Chuyên gia tư vấn cách chi tiêu khôn khéo để vượt "bão giá"

Cuộc sống chi tiêu của nhiều người độc thân và các gia đình đang gặp khó khăn vì "bão giá". Chúng tôi đã liên hệ với các chuyên gia tài chính để có lời khuyên hữu ích nhất trong thời điểm này.

Bão giá ảnh hưởng thế nào đến đời sống?

Người độc thân và nhiều gia đình trẻ đang bày tỏ sự lo lắng trước "bão giá" hiện nay. Bởi chi phí đi chợ tới xăng xe đều tăng lên một cách chóng mặt. Tổng kết nhanh có gia đình tăng tới 50% chi phí chi tiêu cùng xăng xe chỉ trong vòng 1 tháng. 

Trước tình hình đó, trao đổi với chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hương thành viên Khối Tài chính Cá nhân FIDT, chị cho biết về mặt bản chất, sự phát triển kinh tế phải đi kèm với một mức đánh đổi chấp nhận được sự tăng mức giá chung của hàng hoá, dịch vụ. Ví dụ hằng năm chúng ta vẫn ghi nhận mức tăng khoảng 2-4%, song nền kinh tế vẫn tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua những diễn biến của các sự kiện bất khả kháng như dịch bệnh và các cuộc xung đột chính trị đã tác động không tốt đến vấn đề giá cả của các mặt hàng.

Trong 2 năm đại dịch, các hoạt động kinh tế bị gián đoạn, thu nhập và tích lũy của các hộ gia đình cũng bị ảnh hưởng và không còn quá dồi dào như trước. Đến nay tình trạng đó vẫn chưa hoàn toàn được cải thiện. Bên cạnh đó là các cuộc xung đột tác động kém tích cực đến giá nguyên vật liệu đầu vào, giá năng lượng. Kéo theo áp lực lên giá sinh hoạt và tiêu dùng nói chung. Dưới tác động kép đó, cảm nhận của người dân về bão giá ở thời điểm này có phần rõ nét hơn so với các thời điểm khác.

Chuyên gia tư vấn cách chi tiêu khôn khéo để vượt bão giá-1Chuyên gia tư vấn cách chi tiêu khôn khéo để vượt bão giá-2Chuyên gia tư vấn cách chi tiêu khôn khéo để vượt bão giá-3

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hương thành viên Khối Tài chính Cá nhân FIDT.

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hương cung cấp bảng số liệu minh chứng là trong 6 tháng đầu năm giá cả của các nhóm hàng hóa đang tăng lên như thế nào. Nguồn thông tin từ Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Các đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của "bão giá"

Trong thời điểm giá cả các hàng hóa đều tăng lên, song song với đó lãi suất cũng tăng lên, nên nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bão giá là những người đang vay nợ và thích tiêu xài.

Một nhóm khác cũng sẽ không mấy dễ chịu vì bão giá đó là nhóm gia đình có thu nhập từ thấp đến trung bình khá. Vì trong giai đoạn giá cả tăng cao các khoản chi tiêu sẽ nhiều hơn, tiết kiệm định kỳ sẽ ít hơn.

Chuyên gia tư vấn cách chi tiêu khôn khéo để vượt bão giá-4

Ảnh minh họa.

Mất cân bằng chi tiêu do bão giá và cách giải quyết

Ở vị thế là các cá nhân, trong bão giá chúng ta không thể khống chế giá cả không tăng lên. Chẳng hạn bạn không thể yêu cầu bác bán phở hay cô bán rau ngưng không lên giá được. Tuy nhiên, việc bạn có thể làm là cân đối và kiểm soát lại thu chi của mình.

Thông thường, một số gia đình sẽ ghi chép lại thu chi sau đó xem khoản chi nào là nhiều nhất rồi cắt giảm khoản chi đó. Tuy nhiên, phương pháp này không khác với việc "bắt cóc bỏ đĩa". Có thể ngày hôm nay bạn giảm được khoản này nhưng ngày mai nó sẽ tăng ở chỗ khác.

Một phương pháp mà chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hương khuyến nghị áp dụng đó là thay vì cứ mãi ghi chép, các hộ gia đình có thể đặt trước các "quota" chi tiêu thành 3 khoản mục.

Cần phải nhấn mạnh là chiến lược này chỉ thực sự hiệu quả khi các hộ gia đình tuyệt đối tuân thủ các định mức được đề ra trước đó. Cụ thể:

- Kiểm soát chi phí sinh hoạt thiết yếu

Các khoản này sẽ bao gồm các chi phí như tiền thuê nhà, tiền ăn uống sinh hoạt,… các chi phí cố định buộc phải chi hằng tháng. Bạn phải đặt một mức giới hạn chi tiêu rằng khoản nào là cần thiết và khoản nào không cần thiết. Điều quan trọng nhất là cực kỳ tuân thủ hạn mức và nếu bạn đặt được các hạn mức càng chi tiết thì càng tốt.

Chẳng hạn thay vì đặt sinh hoạt phí 12 triệu, bạn có thể cụ thể hơn là chi phí ăn uống 5 triệu, chi phí điện nước, xăng xe 3 triệu, 2 triệu tiền học cho con, tiền chi tiêu phát sinh khác 2 triệu.

Nếu như các khoản cố định như thuê nhà, điện nước, tiền học bạn không thể khống chế được thì ăn uống bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Bình thường "menu" của gia đình là thịt bò thì bây giờ có thể tiết giảm xuống các loại sản phẩm thay thế khác như thịt gà hay đậu hũ.

Hay bạn cũng có thể thay đổi phí xăng xe, trong bối cảnh giá xăng cao. Thay vì đi xe máy thì bạn có thể xem xét dậy sớm rồi di chuyển bằng xe buýt hay đi bộ. Các gia đình khá giả hơn thì thay vì đi ô tô thì bạn có thể đi xe máy để tiết giảm chi phí và chờ đợi thị trường bình ổn hơn.

- Kiểm soát việc tiết kiệm và đầu tư

Đây là khoản tiền dùng để đầu tư vào các tài sản, hay trả góp ngân hàng cho khoản vay mua nhà đất và gồm cả quỹ dự phòng khẩn cấp. Có một khoản thường bị phân lớp nhầm đó là các khoản vay mua nhà. Ví dụ như bạn mua nhà trả góp có vay ngân hàng thì khoản này cũng được xem là chi đầu tư, mặc dù nó phát sinh chi phí cố định định kỳ và bạn có nghĩa vụ thanh toán nó. Tùy theo bối cảnh, quan điểm sống mà tỷ lệ của khoản này sẽ được cân nhắc phân bổ bao nhiêu là phù hợp. Khoản này nên được trích ra đầu tiên trong mỗi kỳ thu nhập.

Chuyên gia tư vấn cách chi tiêu khôn khéo để vượt bão giá-5

Ảnh minh họa.

- Kiểm soát các nhu cầu hưởng thụ

Khoản này sẽ bao gồm du lịch, đi spa, mua sắm,... Trong bối cảnh giá xăng tăng, các chí phí sinh hoạt thường ngày cũng đã khó đảm bảo thì câu hỏi bạn đặt ra là liệu có nên đi ăn nhà hàng mỗi tuần một lần không, hay liệu gia đình sẽ vẫn có thể ở nhà nấu những buổi tối nhẹ nhàng. Không nhất thiết phải cắt bỏ nhưng bạn có thể "trì hoãn" các chi phí này tạm thời cho đến khi các chi phí hàng hóa thiết yếu ổn định hơn.

Đôi lúc sẽ gặp tình trạng một món đồ bạn coi là cần thiết nhưng trên thực tế nó không cần thiết như bạn nghĩ. Ví dụ bạn nghĩ mua một cái đồng hồ hàng hiệu có thể khiến bạn nâng cao vị thế của bản thân, tiếp cận được với các đối tác cao cấp hơn nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, trên thực tế bạn chỉ đang mua nó vì bạn thích, không có một lợi ích thực sự và chắc chắn nào được nó mang lại. Đấy chính là ngụy biện chi phí chìm.

Trong bối cảnh bão giá, việc tiết giảm các khoản chi phí cho vui chơi giải trí này sẽ tạo cho bạn dư địa chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu khác, giúp duy trì tình hình tài chính lành mạnh.

Trong bão giá các gia đình sẽ cần thay đổi hành vi tiêu dùng và thực sự kỷ luật, nếu bạn muốn đảm bảo một kế hoạch tài chính bền vững cho gia đình trong dài hạn.

Ở khía cạnh tốt: "Bão giá" cũng là lời cảnh báo dành cho bạn

Chuyên gia tài chính Kim Liên hiện đang là Founder của Amy Advise thì cho rằng, nếu xét về mặt tích cực bão giá cũng là dấu hiệu để thông báo với bạn rằng cần phải tỉnh táo và có kỷ luật hơn trong tài chính. Điều đó đồng nghĩa với việc, bạn cần ngay lập tức:

Chuyên gia tư vấn cách chi tiêu khôn khéo để vượt bão giá-6

Chuyên gia tài chính Kim Liên hiện đang là Founder của Amy Advise cho rằng "bão giá" cũng là lời cảnh báo dành cho mọi người.

- Tập trung nguồn lực để trả nợ trước hạn, cố định lãi vay các khoản nợ

Bởi thời gian vay càng dài thì chi phí lãi vay càng cao, bất kể lãi suất vay của bạn có đang được ưu đãi đi chăng nữa. Vậy nên, dù có tăng giá hay không thì ưu tiên trả nợ vẫn luôn cần đặt lên hàng đầu.

- Xem xét lại budget chi tiêu của gia đình

Tạm thời cắt giảm những chi tiêu không thiết yếu qua thời kì bão giá. VD: Năm nay định tổ chức sinh nhật cho con ăn uống như hàng năm thì thay bằng một bữa đi từ thiện cho lại quần áo/đồ chơi cũ. Thay vì 1 tháng đi ăn hàng 3 lần thì cắt giảm còn 1 lần. Thay vì mua quần áo mới mỗi khi có dịp thì nhân cơ hội này tham gia các group thanh lý quần áo xem sao.

- Hãy tăng thu nhập lên để vượt "bão giá"

Thông thường sau 2-3 năm nếu bạn vẫn cứ giữ 1 mức lương cố định là bạn đang đi lùi so với thời đại rồi. Nếu không thể deal tăng lương với vị trí hiện tại được thì có thể cân nhắc chuyển công tác, chuyển vị trí, xin việc mới. Nâng cấp thêm cho bản thân những kĩ năng mới để xứng đáng với mức thu nhập tốt hơn.

Bạn có thể đi học thêm khóa học mới, tạo network nhiều hơn, kiếm việc làm thêm ngoài giờ trong khả năng của mình để tạo nhiều kênh thu nhập mới. Hiện nay có rất nhiều công việc freelancer, cộng tác viên bán hàng,… không yêu cầu quá nhiều thời gian.

Chuyên gia tư vấn cách chi tiêu khôn khéo để vượt bão giá-7

Ảnh minh họa.

Tổng kết

Cơn bão nào rồi cũng sẽ qua, bão giá là kết quả của một chuỗi những sự kiện trước đó, và đây là điều tất yếu không thể tránh khỏi trong quá trình tự điều tiết của nền kinh tế. Nếu biết dành thời gian tập trung vào bản thân thì tốc độ phát triển của bạn sẽ luôn lớn hơn rất nhiều việc bão giá. Vì thế đừng ngồi một chỗ mà than thở và chịu trận!

Cảm ơn lời tư vấn của hai chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Thu Hương (thành viên Khối Tài chính Cá nhân FIDT) và chuyên gia tài chính Kim Liên (Founder của Amy Advise).

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/chuyen-gia-tu-van-cach-chi-tieu-khon-kheo-de-vuot-bao-gia-222022267103553661.htm

bão giá

Chi tiêu tiết kiệm


Hà Nội: Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhồi máu cơ tim vì lý do bất ngờ
Các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E vừa can thiệp cấp cứu và thành công cứu sống một nam thanh niên nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng nói, nam thanh niên này chỉ mới 32 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, thường xuyên luyện tập thể hình nhưng vẫn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và có thể để lại những di chứng nặng nề.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.