến nay, tôi chỉ có khoảng 400 triệu đồng trong sổ tiết kiệm. Tháng nào có được 5 - 10 triệu đồng từ các khoản bên ngoài như vậy, tôi lại bỏ vào sổ, nhưng phải mấy tháng mới có được một lần dư như vậy.
Thời kỳ lạm phát, gia đình tôi bị ảnh hưởng khi thu nhập của bố sụt giảm do bất động sản "đóng băng". Tuy nhiên mỗi thành viên trong gia đình đều có thu nhập riêng nên cũng duy trì được mức sống ổn định, chỉ là để thoải mái "tiêu pha" như trước thì không còn.
Mẹ tôi từ một người thích săn túi hiệu đã chuyển sang mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, đi du lịch nước ngoài tốn kém thì cả nhà đi trong nước... Chúng tôi điều chỉnh nhu cầu từ 5 sao xuống 3 sao, "vẫn vui sống".
Thật xấu hổ là tôi quản lý chi tiêu khá kém và không lập bảng chi tiêu hàng tháng, nên thường tiêu vượt mức thu nhập của mình. Tháng nào tiêu "âm" vào tiền lương, tôi sẽ "cày" vào tháng sau để bù lại. Quan điểm của tôi là nếu có nhiều thứ cần để chi trong tháng, tôi sẽ tìm cách kiếm thêm tiền thay vì... hà tiện.
Tôi chi tiêu những thứ cần - đủ - chi vào những thứ khiến mình và mọi người xung quanh hạnh phúc. Ví dụ tôi đã nấu cơm nhưng bố mẹ bỗng thèm ăn gà, tôm càng, cua biển..., tôi có thể gọi về hoặc đưa bố mẹ đi ăn, phần cơm còn dư cất vào tủ lạnh để hôm sau ăn tiếp.
Ngày hôm đó chi tiêu có thể sẽ vượt, mọi người sẽ thấy sao lại lãng phí khi có cơm nhà lại còn ăn hàng, nhưng số tiền đó tôi chi cho sự thỏa mãn cơn thèm của bố mẹ và sự hạnh phúc của tôi vì được phục vụ nhu cầu chính đáng của ông bà.
Đại gia đình 6 thành viên của chị M.B. chi tiêu trung bình mỗi tháng từ 25 - 30 triệu đồng (Ảnh minh họa).
Trước đây tôi "hoang phí" cho bản thân, giờ tôi chuyển sự "hoang phí" sang cho con. Nghĩa là tôi vẫn thấy mình có chút hoang phí vì cứ thích gì là mua nấy bất chấp tài khoản trong thẻ còn bao nhiêu.
Trước khi có con, tôi tiêu nhiều vào những chuyến du lịch, hầu như tháng nào tôi cũng đi. Vé máy bay rẻ, đi. Khách sạn giảm giá, đi. Lễ, đi. Buồn quá, đi. Vui quá hứng quá, đi luôn. Cứ đi về rồi lại "cắm mặt" làm việc.
Bây giờ hầu như tôi không đi du lịch nhiều, mà đi thì phải có con, mà có con thì phải có vú em đi cùng. Thế là chi phí sẽ lại càng đội lên. Cho nên tôi chọn ở nhà, tiền đi du lịch, cà phê để dành sắm những thứ cần thiết hơn cho con. Bây giờ làm mẹ, bỏ tiền cho con bao nhiêu cũng không tiếc, nhưng đi uống cà phê một bữa cũng phải đắn đo nhiều.
Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, tôi thấy thành phố này đắt đỏ trong từng khoản chi phí, đắt từ ly cà phê, cây xiên nướng, từ bó rau, cọng hành cho đến giá dịch vụ và giá thuê hoặc mua bất động sản. Một phòng trọ nhỏ 20m2 có giá thuê 5-7 triệu đồng/tháng. Nếu ở Hà Nội chỉ tầm 3-4 triệu đồng. Cây xiên nướng bên đường bán giá 20.000 đồng/xiên cũng có người ăn, về quê chỉ có giá 7-10.000 đồng là cùng.
Ở các quận gần trung tâm thành phố, nếu muốn mua căn hộ tiện nghi, diện tích 60m2 trở lên với mức 3 tỷ đồng cũng là điều khó khăn. Nhưng với số tiền đó, bạn bè tôi có thể mua một căn 80m2 với 3 phòng ngủ ở Hà Nội. Cũng vì vậy mà việc sỡ hữu được một căn hộ với tài chính 2 tỷ đồng, nhiều người phải chọn những khu vực xa như Bình Tân, Bình Chánh, quận 9... hoặc các dự án chưa bàn giao.
Tôi nghĩ bản thân mỗi người nên điều chỉnh nhu cầu của chính mình để phù hợp với thời cuộc. Ngoài kia không chỉ có giá cả leo thang mà còn cả dịch bệnh "âm ỉ" và làn sóng sa thải vẫn chưa dừng lại.
Tôi cũng tự nói với mình rằng đừng tiêu xài hôm nay mà không biết đến ngày mai nữa, phải cố chi tiêu chính đáng, dành một khoản nhất định cho những tháng ngày bất ổn có thể ập tới.
Tôi còn một đứa con nhỏ phải lo và bố mẹ già sắp về hưu.
Thực hiện: Phạm Hồng Hạnh - Minh Nhân.
Ảnh: Nhân vật cung cấp.
25/04/2023
Theo Dân trí
-
Mua sắm10 giờ trướcDám nghĩ dám làm, anh nông dân Kiên Giang quyết định đầu tư nuôi con đặc sản dân nhậu thích mê, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập nhẹ nhàng gần 2 tỷ đồng.
-
Mua sắm13 giờ trướcTừ 15h hôm nay (21/11), giá xăng giảm nhẹ, trong khi giá các loại dầu tăng giảm trái chiều nhưng cũng không đáng kể.
-
Mua sắm15 giờ trướcSáng 21/11, Quốc hội thảo luận về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
-
Mua sắm17 giờ trướcChỉ vì không để ý thông báo từ ngân hàng về việc thay đổi chính sách thu phí dịch vụ SMS Banking, không ít khách hàng phải “ngậm đắng nuốt cay” trả một khoản tiền lớn.
-
Mua sắm19 giờ trướcGiá vàng miếng SJC lên cao nhất trong 3 tuần qua, bỏ xa mốc 86 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn 99,99 cũng nhảy vọt.
-
Mua sắm22 giờ trướcTừ đầu năm đến nay, Trung Quốc giảm ăn hàng Thái Lan nhưng lại tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng Việt Nam. Chỉ trong một tháng, quốc gia tỷ dân này đã vung hơn 16.000 tỷ đồng mua “vua trái cây Việt”.
-
Mua sắm22 giờ trướcGiá vàng hôm nay 21/11/2024 trên thị trường quốc tế hồi phục và tăng mạnh sau khi chịu áp lực chốt lời và một đồng USD mạnh. Vàng miếng SJC tăng thêm 2,7 triệu đồng sau 3 ngày, trong khi nhẫn trơn tăng hơn 3 triệu.
-
Mua sắm1 ngày trướcMỗi ngày, anh nông dân này mất 2 tiếng vào buổi sáng, tối để thay nước và cho loài vật quen thuộc này ăn, nhờ đó mỗi năm xuất bán thu về 2 tỷ đồng rất nhẹ nhàng.
-
Mua sắm1 ngày trước“Có những ngày cứ 5 phút tôi lại vào xem giá vàng một lần xem giảm hay tăng. Từ lúc mua đến giờ, mỗi lượng vàng tôi đang phải chịu lỗ khoảng 7 triệu đồng nhưng vẫn không biết nên tiếp tục gồng lỗ hay mang bán để cắt lỗ cho nhẹ đầu”.
-
Mua sắm1 ngày trướcQuyết định khởi nghiệp từ những cây hoa hồng tặng mẹ trong các dịp lễ, Tết, chàng trai phố núi Nguyễn Việt Anh đã gặt hái được “quả ngọt”, với doanh thu từ 700 triệu đến 4 tỷ đồng/năm.
-
Mua sắm1 ngày trướcCổ phiếu châu Á thận trọng khi các nhà đầu tư hướng đến kết quả thu nhập từ Nvidia - công ty được ưa chuộng trong lĩnh vực AI. Đồng USD giảm bớt trong khi giá vàng trở lại đà tăng.
-
Mua sắm1 ngày trướcGiá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (21/11) được dự báo tiếp tục giảm nhẹ theo xu hướng của giá thế giới.
-
Mua sắm1 ngày trướcSáng nay (20/11), giá vàng trong nước đồng loạt tiếp tục tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng. Giá USD trên thị trường cũng tăng cao.
-
Mua sắm1 ngày trướcTrên chợ online có hàng trăm nghìn thành viên tham gia mua bán, một số đầu mối đang rao tôm hùm với giá chỉ 39.000 đồng/con khiến nhiều người giật mình vì quá rẻ.