Liều mua đất lúc sốt, sau 2 năm gánh cả đống nợ

Bước sang đầu năm nay, thị trường đất nền ven đô vẫn giữ trạng thái trầm lắng khiến nhiều nhà đầu tư mua đất thời điểm "sốt đất" rơi vào tình trạng gánh nợ.

Chật vật rao bán lô đất nền ven đô từ đầu năm ngoái, nhưng tới nay anh Nguyễn Văn Duy ở Hà Nội vẫn chưa thể "thoát hàng". Theo anh Duy, đầu năm 2021, cơn "sốt đất" ven đô ở Hà Nội xảy ra, anh quyết định "xuống tiền" mua mảnh đất 230m2 ở huyện Thạch Thất, với giá hơn 4 tỷ đồng.

Cũng theo anh Duy, số tiền mua lô đất trên có tới hơn 50% là tiền vay mượn. "Hơn 2 năm nay, tôi đã cố gắng trả gốc và lãi cho các khoản vay. Số tiền phải lo hàng tháng lên tới hàng chục triệu đồng, nhưng đất thì bán mãi không có người mua", anh Duy chia sẻ.

Liều mua đất lúc sốt, sau 2 năm gánh cả đống nợ-1

Một lô đất ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội treo biển bán gấp (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Giống như anh Duy, anh Nguyễn Đức Huy và nhóm bạn đầu tư ở Hà Nội cũng đang tìm "lối thoát" cho lô đất nền ven đô mua năm 2021. Anh Huy thừa nhận, dù đã rao bán bằng nhiều cách, chấp nhận cắt lỗ để thu hồi vốn nhưng đều không thành công.

"Lô đất nhóm đầu tư của tôi mua đất khai hoang, có diện tích hơn 6.000m2, với giá 1,2 triệu đồng/m2. Giữa năm ngoái, cả nhóm đã thống nhất, để giá bán xuống 1 triệu đồng/m2 nhưng tới nay vẫn không có người mua", anh Huy chia sẻ.

Cũng theo anh Huy, nếu tiếp tục không bán được đất, áp lực tài chính sẽ ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhiều cá nhân trong nhóm, bởi các khoản vay đang phải trả cả gốc, lãi hàng tháng.

Thực tế, cơn "sốt đất" đầu năm 2021 đã xảy ra ở một số huyện ngoại thành của Hà Nội. Ngoài các sản phẩm đất nền có pháp lý rõ ràng, đất nông nghiệp, đất khai hoang, đất rừng sản xuất… cũng được nhà đầu tư "săn" mua với giá cao ngất ngưởng.

Thế nhưng, từ quý II/2022, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, mất thanh khoản. Nhiều chủ đất đã chấp nhận cắt lỗ, giảm giá để bán nhưng vẫn không có người mua.

Anh Trần Vinh Quang - một môi giới nhà đất khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, từ đầu giữa năm 2022, thị trường đất nền gần như đứng im. Văn phòng môi giới tiếp nhận nhiều thông tin rao bán của chủ đất khu vực huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai… nhưng tỷ lệ giao dịch không lớn.

"Trong hơn một năm qua, những lô đất nền bán được chủ yếu có giá trị dưới 2 tỷ đồng và có pháp lý rõ ràng. Những lô đất diện tích lớn, giá trị trên 4 tỷ hoặc chưa rõ ràng về pháp lý gần như không có thanh khoản", anh Quang chia sẻ.

Nhận định về thực trạng này, theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, thị trường đang ngập tràn thông tin cắt lỗ, xả hàng… nhưng thực tế chỉ là giảm một phần lợi nhuận.

Theo ông Quang, nếu không thể đi đường dài, trước sau gì cũng phải giảm, vậy nên thay vì rót thêm tiền để gồng lỗ, các nhà đầu tư bị ngộp nên cân nhắc mạnh tay giảm sâu hơn để thoát được hàng, thu hồi dòng tiền tái đầu tư. Do đó, việc gồng quá sức chỉ khiến thiệt hại càng lớn hơn.

Còn theo một số chuyên gia bất động sản khác, từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường bất động sản có diễn biến theo hướng tích cực hơn. Nguồn hàng không nhiều nên sức cầu chung toàn thị trường dự kiến cũng tăng nhờ vào động thái giảm lãi suất và tâm lý mua bất động sản của cả nhà đầu tư và khách mua ở thực vào cuối năm lên cao.

Dù vậy, chưa thể kỳ vọng bất động sản sẽ khởi sắc ngay. Nửa đầu năm nay, thị trường sẽ bớt khó khăn hơn hiện tại nhưng để "đảo chiều" thành công, gần nhất cũng phải nửa cuối năm nay. Các sản phẩm đầu tư, đầu cơ dự báo phải mất thêm từ 2-3 quý để vực dậy thanh khoản.

Theo Dân trí


mua đất


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.