'Thủ phủ' bánh kẹo nhái La Phù vẫn hoạt động nhộn nhịp

Những ngày cận Tết Tân Sửu 2021, xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) như không ngủ, người xe ra vào tấp nập.

Ai nấy đều thoăn thoắt, đóng gói, bốc vác hàng lên xe, tỏa đi đủ hướng để phục vụ bà con dịp Tết. Các mặt hàng chủ yếu là bánh kẹo, mứt Tết, nước giải khát, trong đó có nhiều loại giả các thương hiệu nổi tiếng.

Giá rẻ như... cho

8 giờ sáng 6.1, những chiếc xe tải chở đầy các thùng bánh kẹo xếp hàng dài, nối đuôi nhau di chuyển trên con đường chật hẹp từ cổng chào được gắn biển "Làng nghề xã La Phù - Kính chào quý khách".

Những ngày cận Tết Nguyên đán, hàng nghìn người đổ về đây để nhập hàng. Bởi từ lâu, xã La Phù đã nổi tiếng là nơi có đủ các loại bánh kẹo, đặc biệt là bánh kẹo nhái, với giá không thể rẻ hơn.

Trong vai khách bỏ mối buôn, phóng viên tiếp cận chủ một kho hàng tên H có cửa hàng nằm sát mặt đường. Người này cho biết, kho hàng của bà "chuyên trị đồ La Phù". Đúng như quảng cáo, hàng ở đây "giá rẻ như cho".

Thủ phủ bánh kẹo nhái La Phù vẫn hoạt động nhộn nhịp-1

Tại La Phù, dễ thấy nhiều những hộp bánh kẹo có tên gọi na ná những thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: C.D

“Bánh bông lan trứng muối 145.000 đồng/thùng có 12 hộp to; bánh trứng nhiều loại, có loại 160.000/thùng 16 hộp, có loại 190.000 đồng/thùng 12 hộp, loại 165.000 đồng/thùng 12 hộp, loại 265.000 đồng/thùng 12 hộp”; bánh Custard, Chocopia bán với giá 280.000 đồng/thùng 20 hộp (khoảng 14.000 đồng/hộp).

Chia trung bình thì mỗi hộp bánh có giá rơi vào khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Trong khi giá bán của thương hiệu nổi tiếng như Custas, Chocopie... trên thị trường dao động ở khoảng 50.000 - 60.0000 đồng/hộp. Tính sơ qua đã thấy các thương buôn sẽ “lãi to" như thế nào khi bán hàng “dởm”.

Khi thắc mắc tại sao giá các hộp bánh kẹo, mứt Tết lại rẻ như vậy, bà H nói rằng: Đây là hàng "gia công" (?!) của những thương hiệu nổi tiếng. Hàng này được sản xuất ở ngay các xưởng trong xã, nên giá rẻ hơn nhiều. “Hàng này tiêu thụ chủ yếu ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa" - H nói.

Tham quan những đại lý bánh kẹo tại La Phù, vẫn là các thùng carton chất đầy những hộp kẹo có tên gọi na ná những thương hiệu nổi tiếng. Trên hộp bánh thường ghi tắt tên nhà sản xuất, hoặc ghi chung chung như: Sản xuất tại Bình Dương (Việt Nam), Hà Đông (Hà Nội) hay Thường Tín (Hà Nội)…

Có điều, không ai kiểm chứng được nguồn gốc xuất xứ của những loại hàng hóa này. Nhưng vì giá rẻ, những mặt hàng của La Phù vẫn được ưa chuộng và tỏa về khắp các vùng nông thôn, khu vực miền núi, rồi đến tay người tiêu dùng.

Mập mờ hạn sử dụng, nguồn gốc

Đáng chú ý, ở "thủ phủ" bánh kẹo La Phù, những thùng bánh kẹo thường có tên na ná các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, lại được viết lệch đi, hoặc thêm bớt một hai từ gây nhiễu, hiểu lầm cho người mua. Chẳng hạn, thương hiệu bánh trứng nổi tiếng Custas được “phù phép” thành Custasd, Custar; Cosy thì biến thành Goszy.

Những loại bim bim, quẩy, kẹo cân giá ở đây giá cũng rẻ bất ngờ, chỉ 6.000 - 10.000 đồng/kg tuỳ loại. Người bán tại đây lý giải, giá rẻ do "người La Phù tự làm được, không tốn công vận chuyển, không tốn tiền bao bì đóng gói".

Được biết, ở La Phù, các kho hàng chủ yếu bán sản phẩm bánh kẹo do chính nơi đây sản xuất; một số ít được nhập từ Nam Định, Thái Bình. Ngoài ra, nhiều loại bánh kẹo, hạt hướng dương ở đây được đóng trong các thùng hàng dày đặc chữ nước ngoài. Hạn sử dụng thì chỗ tỏ chỗ mờ, không hề rõ ràng.

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều đại lý ở La Phù, có rất nhiều loại bánh quy, hay hạt hướng dương được đóng trong các bao bì có chữ Trung Quốc, không có hạn sử dụng. Mới đây, ngày 5.1, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với lực lượng Công an trên địa bàn huyện Hoài Đức đột xuất kiểm tra và bắt quả tang Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang có trụ sở chính tại đội 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội do ông Lê Văn Hướng là đại diện theo pháp luật đang trữ một lượng lớn sản phẩm bánh quy do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu hết hạn sử dụng.

Kiểm đếm thực tế tại cơ sở này, Đội QLTT số 24 ghi nhận hơn 3 tấn bánh quy yến mạch hiệu "Torku" có nguồn gốc xuất xứ trên bao bì từ Thổ Nhĩ Kỳ đã hết hạn sử dụng từ tháng 2 năm 2020 đang được công nhân ngang nhiên "gia hạn sử dụng" bằng máy dập date có sẵn tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại đây còn có nhiều loại máy móc khác như máy in, máy đóng gói bao bì, sản phẩm cùng hàng loạt các loại túi, vỏ hộp để đựng, đóng gói sản phẩm.

Ông Nguyễn Huy Cường, Đội trưởng Đội QLTT số 24 cho biết, hầu hết các loại bánh, kẹo ở đây là hàng nước ngoài, được sản xuất từ năm 2018 và có hạn sử dụng đến tháng 2 năm 2020. Sau đó, công nhân tại đây vứt bỏ vỏ hộp với hạn sử dụng đã hết để chuyển sang một bao bì mới với hạn sử dụng mới dài hơn được in lại từ máy dập date có sẵn.

Theo Lao Động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://laodong.vn/kinh-te/thu-phu-banh-keo-nhai-la-phu-van-hoat-dong-nhon-nhip-868526.ldo

hàng nhái

bánh kẹo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.