"Ngó" dự toán chi tiêu 4 ngày Tết hết 20 triệu đồng của một dâu trưởng ở Hà Nội

Với mọi người Tết đến phải lo trăm khoản chi tiêu, nhưng với người phụ nữ tuổi 42 này, do lên kế hoạch từ trước và hạn chế mua sắm các khoản không cần thiết nên chi tiêu Tết rất nhẹ nhàng.

Đó là câu chuyện chi tiêu Tết của chị Lê Thị Hà, SN 1979. Hiện vợ chồng chị Hà và 2 con đang sống tại Do Lộ, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội. Người phụ nữ này cũng đang làm việc tại Công ty thương mại và dược phẩm Sohaco.

Tính đến thời điểm này, chị Hà đã về nhà chồng làm dâu được 20 năm. Nhà chồng chị Hà gồm có 5 chị em. Trong đó chồng chị là con thứ 3 nhưng là con trai trưởng trong gia đình. Vì thế, chị Hà mặc nhiên phải đảm nhận vị trí dâu trưởng trong gia đình.

Chồng chị là thủy thủ tàu sông, thường xuyên xa nhà. Còn chị Hà hàng ngày đi làm và ở với 2 con cùng mẹ chồng. Mẹ chồng chị rất dễ tính, thoải mái. Trước đây, bà cũng hay hướng dẫn, kèm cặp con dâu dần quán xuyến mọi thứ trong gia đình. Vì thế, chị Hà cũng trưởng thành lên rất nhiều và đảm đang với mọi việc.

Ngó dự toán chi tiêu 4 ngày Tết hết 20 triệu đồng của một dâu trưởng ở Hà Nội-1

Gia đình nhỏ nhà chị Hà. Ảnh: NVCC

Ngay trước Tết 1-2 tuần, chị Hà tự rục rịch lên kế hoạch chuẩn bị Tết. Do có kế hoạch nên chi tiêu cụ thể nên người phụ nữ này luôn mua sắm đơn giản, tiết kiệm và rất thực tế. Bởi như bao bà nội trợ khác, chị Hà không muốn lãng phí vào mấy khoản màu mè phô trương. Với chị, chỉ cần Tết đủ đầy là được, có dư dả cũng để dành tiền cho những việc khác quan trọng hơn.

Cụ thể, kế hoạch chi tiêu Tết của chị Hà như sau:

Tiền lì xì: 5 triệu đồng

Tết đến, nhà chị Hà thường có rất đông các chị em và các cháu. Năm nào mùng 2 Tết, 4 anh chị chồng nhà chị cũng đến sum họp. Ngày này nhà chị Hà thường phải ăn Tết 5-6 mâm.

Ngó dự toán chi tiêu 4 ngày Tết hết 20 triệu đồng của một dâu trưởng ở Hà Nội-2

Ngó dự toán chi tiêu 4 ngày Tết hết 20 triệu đồng của một dâu trưởng ở Hà Nội-3

Tết đoàn viên của đại gia đình chị Hà. Ảnh: NVCC

Hơn nữa nhà chị Hà cô dì chú bác anh em họ đến rất đông. Bởi thế ngoài khoản tiền dành mừng tuổi cho mẹ chồng, các con, các cháu, chị còn phải để 1 khoản để lì xì các ông bà có tuổi, các cháu nhỏ trong họ. Tiền lì xì của chị lúc nào cũng để dành 1 khoản khoảng 5 triệu đồng.

Tiền mua đào quất: 2 triệu đồng

Năm nào chị Hà cũng mua đào quất để ngày Tết có thêm không khí. Bởi với vợ chồng chị, nhà chưa có đào, quất là Tết chưa về. Chị thường để dành khoảng 2 triệu đồng để mua cây đào, cây quất đẹp một chút.

Tiền mua đồ lễ thắp hương: 2 triệu đồng

Vì nhà con trưởng, mọi người đến gửi Tết rất nhiều. Năm nào Tết đến bàn thờ nhà chị Hà cũng không có chỗ bày vì kín đồ lễ. Do đó, chị cũng rất chú trọng mua thêm đồ lễ gồm hoa quả tươi ngon, tiền vàng, bánh kẹo, đồ cúng lễ để bày ban thờ ngày Tết vừa ấm áp, đẹp mắt nhất.

Tiền mua thực phẩm ăn Tết: 5 triệu đồng

Từ khi về làm dâu, nhà chồng chị Hà đã có thông lệ ngày Tết đến, các cô chú – em của bố chồng, các anh chị em chồng đều mang lễ Tết là giò, gà sang gửi lễ. Bởi thế nhà chị không phải mua thực phẩm nhiều nữa. Chị chỉ chú trọng mua thêm các món xào nấu hoặc những món ăn lạ miệng khác.

Ngó dự toán chi tiêu 4 ngày Tết hết 20 triệu đồng của một dâu trưởng ở Hà Nội-4

Tết đến dù nhà đông khách nhưng chị Hà vẫn cố gắng chu toàn nhất. Ảnh: NVCC

"Cứ mùng 2 Tết, các cô chú, anh chị em lại tập trung về nhà mình chúc Tết nội ngoại và ăn uống. Vì rất đam mê nấu ăn và có chút năng khiếu nấu nướng nên những ngày Tết mình không cảm thấy vất vả lắm. Chỉ cần phải chuẩn bị thịt hết 6-7 con gà mọi người gửi lễ ngày 30 Tết. Sau đó sắp xếp làm một số món khác như giò nạc, giò kẹp, thịt đông, cá kho, nem, măng, chè kho...".

Ngoài ra, chị Hà thường chuẩn bị thêm 1 số món lạ miệng để cả nhà ăn vào mùng 2 Tết như ong xách xào khế, canh riêu cua, cá, tôm chiên, lẩu cua đồng...

Tiền mua quần áo cho 2 con: 2 triệu đồng

Ngày Tết, vợ chồng chị Hà vẫn thường mặc quần áo cũ nhưng vẫn dành 1 khoản tiền để mua quần áo mới cho con gái và con trai.

Tiền mua bánh kẹo, hoa quả: 1 triệu đồng

Do nhà đông khách và các cháu nhiều nên chị Hà cũng mua một số bánh kẹo, hoa quả ngon để đãi khách.

Tiền mua lễ và biếu nhà ngoại: 3 triệu đồng

Năm nào, chị cũng mua giỏ quà Tết và biếu nhà ngoại 3 triệu đồng.

Tổng chi tiêu: 20 triệu đồng

Tết nhà chị Hà thường kéo dài 4 ngày. Từ ngày 30 Tết, chị bắt đầu làm mâm cúng cuối năm. Sau đó đến hết mùng 3 Tết thì chị hóa vàng.

Ngó dự toán chi tiêu 4 ngày Tết hết 20 triệu đồng của một dâu trưởng ở Hà Nội-5

20 năm làm dâu trưởng này tuy vất vả nhưng vẫn nhiều niềm vui. Ảnh: NVCC

Theo chị, để chi tiêu đúng kế hoạch và không quá tay, phí phạm những ngày Tết, chị thường tự tay mày mò làm các món ăn để giảm chi phí. Ngoài ra, do thường xuyên cập nhật giá cả nên lên khi chị lên kế hoạch mua sắm Tết khá chính xác.

Đặc biệt Tết đến, với người phụ nữ 20 năm làm dâu trưởng này tuy vất vả nhưng vẫn nhiều niềm vui: "Mấy ngày Tết mình chỉ loanh quanh ở nhà làm cơm cúng, ăn uống xong lại dọn dẹp. Nhưng cả năm chỉ có mấy ngày Tết, cả gia đình đoàn viên vui vẻ và đủ đầy. Nhất là khi làm các món ăn, mọi người đến ăn ngon và khen ngợi là mình đã thấy rất vui rồi", chị Hà khẳng định.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/ngo-du-toan-chi-tieu-4-ngay-tet-het-20-trieu-dong-cua-mot-dau-truong-o-ha-noi-162212201072947574.htm

Chi tiêu tiết kiệm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.