Dân buôn ô tô cũ chịu "cú sốc kép", người bỏ nghề, kẻ bán xe trả nợ

Tác động tiêu cực của đại dịch, thị trường xe mới lấn át, các dịch vụ gọi xe bị đình hoãn khiến xe cũ liên tiếp lâm khủng hoảng. Nhiều đại lý lỗ nặng, người bỏ nghề, người bán nhà trả nợ.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí tại thị trường xe cũ ở Hà Nội, thời điểm này các chợ xe vắng khách, doanh số bán xe giảm đều từ đầu năm đến nay do dịch bệnh và áp lực cạnh tranh do xe mới giảm giá nhiều.

Dân buôn ô tô cũ chịu cú sốc kép, người bỏ nghề, kẻ bán xe trả nợ-1

Thị trường xe cũ vắng lặng do tổng cầu suy giảm và do thị trường xe mới cạnh tranh quyết liệt.

Việc hàng loạt doanh nghiệp phân phối, nhà sản xuất xe hơi kết hợp với ngân hàng để ưu đãi lãi suất vay mua ô tô mới đã bóp nghẹt hoạt động kinh doanh xe cũ.

"Chỉ cần có gần 100 triệu đồng, khách đã có thể sở hữu ngay xe mới, số còn lại được trả góp, năm đầu tiên không phải trả lãi. Đây là điều khiến xe cũ hoàn toàn mất lợi thế so với xe mới dù cho một số đại lý có áp dụng lãi suất tương tự nhưng khách vẫn thích mua xe mới hơn" - ông Trinh - một đại lý xe hơi tại Phạm Hùng - cho hay.

Theo một số đại lý xe cũ, bán được xe trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay không hề đơn giản bởi tổng cầu đang xuống rất thấp. Dịch bệnh khiến các dịch vụ taxi, xe công nghệ suy giảm nên lượng người mua xe cũ hiện nay chủ yếu là khách cá nhân.

"Trước kia, trong 10 chiếc xe cũ bán ra mỗi tháng thì có 5-6 chiếc là bán cho người chạy xe dịch vụ, nhưng nay chỉ bán được một đến hai chiếc/tháng và hầu hết là cá nhân mua, đổi xe. Những mẫu xe đời quá cũ hiện không thể bán được, thậm chí đã đẩy về tỉnh lẻ. Các địa phương, hiện xu hướng mua xe cũ cũng rất khác, họ chọn xe không quá 7 năm, bởi đa số ngại kiểm tra khí thải Euro 4 không đạt khi đăng kiểm định kỳ" - ông Bùi Văn Nam - đại lý xe hơi cũ tại đường Phạm Văn Đồng - cho hay.

Theo một số chủ kinh doanh xe cũ, những mẫu xe trước đây luôn đứng top các xe cũ đắt giá trên thị trường như: Vios, Fortuner, Innova hay các mẫu xe máy dầu như Fortuner, Everest và SantaFe đều được chọn lựa để chạy dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay các mẫu xe này không còn là lựa chọn số một.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - đại lý xe cũ tại đường Nguyễn Văn Huyên - cho rằng: "Những mẫu xe cũ tuổi đời từ 7-10 năm như Vios, i10 hay Morning trước đây vẫn bán tốt cho dân chạy xe dịch vụ đô thị. Còn các mẫu 7 chỗ như Fortuner, Innova, Everest hay SantaFe thường được dân mua xe kinh doanh dịch vụ tại các tỉnh ưa chuộng. Từ năm 2020 đến nay, các mẫu xe đời quá cũ không còn được hỏi thăm, những mẫu xe trên 7 năm rất vắng khách và bị dìm giá không thương tiếc".

Trên thị trường xe cũ, những mẫu xe Vios, Innova đời 2015 giá dưới 300 triệu đồng không phải hiếm. Trong khi đó, các loại xe 7 chỗ khác như SantaFe, Fortuner vẫn giữ giá từ 600-700 triệu đồng. Với các mẫu xe có năm sản xuất từ năm 2010-2013, giá giảm còn 500-550 triệu đồng/chiếc.

Với mức giá này, xe 7 chỗ cũ sản xuất năm 2010 trở lại đây rất khó cạnh tranh với xe mới, trong đó có nhiều mẫu xe giá rẻ hiện nay.

Thực tế, thị trường xe mới với mẫu 7 chỗ có những dòng xe rất rẻ, như Xpander của Mitsubishi có giá bán đại lý hơn 620 triệu đồng/chiếc, Suzuki Ertiga hay XL7 cũng có giá chỉ từ 500-600 triệu đồng/chiếc. Các mẫu xe của MG bản 5 chỗ cũng có giá rất cạnh tranh và "ăn đứt" so với mẫu xe cũ dùng 7-10 năm.

Dân buôn ô tô cũ chịu cú sốc kép, người bỏ nghề, kẻ bán xe trả nợ-2

Lợi thế cạnh tranh về giá không còn đối với xe cũ khi nhiều hãng, doanh nghiệp xe mới giảm giá, cho vay mua xe lãi suất 0%.

Rõ ràng, giá nhiều loại xe cũ đang bị neo ở mức cao, khó có thể kéo khách được trong bối cảnh hiện có nhiều dòng xe, mẫu xe đã hạ giá mạnh và có những ưu đãi lớn về lãi suất, chiết khấu.

Việc xe cũ bị mất doanh số, bị cạnh tranh không bán được hàng đã khiến nhiều đại lý xe cũ ở Hà Nội phải "tháo chạy". Tuyến phố Dương Đình Nghệ, Nguyễn Chánh, Nguyễn Quốc Trị, Trung Kính (quận Cầu Giấy) trước đây là địa điểm tấp nập người mua, kẻ bán xe cũ, nhưng hiện nay rất nhiều đại lý đã phải đóng cửa vì thua lỗ.

Bình quân chi phí thuê mặt bằng tại đây dao động từ 100.000 m2 đến hơn 250.000 m2, các gara tại đây có giá thuê từ 12-30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chi phí thuê nhân công, chi phí lãi vay xoay vòng vốn bán xe có thể phải trả thêm hàng chục triệu đồng/tháng.

Dân buôn xe cũ chỉ có thể bán xe nhanh mới có lãi, còn nếu tình cảnh xe nằm gara nhiều, chi phí có thể "ăn mòn" hết lợi nhuận lẫn tiền gốc của xe. Điều này khiến không ít đại lý ô tô cũ dù có quy mô lớn, mở ồ ạt vài ba địa điểm song vẫn phải đóng cửa tại thời điểm này.

Ông Nguyễn Tú - một dân bán xe cũ lâu năm - cho hay, bán xe cũ hiện nay không còn "được lộc" như trước đây. Giá xe xuống thấp trong khi xe mới ra ở mọi phân khúc và khuyến mãi mạnh khiến xe cũ rất khó bán.

"Nhiều anh em có mối quen chuyển sang bán online bằng thuê nhà xưởng ở ngoại thành, bán qua người quen. Một số khác không trường vốn đành phải đóng cửa, thậm chí bán cả nhà cửa để chạy nợ" - ông Tú cho biết.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dan-buon-o-to-cu-chiu-cu-soc-kep-nguoi-bo-nghe-ke-ban-xe-tra-no-20210622154951358.htm

xe ô tô cũ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.