Mua lại quán cà phê đông khách ở Hà Nội, ngờ đâu dính bẫy “chim mồi” giá chát

Chán cảnh làm nhân viên văn phòng thu nhập chỉ đủ chi phí sinh hoạt, chị Thùy Linh (sinh năm 1995, Hà Nội) quyết định mượn tiền từ bố mẹ để khởi nghiệp với quán cà phê. Thế nhưng chỉ sau vài tháng chị phải cắt lỗ để quay về làm nhân viên văn phòng.

Cú sốc khởi nghiệp của cô gái trẻ

Sau hai năm thu nhập có phần bấp bênh vì dịch bệnh Covid-19, giữa năm 2022 chị Thùy Linh quyết tâm nghỉ việc tại một công ty kinh doanh thực phẩm để khởi nghiệp. Với nhận định dịch bệnh đã qua đi là cơ hội để kinh doanh các loại hình dịch vụ như ăn uống, cà phê,….cô gái trẻ quyết định thử sức với ngành cà phê. Nhất là tại thời điểm đó, nhiều quán cà phê được sang nhượng với giá hời sau khi không thể gồng gánh chi phí sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chị đã nhiều thời gian lên mạng tìm kiếm thông tin về các quán cà phê đang được rao bán, cũng như dành trọn các ngày nghỉ cuối tuần để tìm kiếm địa điểm phù hợp. 

Tìm kiếm trên mạng được một quán cà phê đang rao bán, quán này bài trí theo phong cách phù hợp với giới trẻ, lại có vị trí đắc địa ở khu vực có đông sinh viên thuộc quận Cầu Giấy, chị Thùy Linh hẹn gặp chủ quán để thương thảo. 

Tới nơi, chị cảm thấy hào hứng bởi dù không phải là giờ cao điểm nhưng lượng khách đến quán khá đông, lại đủ mọi lứa tuổi. Khách từ thanh niên đến gia đình gồm vợ chồng, con cái... ngồi gần chật quán.

Do đó, chị không ngần ngại gật đầu tiếp nhận lại quán từ chủ cũ với mức giá 450 triệu đồng. 

“450 triệu đồng là con số quá lớn đối với một người độc thân mới ra trường được vài năm như tôi. Cũng may bố mẹ ở quê ủng hộ kế hoạch khởi nghiệp của con gái nên đồng ý cho vay 300 triệu đồng, số còn lại tôi tự tích cóp được và vay bạn bè chút đỉnh nên tạm đủ.”, chị Thùy Linh nói.

Tiếp nhận quán từ chủ cũ, chưa kịp hào hứng với viễn cảnh làm cô chủ, cô gái trẻ đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc kinh doanh ngành hàng còn mới mẻ này. Dù đã lường trước những chi phí cố định gồm tiền thuê cửa hàng 25 triệu đồng/tháng, tiền lương nhân viên 18 triệu đồng/tháng, rồi tiền điện, tiền nước, tiền nhập hàng,….thế nhưng cô chủ quán lại không thể ngờ quán cà phê của mình lại… vắng khách đến vậy.

“Những ngày đầu mình được bạn bè yêu quý nên kéo đến ủng hộ, nhưng “tuần trăng mật” nhanh chóng kết thúc và mình nhận ra không thể cứ trông đợi vào sự ưu ái của bạn bè. Lượng khách sụt giảm rõ rệt ngay trong tuần thứ hai khiến mình cảm thấy hoang mang. Dù tìm đủ mọi cách để quảng bá trên các trang mạng xã hội nhưng vẫn không ăn thua.

Tìm hiểu ra mình mới vỡ lẽ, hóa ra bao nhiêu người đến đây uống cà phê hôm mình tới xem quán đều là những người được chủ cũ của quán nhờ đến”, chị Thùy Linh nói.

Sau 3 tháng “gồng lỗ”, chị Thùy Linh quyết định sang nhượng lại quán với giá chỉ 230 triệu đồng, nhưng để sang nhượng thành công, chị cũng phải áp dụng chiêu cũ khiến chị từng mắc bẫy, đó là nhờ bạn bè đến quán làm “chim mồi”. Khởi nghiệp thất bại, cô gái trẻ lại quay trở về với cuộc sống của một nhân viên văn phòng như ngày nào.

Mua lại quán cà phê đông khách ở Hà Nội, ngờ đâu dính bẫy chim mồi” giá chát-1

Ảnh minh họa một quán cà phê ở quận Cầu Giấy đang được rao bán.

Ngã ngửa với môi giới "ngáo giá"

Chia sẻ về kinh nghiệm “xương máu” tìm mặt bằng kinh doanh cà phê, anh E.D, một người vừa trải qua hơn 10 ngày lang thang khắp các con phố ở Hà Nội cho biết: Phần nhiều các cửa hàng sang nhượng lại đều rơi vào tình cảnh đang lỗ, hoặc nhẹ cũng là không đạt doanh thu kỳ vọng. Thế nên không nên tin lời chủ cửa hàng “ba hoa” về doanh thu, chỉ cần chịu bỏ thời gian 3-5 ngày ngồi tại quán, nhìn vào khối lượng nhập hàng là có thể đánh giá chính xác hiện trạng.

“Các chủ quán họ hét giá cao vì muốn bù phần lỗ những tháng đã qua, điều này có thể hiểu được. Nhưng hơn 10 ngày đi tìm mặt bằng kinh doanh, bản thân tôi tiếp xúc khoảng 20 nhân viên môi giới, phần lớn họ đều thét giá thuê nhà và giá sang nhượng cao hơn so với giá thực tế. Có lẽ để khách mặc cả xuống là vừa, hoặc là nếu gặp “gà” thì được miếng.” anh D chia sẻ kinh nghiệm khi làm việc với môi giới.

Đơn cử như quán cà phê ở phố Nguyên Hồng, lượng khách lèo tèo, cơ sở vật chất gần như không có gì, pha chế cũng tệ, người trong ngành nhìn đã thấy lỗ, thế nhưng trên các diễn đàn mạng xã hội, một số môi giới đẩy giá lên cao gấp đôi,  thậm chí gấp 4 lần so với giá gốc. 

Không những đẩy giá sang nhượng lên mức không tưởng, nhiều môi giới còn ngang nhiên “vẽ” thêm diện tích của quán, nên không ít người tỏ ra thất vọng, bực bội khi đến xem thực tế. 

“Nhiều anh chị em môi giới khi nói qua điện thoại thì ngọt sớt, mô tả lố... Đến khi xem thực tế không như mô tả, khách phản hồi thì quay sang tỏ thái độ khó chịu. Họ cho rằng mất công dẫn đi mà khách thì khó tính. Trong khi đó mặt bằng kinh doanh có cái nào rẻ đâu, tính toán đủ thứ ném vào đó, có phải thuê vào là kiếm được tiền đâu, không phù hợp thì lấy về để "bao lỗ" à?”, anh E.D nói.

Do đó, bài học cho những người muốn tìm mặt bằng kinh doanh cà phê là dù qua môi giới hay không cũng phải tự mình khảo sát thực tế nhiều ngày, nhiều khung giờ, thời gian khác nhau, tự cảm nhận và nghe ngóng tình hình để có quyết định sáng suốt.

Theo Infonet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://infonet.vietnamnet.vn/nho-ban-be-gia-lam-chim-moi-de-sang-nhuong-quan-5009688.html

quán cà phê


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.