Rau rừng rủ nhau xuống chợ Thủ đô, có loại 180 nghìn/kg vẫn không đủ bán

Vào mùa, rau rừng lại rủ nhau xuống chợ Hà Nội bán với giá khá đắt đỏ. Đặc sản rau thối giá lên tới 180.000 đồng/kg dân buôn vẫn không có đủ hàng bán.

Chị Lê Hà Phương ở Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sau khi mua 1kg hoa ban với giá 160.000 đồng để làm món nộm dịp cuối tuần, nay lại chuyển mua 1kg rau thối với giá 180.000 đồng/kg. Tuy nhiên, loại rau thối đặc sản này chị phải chờ 2 ngày mới nhận được hàng.

Chị chia sẻ, món nộm hoa ban chị được thưởng thức từ năm ngoái. Loại hoa này khi ăn sống có vị ngọt, ăn chín cảm nhận được vị bùi bùi, ngậy xen với chút ngọt. Còn riêng rau thối, nghe cái tên ai cũng muốn tránh, nhưng khi đã ăn quen lại thèm thuồng giống như nghiện sầu riêng vậy. Vì thế, khi nào gặp mối bán chị liền đặt mua về xào với trứng, măng hay nhộng ong.

Là người mê các loại rau rừng nhưng chị Phương thừa nhận, muốn ăn phải chờ vào mùa. Đợt này hoa ban nở rộ, chị đặt mua khá dễ. Hay như rau sắng đang chớm vụ ngọn non mỡ màng, hết mùa có tiền cũng khó mua.

Rau rừng rủ nhau xuống chợ Thủ đô, có loại 180 nghìn/kg vẫn không đủ bán-1
Vào màu, rau rừng được rao bán khắp chợ Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Tranh thủ đang mùa rau rừng, chị tìm mua về ăn dù giá của chúng so với các loại rau ngoài chợ có phần đắt đỏ, thậm chí như rau thối giá đắt gấp đôi giá thịt lợn, ngang giá thịt ba chỉ bò Mỹ.

Chị Lê Thị Nhã, đầu mối bán đặc sản Tây Bắc ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, tháng 3 là thời điểm thu hái nhiều loại rau rừng nhất trong năm. Ở chợ phiên Sơn La, chị có thể gom mua được rau sắng (rau ngót rừng), hoa ban, rau thối, rau dớn, tầm bóp để đưa về cửa hàng ở Hà Nội bán.

So với mặt bằng rau ngoài chợ, theo chị Nhã, giá của các loại rau rừng tương đối đắt. Cụ thể, rau sắng có 100.000 đồng/kg, hoa ban 150.000-160.000 đồng/kg, rau thối 180.000 đồng/kg. Thời điểm này, chỉ có rau dớn giá tương đối rẻ, dao động từ 35.000-50.000 đồng/kg và rau tầm bóp giá 65.000 đồng/kg.

Theo chị, vì vào mùa nên dễ gom mua các loại rau rừng, nhưng lượng rau gom được còn phụ thuộc vào người dân trên bản đi rừng hái được ít hay nhiều. 

Tuy vậy, rau rừng giờ ngày nào cũng về. Với rau sắng, rau dớn, tầm bóp ở cửa hàng luôn có sẵn. Riêng hoa ban và rau thối thì hiếm hơn, một ngày chỉ gom được trên dưới 10kg mỗi loại về bán nên thường xuyên "cháy hàng", chị cho hay.

Theo chị Thùy Dung - đầu mối bán rau rừng ở Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân), các loại rau rừng thường về theo chuyến. Thời điểm khan hiếm cả tuần chỉ về được 1 hoặc 2 chuyến, còn khi rộ mùa thì ngày nào hàng cũng về. Tuy nhiên, lượng rau mỗi chuyến về không cố định, đặc biệt là rau thối.

Rau rừng rủ nhau xuống chợ Thủ đô, có loại 180 nghìn/kg vẫn không đủ bán-2
Rau thối giá 180.000 đồng/kg dân buôn vẫn không đủ hàng bán (Ảnh: Đào Hoa)

Tháng 3 bắt đầu vào mùa rau thối và kéo dài đến khoảng tháng 8. Thời điểm vào mùa, người dân sẽ lên rừng hái những đọt rau thối non. Loại rau này có thể làm gia vị tẩm ướp các món nướng hay xào cùng với trứng kiến, thịt lợn, măng,... Khi ăn cảm nhận được rau giòn bùi rất hấp dẫn.

Trên chợ phiên vùng cao, bà con chỉ bán rau thối theo mớ nhưng khi về chị Dung chuyển qua bán theo cân. Sản lượng rau thối thu hái được hàng ngày không nhiều nên ở Hà Nội loại rau này dù giá tới gần 200.000 đồng/kg vẫn không đủ hàng. Có ngày chị chỉ gom mua được vài cân, nhiều thì 15-20kg.

Còn rau sắng, rau dớn lượng hàng khá dồi dào. Hiện 2 loại rau này mỗi ngày về tổng 50-70kg, giá cũng hạ nhiệt so với những năm trước.

"Tôi bán rau sắng đã vài năm nay, có thời điểm giá lên tới 200.000-300.000 đồng/kg, nhưng nay thì chỉ 100.000-120.000 đồng/kg; rau dớn giảm còn 45.000 đồng/kg", chị nói. Dù vậy, so với giá rau xanh trên thị trường, rau rừng vẫn có phần đắt đỏ hơn. Với nhiều người, rau rừng không chỉ có hương vị đặc biệt mà còn là rau sạch.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/rau-rung-ru-nhau-xuong-cho-thu-do-co-loai-180-nghin-kg-van-khong-du-ban-2121278.html

rau rừng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.