Mất tình bạn vì chung tiền mua đất, bán không được giữ chẳng xong

Thấy lợi nhuận từ đầu tư bất động sản nhưng tiền không đủ để mua, chị Huyền quyết định cùng bạn chung tiền ôm đất. Tuy nhiên, tới lúc chị cần tiền muốn bán đất thì bạn lại không đồng ý, khiến hai bên xảy ra mâu thuẫn.

Chị Huyền ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, vợ chồng chị đều làm nhân viên văn phòng. Sau gần 6 năm tích cóp, anh chị để dành được 700 triệu gửi ngân hàng. Tuy nhiên, thấy lời lãi chẳng được bao nhiêu, vợ chồng chị muốn rút ra đầu tư bất động sản.

Vợ chồng chị Huyền tìm hiểu thông tin giá đất ở nhiều nơi. Ban đầu, anh chị tính về quê mua đất kinh doanh, nhưng lại thấy mọi người phân tích đất quê lên chậm, phải đầu tư lâu dài mới sinh lời. Trong khi đó, vợ chồng chị chỉ muốn đầu tư lướt sóng, quay đầu vốn nhanh bởi anh chị cũng không có các khoản dự phòng khác.

“Mình có một người bạn thân, biết vợ chồng mình đang có ý định mua đất đầu tư nên tháng 8 vừa qua, cô ấy rủ mình cùng mua một mảnh đất dịch vụ ở khu Thanh Xuân. Mảnh đất rộng 45m2, mặt tiền 4m, nằm ngay gần chợ lớn giá 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì bạn cũng vừa đầu tư một mảnh khác chưa bán được mà giờ lại muốn ôm thêm mảnh này, thiếu vốn mới rủ mình”, chị Huyền kể.

Mất tình bạn vì chung tiền mua đất, bán không được giữ chẳng xong-1

Dòng vốn không đủ đầu tư nên vợ chồng chị Huyền góp chung tiền mua đất với bạn (ảnh minh họa)

Người bạn của vợ chồng chị Huyền có 2 tỷ đồng, còn thiếu 1 tỷ bảo vợ chồng chị góp thêm. Nghe bạn phân tích, mảnh đất ấy rất có tương lai, chắc chắn bán lướt sóng dễ, sinh lời nhanh nên anh chị quyết định vay người thân thêm 300 triệu tính theo giá vàng, dồn với 700 triệu có sẵn là tròn 1 tỷ đồng, để hùn tiền với bạn mua đất. Lời lãi sau này chia theo tỷ lệ % số vốn góp vào, sổ đỏ đứng tên chung, có văn bản giao kèo kèm theo.

Tuy nhiên, mua mảnh đất được 2 tháng thì mâu thuẫn giữa vợ chồng chị Huyền với bạn bắt đầu nảy sinh.

“Mặc dù mảnh đất rất đẹp, nhưng không hiểu sao khách hỏi mua rất ít. Cả vợ chồng mình với bạn đều đăng bán trên trang cá nhân, thi thoảng cũng có người hỏi song họ trả giá quá sát với giá mua vào, chỉ chênh 100 đến 150 triệu thành ra chúng mình không bán được”.

Để đất hai tháng không gặp được khách bán với giá mong muốn, trong khi bản thân vợ chồng chị Huyền lại vay tiền theo giá vàng, mà giá vàng thì cứ mỗi ngày một tăng, khiến vợ chồng chị lo tới mất ăn mất ngủ.

Đầu tháng 11 có khách trả miếng đất với giá 3,2 tỷ đồng, vợ chồng chị Huyền muốn bán luôn để lấy tiền trả nợ ngân hàng, còn lại thì mua vàng đầu cơ. Tuy nhiên, bạn chị khẳng định đất còn lên giá và chỉ chấp nhận bán với giá thấp nhất là 3,5 tỷ. Sốt ruột, chị Huyền muốn thuê bên môi giới bất động sản vào cuộc bán cùng cho nhanh, bạn chị cũng không đồng ý. Cứ như thế, hai bên bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. 

“Bạn mình có điều kiện nên cô ấy không sốt ruột lo quay vòng tiền. Vợ chồng mình ngược lại, bản thân không có các khoản dự phòng khác, thấy đất nằm im, vàng ngày một lên giá, nợ chưa trả được khiến mình đứng ngồi không yên. Lúc mình vay, giá vàng mới 50 triệu đồng/lượng, giờ vàng cán mốc 60 triệu đồng. Tính ra sau gần 3 tháng, mình đã lỗ mất 60 triệu.

Giá như bạn mình đồng ý bán đất ngay đầu tháng 11 thì mình vừa trả được nợ, vừa ôm được vàng đầu cơ ăn chênh lệch, để ra được một khoản rồi. Giờ không biết bao giờ đất mới bán được, mà vàng lên xuống mỗi ngày", chị Huyền chia sẻ.

Mấy lần vợ chồng chị giục bạn bán đất, cô ấy cáu thế là đôi bên căng thẳng, cả hai cùng ức chế, mệt mỏi vô cùng. "Mình đúng là quá sai lầm khi chung tiền mua đất”, chị thừa nhận.

Theo TS. Diệp Gia Hoàng, Giám đốc tư vấn và quản lý danh mục đầu tư Aura Capital, góp vốn mua chung là một cách thức dành cho những người ít vốn muốn tham gia đầu tư bất động sản. Người mua có thể góp vốn cùng bạn bè, anh em, đồng nghiệp để đầu tư. Cách thức này cũng thích hợp trong nền kinh tế 4.0 - nền kinh tế chia sẻ, chia sẻ những cơ hội đầu tư cho nhau.

Ưu điểm của hình thức góp vốn đầu tư này là bạn chỉ cần một khoản tiền nhỏ là cũng có thể đồng sở hữu đất. Khi góp vốn mua chung đất, sẽ tồn tại hai trường hợp:

Thứ nhất, số tiền góp vốn của các bên là bằng nhau khi đó quyền lợi sẽ như nhau.

Thứ hai, số tiền góp vốn chênh lệch người ít, người nhiều sẽ dễ phát sinh tranh chấp về lợi ích. Trên thực tế, không ít trường hợp bạn bè, người thân góp tiền mua chung đất không thể nhìn mặt nhau do phát sinh tranh chấp về việc khai thác hoặc định đoạt “số phận” mảnh đất đó.

Do đó, khi đầu tư đất chung, trước tiên các bên phải có sự tin tưởng lẫn nhau; đồng thời, phải có sự thỏa thuận rõ ràng trong cách thức bán ra sau này, tỷ lệ ăn chia ra sao. Tất cả đều phải thể hiện trên giấy tờ, tránh giao kèo miệng sau này xảy ra tranh chấp rất khó giải quyết.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tu-van-tai-chinh/chung-tien-mua-dat-voi-ban-cang-thang-vi-ban-khong-duoc-giu-chang-xong-797372.html

bất động sản

mua đất


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.