Nhộng trùng thảo đang được rao là “nấm đông trùng hạ thảo”

Nấm có màu vàng cam dưới dạng khô hoặc tươi còn nguyên cả phôi đang được rao là “nấm đông trùng hạ thảo” với giá bán chỉ vài trăm ngàn đồng/kg.

Trồng được nên giá rẻ?

“Nấm đông trùng hạ thảo” đang được rao bán khá nhiều, được giới thiệu là nấm nhà trồng kèm hình ảnh sản phẩm trong các bình thủy tinh lớn, trông bắt mắt. Giá bán trung bình chỉ khoảng hơn 40.000 đồng/100g. Nấm có thể ăn sống, ngâm mật ong, pha trà, nấu cháo, chưng cùng các vị thuốc bổ để giúp ngủ ngon, giảm mệt mỏi, làm đẹp da, chống ô-xy hóa, tốt cho tim mạch, ngừa ung thư, tăng cường hệ miễn dịch. 

Trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada, “nấm đông trùng hạ thảo” sấy khô, giá chỉ 26.000 đồng/100g, 120.000 đồng/500g. Trên  Shopee, sản phẩm này được niêm yết giá 152.000 đồng/500g, hoặc 37.000 đồng/100g; loại tươi giá 50.000 đồng/100g do được cho là nhiều dược tính hơn.

Nhộng trùng thảo đang được rao là nấm đông trùng hạ thảo”-1

Nếu trồng nấm đông trùng hạ thảo theo hướng dược liệu, giá trị sản phẩm sẽ rất cao và giá bán cũng không thể rẻ

Tại các điểm bán đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, TPHCM, “nấm đông trùng hạ thảo” chủ yếu ở dạng khô. Nhân viên cửa hàng T.H. cho biết, nấm nhập từ Trung Quốc, giá bán 300.000 đồng/kg nhưng nhân viên một cửa hàng gần đó lại giới thiệu đây là hàng trong nước.

 Nhà thuốc A.P. trên tuyến đường này lại bán loại nấm có màu sắc bắt mắt hơn, giá 300.000 đồng/100g do là hàng nhập từ Hàn Quốc. Chủ cửa hàng này cho rằng, giá này còn rẻ, vì có loại giá 1 triệu đồng/100g. Tùy theo loại một, hai hay ba, loại có nhộng hay không nhộng mà giá khác nhau. Sản phẩm được đóng trong hộp nhựa đơn giản, kèm tờ giấy chi chít tiếng Hàn phía trong. Chủ cửa hàng này còn mở điện thoại chụp tờ xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của sản phẩm này, nhưng trên giấy ghi… nước uống hồng sâm. 

Nấm rẻ, dược chất ít

Bảy năm trồng nấm đông trùng hạ thảo, ông Đào Huy Cương - Chủ cơ sở nấm đông trùng hạ thảo hữu cơ Huy Cương (tỉnh Lai Châu) - cho biết giá thể để trồng nấm này là nhộng tằm, tằm tươi, sâu chít, gạo lứt… Khi trồng tự nhiên, nấm có màu vàng cam, thậm chí đỏ cam rất đều và đẹp từ gốc lên ngọn. Sản phẩm được trồng hoàn toàn hữu cơ trên giá thể sâu chít, nhộng tằm thì có giá 3 triệu đồng/100g (30 triệu đồng/kg), sợi nấm đỏ cam đều. Muốn đưa ra thị trường, nấm phải có giấy kiểm định chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất phải đảm bảo quy trình nuôi đúng chuẩn an toàn thực phẩm. 

Theo ông Đào Huy Cương, những sản phẩm giá chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng/kg đều nhập từ Trung Quốc, được bán rất nhiều ở các đầu mối dược liệu của Việt Nam. Cây nấm Trung Quốc có màu vàng nhạt hoặc phần gốc nhạt hơn phần ngọn, không đều màu do họ dùng phân đạm, kali, thuốc tăng trưởng, cây bị chiếu sáng. Những loại nấm này ít dưỡng chất, có mùi khăm khẳm khi hãm trà uống. Đáng lo nhất là cây nấm bị nhiễm khuẩn, mốc trong quá trình nuôi trồng, dễ gây ngộ độc khi uống. 

“Hiện nay, có nhiều nơi không sản xuất mà nhập nấm từ Trung Quốc về kinh doanh hoặc trộn chung với nấm trong nước để bán kiếm lời. Thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch thường là hai tháng, nếu dùng thuốc kích thích thì chỉ khoảng một tháng. Một số nơi trồng hiện đang bắt đầu dùng thuốc kích thích” - ông Đào Huy Cương nói. 

Một chuyên gia công nghệ sinh học công tác tại TPHCM chia sẻ thêm, bà từng tham quan trại nấm ở Trung Quốc. Họ trồng mỗi năm được bốn vụ, diện tích trồng chưa tới 1.000m2 nhưng thu hoạch 4 tấn/năm. Khu trồng luôn nồng nặc mùi hóa chất khử trùng, nên chất lượng nấm không thể đảm bảo. 

Ông Đinh Minh Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Nấm học Việt Nam, người từng có thời gian nghiên cứu về loài nấm trùng thảo - cho biết loài “nấm đông trùng hạ thảo” màu vàng cam trên thị trường hiện nay có tên khoa học cordyceps militaris, tên tiếng Việt là nhộng trùng thảo hay bắc trùng thảo. Loài nấm này khác với đông trùng hạ thảo (tên khoa học là cordyceps sinensis, hiện nay có điều chỉnh là ophiocordyceps sinensis).

Ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, nhộng trùng thảo được lai tạo theo hai hướng, chuyên dược liệu và chuyên rau cao cấp. Lượng hoạt chất trong hai loại này khác nhau do công nghệ nuôi trồng cũng khác nhau. Nấm nhộng trùng thảo của Trung Quốc thường được trồng dưới dạng nấm ăn, trước đây thường dùng trong các món thực dưỡng (tiềm thuốc bắc, trà thảo dược). Phương pháp trồng khá đơn giản, nhà trồng thô sơ, trồng trên khay nhựa như trồng rau mầm. Do trồng với số lượng lớn, kỹ thuật canh tác đơn giản nên giá thấp hơn nhiều so với nấm dược liệu.

Ngay tại Việt Nam, vẫn có doanh nghiệp trồng nấm này dạng rau cao cấp, dựa theo mô hình sản xuất nấm dược liệu, có kiểm soát chặt chẽ điều kiện sản xuất, nên giá dễ chấp nhận hơn, khoảng 70.000-80.000 đồng/hộp nấm tươi, trong khi nấm dược liệu không dưới 200.000 đồng/hộp. Đa số doanh nghiệp trong nước sản xuất theo hướng chuyên dược liệu, xây dựng phòng nuôi trồng có kiểm soát các điều kiện nhiệt độ và ẩm độ từ đầu vào đến đầu ra, sử dụng giống nấm hướng dược liệu, nên sản phẩm thu được thường có hàm lượng hoạt chất cao. 

“Nhưng nếu nấm của Trung Quốc có nhãn hàng hóa và nguồn gốc rõ ràng, có bảng công bố chất lượng, an toàn thực phẩm thì có thể mua dùng được ” - ông Đinh Minh Hiệp nói thêm. 

Theo Phụ Nữ TP.HCM


Đông trùng Hạ thảo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.