Những ai được mua nhà ở xã hội?

Theo quy định của Luật Nhà ở 2014 có nhiều nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo...

Nhà ở xã hội là một phần quan trọng của chính sách an sinh xã hội, giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, chưa đủ điều kiện mua, thuê mua hoặc thuê nhà theo giá thị trường. Với những ưu đãi về giá bán, lãi suất vay ngân hàng, các dự án nhà ở xã hội luôn thu hút sự quan tâm của người có nhu cầu mua nhà.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Vậy, theo quy định của pháp luật, những đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội là ai?

Theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, đối tượng được mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 51 Luật Nhà ở 2014 gồm:

- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

- Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;

- Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;

- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;

- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;

- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định là người thuê nhà ở công vụ khi không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác hoặc có hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở mà thuộc diện bị thu hồi thì phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước.

- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Những ai được mua nhà ở xã hội?-1

Có 10 nhóm đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa: Báo chính phủ)

Ngoài việc nằm trong những đối tượng được mua nhà ở xã hội ở trên, người mua cũng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điều 51 Luật nhà ở năm 2014, bao gồm:

Điều kiện về nhà ở: Người chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Điều kiện về cư trú: Người mua nhà ở xã hội phải có hộ khẩu thường trú hay đăng ký tạm trú nhưng đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại các tỉnh, thành phố có dự án phát triển nhà ở xã hội.

Điều kiện về thu nhập: Người mua nhà không thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định thuế thu nhập cá nhân; người thuộc hộ gia đình nghèo là đối tượng nằm trong chuẩn nghèo theo quy định của Chính phủ. Đối với cán bộ, công chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Nếu là đối tượng bảo trợ xã hội muốn mua nhà ở xã hội thì phải có xác nhận của UBND xã/phường/thị trấn nơi cư trú. Riêng học sinh, sinh viên chỉ được thuê, không được mua nhà ở xã hội.

Người thoả mãn các điều kiện trên phải đăng ký đặt mua với chủ đầu tư các dự án có nhà ở xã hội. Sau khi hồ sơ được phê duyệt thì chủ đầu tư và khách hàng mua trao đổi và thống nhất việc ký kết hợp đồng mua bán, quy trình chi tiết thực hiện theo quy định nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, người mua nhà ở xã hội cần lưu ý các quy định về bán nhà ở xã hội (nếu có nhu cầu bán) như: thời hạn tối thiểu là 5 (năm) năm, kể từ ngày bên mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở thì mới có thể tiến hành hoạt động mua bán. Hoạt động mua bán phải tuân thủ theo quy định tại điều 62 Luật nhà ở năm 2014.

Trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này.

Mới đây, bàn về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phát triển nhà ở xã hội cho thuê, để giảm gánh nặng tài chính cho người thu nhập thấp. Nguyên nhân là trên thực tế, người thu nhập thấp chủ yếu là công nhân, lao động mới đi làm, với họ, nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức. Ngoài ra, có tình trạng khai man thu nhập để được mua nhà hoặc người đầu cơ mượn tên công nhân để đăng ký mua.

Hiện nay, tại nhiều quốc gia, chủ đầu tư chỉ thực hiện dự án, còn việc quản lý vận hành sẽ do tổ chức chuyên nghiệp công hoặc tư nhân đảm nhận. Các tổ chức này song hành với chủ đầu tư từ lúc phát triển dự án, cam kết mua nhà với mức giá hợp lý để cho thuê dài hạn và giải quyết lo lắng dòng tiền đầu ra cho chủ đầu tư. Nhờ đó, người có thu nhập thấp chưa chắc được sở hữu nhà nhưng có quyền ở.

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtc.vn/nhung-ai-duoc-mua-nha-o-xa-hoi-ar800606.html

nhà ở xã hội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.