Hơn mười nghìn chai rượu giả đang bán cho người Việt

Thị trường rượu bia đang nóng lên từng ngày, khi mà thời điểm tết đã cận kề.

Thị trường rượu bia đang nóng lên từng ngày, khi Tết Bính Thân đang cận kề. Nhìn lại một số vụ việc do cơ quan chức năng phát hiện trong năm vừa qua khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang về xuất xứ cũng như chất lượng của các sản phẩm rượu bia.

Bia “rởm” trôi nổi trên thị trường

Ngày 10/4/2015, trinh sát của đội 7, phòng PC46 phối hợp cùng đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, công an quận Tân Phú đã vào kiểm tra ngôi nhà ở địa chỉ số 378/1A đường Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú. Cơ quan công an bắt quả tang 4 đối tượng là Nam, Em, Nghiêm và Tiên đang sản xuất bia giả.

Tại trụ sở công an, bước đầu chủ cơ sở khai nhận đã thu mua vỏ chai, nắp chai bia cũ ở các vựa ve chai, nhà hàng về cho công nhân súc rửa phục vụ cho việc sản xuất bia giả. Mỗi ngày Long cho ra lò khoảng 30-40 két bia các loại. Do bia giả không để được lâu nên Long thường bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn.

Ngoài ra, công an còn thu giữ lượng lớn tang vật gồm: gần 6.800 vỏ chai bia các loại, hơn 1.600 chai bia thành phẩm, 6,8kg nắp chai bia các loại và nhiều thiết bị phục vụ cho việc sản xuất bia giả…
 
Cặp vợ chồng và lò rượu Chivas giả giữa lòng Hà Nội

Tối 3/9/2015, Đội chống hàng giả, Phòng PC46 đã phát hiện đối tượng Quách Ngân Giang (36 tuổi, HKTT tại huyện Ba Vì, Hà Nội; ở tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, HN vận chuyển 48 chai rượu Chivas 12 giả trên xe máy.

Tại cơ quan điều tra, Giang và vợ là Trần Thị Thanh Hoa (36 tuổi, hộ khẩu thường trú tại phố Lý Thường Kiệt, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) khai nhận toàn bộ số rượu Chivas 12 trên là rượu giả, do Hoa trực tiếp sản xuất tại nhà. Sau đó, đưa cho Giang mang đi tiêu thụ tại các cửa hàng rượu, tạp hóa trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Vĩnh Phúc...
Để sản xuất rượu giả, Hoa đã thu mua vỏ chai Chivas cũ về tẩy rửa, đặt mua tem, nhãn Chivas sau đó mua rượu Black (Lào) về sang chiết vào vỏ chai Chivas và dán tem rượu nhập khẩu độ cồn hơn 30 độ
để thành rượu Chivas giả.

Sản xuất rượu Chivas tiền triệu từ Vodka và phẩm màu


Theo cơ quan công an, ngày 16/7/2015, đội 7 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM phối hợp Công an Q.Tân Bình bắt quả tang đối tượng tên Châu đang mang rượu giả đi bán.

Châu khai để sản xuất số rượu Chivas giả nói trên, Châu đi mua các chai rượu thật tại một cửa hàng ở quận 5, sau đó về pha loãng với rượu Vodka, cho thêm phẩm màu, hương liệu vào rồi đóng chai, dán tem giống như thật sau đó đem đi bỏ mối cho các cửa hàng khác.

Từ rượu Chivas 12 year mua với giá 450.000 đồng/chai, sau khi pha trộn với nhiều loại rượu, phẩm màu, Châu đóng chai thành Chivas 18 year, Chivas 21 year đem bỏ mối với giá: Chivas 18 year 800.000 đồng/chai 750ml và Chivas 21 year là 1,3 triệu đồng/chai 750ml.

Rượu chivas được pha chế bằng rượu vodka và phẩm màu

Thu giữ hàng chục ngàn chai rượu giả

Ngày 10/12/2015. Công an TP Hà Nội cho biết Phòng An ninh kinh tế kết hợp với Đội QLTT số 4 đã phát hiện, thu giữ khoảng 20.000 chai rượu cùng 3.000 thùng rượu thành phẩm, gồm vang  nổ, vang đỏ, rượu nếp… tại cơ sở kinh doanh rượu của ông Nguyễn Thành Năm (Hà Đông, Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu chế biến, không có chứng nhận kinh doanh sản xuất rượu. Chủ cửa hàng cho biết các loại rượu được sản xuất từ cồn, nước, phẩm màu…, sau đó đóng chai, dán tem nhãn rồi xuất ra thị trường.


Trước đó, tổ công tác liên ngành  Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) và Đội Quản lý thị trường số 7 (Chi cục QLTT Hà Nội) cũng đã phát hiện trong khoang hàng hóa của xe khách giường nằm có một số lượng lớn đồ gia dụng (nồi cơm điện, ấm siêu tốc, máy xay sinh tố…) cùng hơn 150 thùng bia ngoại. Đáng bàn, khi bên dưới một số giường nằm của xe còn có hàng chục chai rượu ngoại không dán tem nhập khẩu, không có nhãn phụ đi kèm, tài xế đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ có liên quan.

Trước tình trạng này, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng khi mua các sản phẩm rượu bia trên thị trường.

Mẹo phân biệt rượu, bia thật - giả khi sử dụng

Nhận biết bia thật, giả

Bia ngon, an toàn có màu vàng rơm, màu tươi sáng, độ bọt bám trên thành cốc, bọt nhỏ. Nếu uống bia của hãng nhìn bia thật có bọt mịn, hạt không to, sau một phút thì lượng bọt bám lại trên thành cốc nhiều. Bọt luôn nổi từ dưới đáy cốc lên trên.

Nếu lượng bọt không bám trên thành cốc là hàm lượng CO2 không đạt, lên men ngắn nên tạo ra bọt to hạt và các loại độc tố vẫn còn. Bình thường bia ngon bản thân chai bia không có cặn, mắt thường không nhìn thấy. Nếu bia có cặn là bia giả.

Còn nhận biết bằng vị giác, bia an toàn người sử dụng có thể cảm nhận vị bia thơm và có vị đắng một chút.

Cách phân biệt rượu thật - giả

Mức rượu trong chai

Thông thường, các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới được sản xuất công nghiệp và đóng chai tự động, do đó về mặt nguyên tắc, màu sắc của rượu cũng như mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Rượu giả được làm thủ công nên màu sắc và mức rượu bên trong chai thường không đều nhau.

Kiểm tra nhãn

Đây là yếu tố quan trọng mà người tiêu dùng nên quan tâm. Hầu hết các chai rượu giả đều sử dụng lại vỏ của chai rượu thật. Trong quá trình tẩy rửa, đóng chai, nhãn thật bì trầy xước hoặc bị bong ra chút ít. Vì vậy, người mua nên thận trọng với những lời giải thích "hàng bị xước trong quá trình vận chuyển". Sự khác biệt lớn là nhãn giả không thể bắt chước được các kỹ thuật in đặc biệt của các hãng chính gốc.

Kiểm tra nắp/nút

Thông thường, các đối tượng làm hàng giả thường sử dụng lại nắp thật, hoặc nắp giả tuyệt đối. Nếu quan sát kỹ, các nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá trình nậy nắp, còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật...Tinh vi hơn, lỗi trên nắp/nút chai còn được che đậy bởi tem nhập khẩu hoặc tem chống giả

Kiểm tra đáy chai

Có một số loại rượu được làm giả bằng cách khoan một lỗ rất nhỏ, như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Do đó, khi mua, nên quan sát thật kĩ dưới đáy chai, nếu có dấu vết lạ thì không nên mua.

Các vết khoan thường ở những chỗ khó thấy, ví dụ chính giữa vòng tròn của những chữ "A,O,B,.. hoặc những chỗ có vết tì sẵn trên chai khi sản xuất. Sau khi hút rượu ra, lỗ được dán thật kĩ bằng keo trong nên rất khó phát hiện. NTD cần quan sát thật kĩ để tìm những lỗ như vậy.

Nếu được tặng chai rượu ngoại thì trước khi đem ra sử dụng, nên thử bằng một trong các cách sau đây để tránh tác hại khi uống nhầm rượu giả:

Đem để vào ngăn đá tủ lạnh, sau 12 giờ lấy ra, nếu có hiện tượng đông đá thì có thể bị làm giả.


Hoàng Lan (tổng hợp)

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.